Nghệ sĩ ưu tú Quang Khải:

Tôi vẫn đang trên hành trình leo núi

Ðã 20 năm lăn lộn với cải lương, có những lúc mệt mỏi vì gánh nặng cơm áo, nhưng nghệ sĩ Quang Khải (ảnh nhỏ) chưa bao giờ từ bỏ tình yêu của mình. Người con xứ Nghệ có giọng ca ngọt và ấm ấy đã nhận được những thành quả xứng đáng khi anh được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) vào dịp Quốc khánh 2-9 này.

Tôi vẫn đang trên hành trình leo núi

Mỗi vai diễn là một lần "nhập đồng"

- Chúc mừng Quang Khải vừa được phong tặng danh hiệu NSƯT. Sau 20 năm miệt mài cống hiến cho nghệ thuật cải lương, danh hiệu đó với anh chắc có rất nhiều ý nghĩa?

- Tôi được phong tặng danh hiệu là một đánh giá, nhìn nhận từ phía Nhà nước, điều đó khích lệ tinh thần cho người nghệ sĩ tiếp tục hoạt động và cống hiến. Tôi cũng tự hào vì được giới làm nghề ghi nhận, đó là thành quả của sự nỗ lực hết mình của tôi trong nhiều năm qua.

- Nhìn lại chặng đường đó, điều gì giúp anh vượt qua những khó khăn bộn bề của đời thường để được sống với tình yêu của mình?

- Tình yêu cải lương ngấm vào tôi từ nhỏ. Nhà ở Nghệ An, tôi thường đi xem đoàn Bông Sen Trắng biểu diễn, rồi nghe các gánh hát từ trong nam ra, ngày đó cải lương vẫn có đất sống. Trong gia đình có chú tôi đi học về cải lương rồi tham gia đoàn Bông Sen Trắng. Chú cũng là người thầy đầu tiên dạy tôi những nốt nhạc, bài ca. Tôi cảm nhận được cải lương thật gần gũi. Khi âm nhạc cất lên, trong tôi có một cảm xúc kỳ lạ lắm, lúc đó, những nỗi lo đời thường được đặt sang một bên để mình được trọn vẹn và hạnh phúc sống với đam mê của mình. Ngay cả trong những thời điểm khó khăn nhất của cuộc sống, tình yêu đó chưa bao giờ cạn.

- Anh có thể chia sẻ về những thời điểm khó khăn đó?

- Thời gian đầu lập gia đình quả thật quá áp lực. Ðời nghệ sĩ nghèo, hằng ngày phải đối diện với đủ thứ, nào thuê nhà, nuôi vợ con, tôi đã xoay ra đủ nghề để kiếm sống, làm MC, tổ chức biểu diễn… Có những lúc lơi là với công việc vì mưu sinh. Nhưng bốn năm trở lại đây, tôi nghĩ, nếu cứ đi làm thế này, giọng sẽ kém đi rất nhiều. Ðã đến lúc phải lựa chọn giữa đam mê và mưu sinh, tôi quyết định từ bỏ mưu sinh để dành trọn cho nghệ thuật. Năm 2011, 2012, ghi dấu trong sự nghiệp của tôi với tác phẩm Mê cung. Sau 12 năm làm nghề, tham gia nhiều vai nhưng đến Mê cung, lần đầu tiên tôi tham gia hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc và được trao Huy chương vàng. Một dấu ấn nữa vào năm 2013, với Chuyện tình Khâu Vai, được mệnh danh là "chuyện tình Romeo và Juliet ở Việt Nam", được công diễn khắp nơi. Năm 2014 là tác phẩm Mai Hắc Ðế, tham gia hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc và giành Huy chương vàng, rồi sau đó là Vua Phật với vai diễn nặng ký - Trần Nhân Tông.

-Một chặng làm nghề rực rỡ với nhiều vai diễn nặng ký. Anh đã vượt qua những giới hạn của chính mình như thế nào để chinh phục các vai diễn đó?

- Mỗi nhân vật trong tác phẩm đều không được giống nhau. Tôi còn nhớ, năm 2015 là một cuộc chạy đua maraton của chính mình khi tôi làm cùng lúc hai vở Mai Hắc Ðế và Vua Phật. Với Vua Phật, tôi vào vai Phật hoàng Trần Nhân Tông- một thiền sư. Trong giai đoạn tập tôi hoảng lắm vì không nhập được trạng thái thiền tịnh của một thiền sư, tôi hoang mang tìm chìa khóa để mở. Tôi đã đi theo tác giả đến Thiền viện Sùng Phúc, quan sát các thiền sư ngồi thiền, ngắm nhìn phong thái của họ. Về tập, tôi lắng nghe đạo diễn phân tích, rồi tập trung tinh thần, và trong giây phút căng thẳng nhất, tự nhiên, tôi nhận ra, tôi bắt đầu bước được vào trạng thái đó- tâm thế của một thiền sư, Phật hoàng Trần Nhân Tông. Khi tập xong Vua Phật, tôi phải bồi dưỡng cật lực để tăng thêm 10 kg vì vai Mai Hắc Ðế. Xong Mai Hắc Ðế lại phải ép cân để vào Vua Phật. Cứ như thế, đúng hôm tại Bạc Liêu trao giải vàng cho Mai Hắc Ðế thì ở Hà Nội ra mắt Vua Phật. Tôi nghiên cứu, suy nghĩ và quyết định xuống tóc để có được một cảm giác trọn vẹn nhất với nhân vật của mình.

- Anh có bị áp lực vì những thành công liên tiếp hay không?

- Tôi đang trong giai đoạn leo núi. Với nghệ thuật, đỉnh cao luôn ở phía trước. Một vài thành công sẽ giúp mình biết cố gắng hơn, càng phát triển mình càng có trách nhiệm hơn với nghề. Tôi nghĩ, điều quan trọng là người nghệ sĩ phải biết lắng nghe, tiếp nhận những cái mới, nếu không anh ta sẽ đi xuống.

Nuôi dưỡng và truyền lửa đam mê

-Anh đang đảm nhiệm vai trò Phó Trưởng đoàn Thể nghiệm của Nhà hát Cải lương Việt Nam. Anh truyền ngọn lửa đam mê cho các nghệ sĩ trẻ như thế nào?

- Thời gian này tôi toàn tâm toàn ý cho nghệ thuật cải lương. Nếu chạy show nhiều tôi sẽ có cuộc sống kinh tế ổn, nhưng như thế thì tôi sẽ khó thuyết phục anh em nếu muốn họ dành đam mê cho nghệ thuật. Tôi nghĩ, mỗi giai đoạn, tình yêu giống nhau nhưng hình thái thể hiện sẽ khác nhau. Không thể bắt các nghệ sĩ hôm nay giống mình được. Chỉ cần khi lên sân khấu, họ đam mê là được. Với cải lương, ai đã trót yêu thì khó bỏ lắm, nó có một ma lực lạ lùng, chỉ cần nghe tiếng đàn dạo lên, tâm hồn người nghệ sĩ đã rưng rưng muốn hát. Tôi nghĩ, trong tâm hồn nhiều bạn trẻ sẵn có tình yêu với cải lương, chúng ta chỉ cần nuôi dưỡng và truyền lửa cho nó. Cải lương cần những gương mặt mới và cũng cần người truyền lửa để giữ nghề.

- Nhiều vở diễn được luyện tập kỳ công, với tình yêu và đam mê của người nghệ sĩ, nhưng cơ hội đến với công chúng quá ít. Anh có buồn không?

- Tôi nhớ dịp kỷ niệm 100 năm cải lương, tôi đã vào TP Hồ Chí Minh cùng với các nghệ sĩ trong đó tập vở Thầy Ba Ðợi hơn một tháng trời. Tất cả anh chị em nghệ sĩ chúng tôi đều tập với một tình yêu cải lương và với nỗ lực níu giữ một giá trị. Mọi ranh giới bị xóa nhòa, chỉ còn tình yêu và niềm say mê sáng tạo. Tình yêu từ các thế hệ đã được nuôi dưỡng và lan tỏa như thế. Tất nhiên, buồn chứ, khi lịch diễn của cải lương rất hạn chế. Ngay Nhà hát Cải lương Việt Nam có lịch sử 70 năm nhưng chúng tôi vẫn không có một rạp của riêng mình để anh chị em nghệ sĩ được đứng trong ngôi nhà của mình biểu diễn, để chúng tôi có thể chủ động xây dựng kế hoạch trung hạn và dài hạn cho cải lương. Hiện tại chỉ là ăn đong thôi, đến giáp hạt lại đói. Ngân sách không đủ, đời sống anh em cực kỳ khó khăn.

- Nhưng nhiều người cho rằng cải lương cần đổi mới để phù hợp với thời đại?

- Muốn đổi mới thì căn bản phải tốt, người nghệ sĩ phải có một kiến thức đủ rộng và sâu. Muốn hay thì phải đúng cái đã, từ đó phát triển thêm. Tự nghệ sĩ phải nỗ lực, cố gắng, tiếp nhận xu thế của xã hội, nhìn nhận đúng nó để phát triển. Hai từ cải lương đã nói lên điều đó - luôn tiếp nhận cái mới. Những giá trị cần giữ của cải lương là âm nhạc, trình thức, vũ đạo cải lương, là tinh thần lãng mạn, không bi lụy mà thao thiết, bi tráng và tiếp nhận xu thế mới là công nghệ phát triển, làm mới mẻ hình thức.

- Anh chia sẻ những dự định trong thời gian tới để đưa nghệ thuật cải lương đến gần hơn với khán giả?

- Tôi vẫn mong muốn có cơ hội vào những vai diễn thú vị hơn nữa. Mới đây, khi diễn Ngàn năm mây trắng, nhiều khán giả sốc, vì họ quen với những dạng vai tôi làm người tốt. Nhưng tôi nghĩ, may mắn nhất trong đời nghệ sĩ là tôi được trải nghiệm nhiều cuộc đời khác nhau, nhiều mầu sắc khác nhau. Chỉ tiếc khán giả đến với cải lương còn hạn chế, nếu là vé mời ra mắt vở thì lúc nào cũng kín rạp còn diễn để bán vé vẫn là giấc mơ xa vời, nhưng chính việc bán vé mới đo được tình yêu, sức hút của khán giả dành cho cải lương.

- Cảm ơn những chia sẻ của anh.