Tôn tạo gò Đống Thây thành công viên văn hóa lịch sử

Nằm ở phía tây nam Thủ đô Hà Nội, thuộc địa phận phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, di tích Gò Đống Thây gắn liền với với chiến công của nghĩa quân Lam Sơn khi giải phóng thành Đông Quan (Hà Nội ngày nay), đưa dân tộc ta thoát khỏi ách đô hộ của giặc Minh vào thế kỷ 15. Địa danh này đã được công nhận di tích lịch sử, nhưng hiện bị một số hộ dân lấn chiếm, xây dựng nhà ở trái phép. Quận Thanh Xuân đang nỗ lực triển khai công tác giải phóng mặt bằng nhằm tôn tạo di tích này thành công viên văn hóa lịch sử.
0:00 / 0:00
0:00
Phối cảnh di tích Gò Đống Thây sau khi được tu bổ, tôn tạo.
Phối cảnh di tích Gò Đống Thây sau khi được tu bổ, tôn tạo.

Năm 2010, Ủy ban nhân dân quận Thanh Xuân được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội giao làm chủ đầu tư Dự án Tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử gò Đống Thây. Do diện tích gò không còn nguyên vẹn (26.722 m2) như khi Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội giao cho Ban quản lý di tích và danh thắng Hà Nội quản lý theo Quyết định số 1185/QĐ-UB ngày 26/3/1997, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Thanh Xuân đã tiến hành các bước điều chỉnh khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích lịch sử khu gò Đống Thây theo quy định.

Đến ngày 28/10/2016, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thống nhất điều chỉnh khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích, với diện tích 15.336m2 tại văn bản số 4394/BVHTTDL-DSVH về việc thỏa thuận điều chỉnh khoanh vùng khu vực bảo vệ di tích lịch sử gò Đống Thây.

Trên cơ sở đó, năm 2017, Ủy ban nhân dân quận Thanh Xuân đề xuất chủ trương lập Dự án Tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử gò Đống Thây và được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thống nhất việc lập dự án để bảo tồn và phát huy giá trị của di tích bằng nguồn vốn ngân sách của quận Thanh Xuân.

Với mục đích bảo tồn, tu bổ, tôn tạo di tích khu gò Đống Thây trở thành Công viên văn hóa lịch sử, phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa cho nhân dân, ngày 25/10/2018, Ủy ban nhân dân quận Thanh Xuân đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng dự án Tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử gò Đống Thây (phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân) với quy mô: Tu bổ gò số 1 và gò số 3; xây dựng mới miếu thờ, bổ sung bia và biển tại gò số 2; xây dựng mới các hạng mục công trình: Nhà quản lý và trưng bày (5 gian), 4 gò mô phỏng, cùng với đó là các hạng mục phụ trợ: Cổng chính, cổng phụ, khu để xe, sân lễ, sân khấu, phù điêu, tường rào, đường dạo, cây xanh, thảm cỏ…

Theo quận Thanh Xuân, dự kiến phân kỳ thực hiện dự án làm 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 thực hiện tu bổ, tôn tạo các hạng mục công trình trong phạm vi diện tích khoảng 8.785m2; giai đoạn 2, thực hiện phần còn lại của dự án trong phạm vi diện tích khoảng 6.551m2.

Tôn tạo gò Đống Thây thành công viên văn hóa lịch sử ảnh 1

Các hộ dân lấn chiếm, xây nhà trái phép trong khuôn viên di tích Gò Đống Thây (ảnh chụp ngày 6/12/2022)

Sau khi dự án được phê duyệt, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng quận đã tiến hành các bước thực hiện đầu tư theo quy định và được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho ý kiến thẩm định thiết kế bản vẽ thi công (giai đoạn 1). Đến ngày 26/2/2021, UBND quận Thanh Xuân đã phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và dự toán xây dựng công trình (giai đoạn 1) tại Quyết định số 321/QĐ-UBND.

Ngày 19/11/2021, Ủy ban nhân dân quận Thanh Xuân đã ban hành Kế hoạch số 293/KH-UBND về việc thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm để thực hiện dự án. Theo số liệu của Ủy ban nhân dân quận Thanh Xuân, để thực hiện Dự án Tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử gò Đống Thây, cần giải phóng mặt bằng 189 hộ dân, trong đó giai đoạn 1 có 56 hộ, giai đoạn 2 có 133 hộ. Tại phiên họp thường kỳ tháng 12 của tập thể Ủy ban nhân dân quận Thanh Xuân vào ngày 13/12, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Võ Đăng Dũng chỉ đạo, đưa công tác giải phóng mặt bằng di tích gò Đống Thây vào danh sách các công việc trọng điểm, cần tập trung thực hiện trong năm 2023 để sớm đưa di tích có ý nghĩa to lớn về lịch sử trở thành công viên văn hóa ở phía tây nam Thủ đô, là nơi giáo dục lòng yêu nước, tinh thần quật cường của dân tộc cho các thế hệ mai sau.

Khu vực gò Đống Thây xưa thuộc cánh đồng làng Cự Chính - Nhân Mục, có tên Nôm “Kẻ Mọc” gồm 12 làng, sau này còn có tên chữ là Nhân Mục. Cuối năm 1426, trong những trận đánh nhằm bao vây, giải phóng thành Đông Quan (Hà Nội ngày nay) khỏi ách đô hộ của quân Minh, nghĩa quân Lam Sơn (Thanh Hóa) của Lê Lợi đã có những trận đánh mở màn thắng lợi tại cầu Nhân Mục, tiêu diệt được lực lượng lớn quân Minh đóng tại đây. Sau hai trận đánh oanh liệt đó, khu đất tại khu vực này được nhân dân địa phương gọi là “Gò Thất Tinh”, “Khu mả Thất Tinh” và dần trở thành cái tên thông dụng “Gò Đống Thây” như ngày nay (thây giặc chất nhiều thành đống, thành gò). Do những giá trị đặc biệt này, cho nên di tích gò Đống Thây đã được Bộ Văn hóa - Thông tin - Thể thao và Du lịch (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận di tích lịch sử tại Quyết định số 993/QĐ ngày 28/9/1990.