Ninh Đức Hoàng Long:

Ô-pê-raViệt Nam đang thiếu cung chứ không thiếu cầu

Nghệ thuật cổ điển Việt Nam vừa đón nhận một niềm vui bất ngờ, khi thí sinh Ninh Đức Hoàng Long đã vượt qua 150 thí sinh đến từ các nước như U-crai-na, Anh, Ru-ma-ni, Xlô-va-ki-a, Trung Quốc… để giành giải nhất tại cuộc thi Ô-pê-ra (opera) lớn nhất Hung-ga-ri tổ chức ba năm một lần mang tên: Cuộc thi Thanh nhạc Cổ điển quốc tế lần thứ IX Simandy Jozsef (IX SimandyJozsef International singing competition). Ninh Đức Hoàng Long chia sẻ với chúng tôi về niềm đam mê, sự khổ luyện và câu chuyện “thành công không tự đến”.

Ô-pê-raViệt Nam đang thiếu cung chứ không thiếu cầu

Tìm câu trả lời về chính mình

- Đoạt giải một cuộc thi opera lớn của một quốc gia châu Âu, điều này là bất ngờ cho một giọng hát Việt?

- Vâng. Lúc đi thi em cũng không dám nghĩ mình đoạt giải. Lý do em đi thi vì ở trường học em luôn được điểm chuyên ngành cao nhất lớp. Em luôn nghĩ vì mình là sinh viên nước ngoài nên được thầy cô ưu ái nên em muốn tham gia một cuộc thi bên ngoài và em không phải thí sinh nước ngoài duy nhất. Em muốn tìm câu trả lời về khả năng của mình.

- Được biết giáo viên trực tiếp giảng dạy bạn là nghệ sĩ opera gốc Ru-ma-ni nổi tiếng Kiss B.Atilla, ông nhận xét thế nào về giọng của Long? - Ông nói giọng em tốt nhưng còn trẻ và chưa chín hẳn. Ít nhất cũng khoảng 5, 6 năm nữa. Ông yêu cầu em phải hiểu mình hát gì và phải thể hiện được tình cảm và cá tính qua tác phẩm. Có lần em tập “Dalla sua pace” của Mozart. Bài có nội dung là một chàng trai yêu một cô gái mãnh liệt và đau khổ, nhân vật giằng xé nội tâm nhưng khi đó em hát lại hơi “tưng tửng” và hào hùng. Thầy hỏi bài vui hay buồn, em bảo vui, thế là bị mắng. Thầy bảo từ buổi sau nếu không biết nghĩa, dịch lời mời bạn ở nhà. - Trước đó, khi thể hiện Hazam hazam nói về tình yêu tổ quốc của Hung-ga-ri, Long đã tạo nên hiện tượng trên mạng xã hội ở đất nước này, khi clip biểu diễn tác phẩm này đã thu hút gần nửa triệu lượt người thích. Nhắc lại một chút nhé, khi hát bài ấy Long lại mặc áo hình cờ đỏ sao vàng, có phải chăng Long hát cho chính tâm trạng mình? - Đi tham gia hoạt động quốc tế thì em thường mặc áo cờ đỏ sao vàng. Em nhớ, đó là buổi liên hoan chia tay lớp học tiếng Hung-ga-ri. Cả lớp có mỗi em là ca sĩ nên phải hát, lúc đó hát rất mộc, hoàn toàn theo cảm xúc. Đúng là mới đi xa nên nhớ nhà kinh khủng. Aria đó lại mang nội dung là xa và nhớ tổ quốc nên em thể hiện đúng cảm xúc và may mắn chạm được tới tâm hồn khán giả Hung-ga-ri. Lúc hát em nhờ bạn em quay lại thành clip để up lên youtube gửi cho bố mẹ xem, không hiểu sao cô giáo trong Viện tiếng biết và gửi nó cho phóng viên. Họ đăng lên báo, sau một đêm đã thu hút 150 nghìn lượt người xem, đến bây giờ là gần 450 nghìn lượt. Ngay lập tức, em được “săn đón” ghê lắm. Đài TV2, như VTV của mình, cho xe ô-tô tới tận nhà đón đưa tới trường quay. Đợt đó tiếng Hung của em rất kém, trước khi lên sóng trực tiếp có một phút nói chuyện với MC, em có hỏi bạn sẽ hỏi tôi cái gì và thống nhất là nói chậm. Đến lúc vào chương trình họ nói như cái máy, em ngẩn mặt trên ti-vi, thấy thế MC phải dịch lại qua tiếng Anh, em mới hiểu và trả lời bằng tiếng Hung-ga-ri.

- Nghệ sĩ trẻ mà có được cơ hội nổi tiếng như thế thì là điều đáng mừng… - Ở Hung-ga-ri rất khác, khi hình ảnh của em xuất hiện dày đặc trên truyền thông, em lập tức nhận được email của trường với nội dung: “Chúng tôi gồm: Hiệu trưởng Học viện âm nhạc Liszt, Trưởng khoa Thanh nhạc, giáo viên chuyên ngành... Vì lợi ích và an toàn của bạn cũng như các sinh viên khác chúng tôi đề nghị bạn không tiếp tục xuất hiện trên truyền thông nữa. Bạn đang bị lợi dụng hình ảnh nghiêm trọng”. Em sợ toát mồ hôi, vừa mới đỗ còn chưa đi học mà cả trường đã biết mặt hết nên em lập tức “nói không” với truyền thông. - Thế là Long có duyên với Hung-ga-ri đấy, thêm một lần lại được các kênh truyền hình nhắc tới, một tờ báo in còn đăng bài và ảnh về Long lên trang nhất. Nhưng lần này, hẳn thầy giáo của Long sẽ rất vui? - Cuộc thi lần này thầy em có ba học sinh tham dự, một người vào được bán kết, một người bị loại từ vòng đầu. Em nhớ nhất lúc gọi điện thoại cho thầy báo tin vào chung kết rồi, thầy hú ầm lên trong điện thoại (đúng theo nghĩa đen, cười). Sau đêm gala trao giải, thầy đã nhắn tin: “Mèo thân mến! (thầy gọi em là mèo). Tôi rất hạnh phúc vì bạn thành công như vậy. Bạn đã học rất tốt và chăm chỉ, chỉ cần tiếp tục như thế thôi. Dalma (giảng viên đệm đàn) có nói rằng nếu ai cũng chăm và tài năng như bạn đều sẽ đạt được thành công. Chúng tôi tự hào về bạn. Tiếp tục như thế nhé!”. Em sẽ mãi lưu lại tin nhắn này như một phần thưởng mình đạt được.

Nỗ lực vượt qua sự khác biệt

- Được biết, bạn thường xuyên tham gia các hoạt động biểu diễn nghệ thuật trong cộng đồng người Việt, vậy, bạn đã có nhiều cơ hội hát opera bên ngoài cộng đồng mình chưa? - Tháng sáu tới em có bốn show hát opera ở Đan Mạch và một show diễn cuối năm 2016 vào đêm giao thừa cũng tại đây với cát-sê 2.500 euro. Nhưng show này hiện em đang phải đàm phán lại vì khi trao đổi với thầy, ông nói em phải mang theo bà pianist vì bà là người đã làm việc với bạn hằng ngày, rất có công trong thành quả của bạn, bạn phải có trách nhiệm với bà ấy. Nếu không đạt được thỏa thuận thì em sẽ trừ vào cát-sê của mình. - Có cơ hội học tập ở một môi trường chuyên nghiệp và nổi tiếng thế giới, theo Long, người Việt gặp hạn chế gì khi hát opera? - Theo em, hạn chế đầu tiên là nền tảng văn hóa. Em dám cam đoan với anh là sinh viên thanh nhạc ở ta không mấy bạn kể tên được khoảng năm vở Opera. Mà bên này gần như vở gì, nhân vật nào các bạn đều biết. Thứ hai, em nhỏ nhất lớp. Nền tảng thể lực của người phương Tây rất tốt nên âm lượng của họ cũng có nhiều thuận lợi. Thứ ba là ngôn ngữ. Các sinh viên trong trường học chuyên ngành Opera đều biết tiếng I-ta-li-a và Đức. Hiện tại em cũng đang đi học tiếng I-ta-li-a, mặc dù rất khó khăn vì em học tiếng I-ta-li-a thông qua tiếng Hung-ga-ri. - Vậy còn lợi thế, chắc cũng phải có một vài điểm? - Lợi thế chính là mình là người Á Đông, mang trong mình nền tảng văn hóa phương Đông nhưng lại tiếp cận văn hóa phương Tây do đó em nghĩ có một sự cảm nhận vô hình nào đó từ khán giả. Ngoài ra, người châu Á chăm chỉ và suy nghĩ có phần xa xôi hơn các bạn ở các nước châu Âu.

- Đã gặt hái thành công ở môi trường quốc tế, bạn có lo ngại khi trở về hoạt động nghệ thuật trong điều kiện còn nhiều thiếu thốn ở Việt Nam?

- Em nghĩ khác. Nếu có sự nghiệp thành công ở quốc tế, em sẽ có điều kiện làm việc, cống hiến tốt ở Việt Nam và vẫn tiếp tục đi biểu diễn ở nước ngoài được ạ.

Điều em thật sự trăn trở không phải là Opera không được đón nhận mà là không mang được Opera đúng đắn và chỉn chu tới cho khán giả. Vì để có một vở diễn tới được với công chúng cần rất nhiều thứ: tài chính, nghệ sĩ (điều đang thiếu trầm trọng) và sự quan tâm của truyền thông. Em nghĩ là Việt Nam đang thiếu cung chứ không thiếu cầu.

- Cảm ơn những chia sẻ của bạn và chúc bạn sẽ tiếp tục thành công hơn nữa.

Nguyễn Quang Long (Thực hiện)

Ô-pê-raViệt Nam đang thiếu cung chứ không thiếu cầu ảnh 1

Ninh Đức Hoàng Long (ảnh bên, cùng thầy dạy trực tiếp - nghệ sĩ opera gốc Ru-ma-ni nổi tiếng K.B.Atilla) sinh năm 1991 tại Ninh Bình, trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật.

Năm 2014, khi đang theo học hệ Đại học Thanh nhạc tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Hoàng Long được nhận học bổng toàn phần chuyên ngành Biểu diễn Opera cổ điển trong chương trình hợp tác đào tạo giữa Chính phủ hai nước Việt Nam và Hung-ga-ri.

Với những nỗ lực của bản thân, Ninh Đức Hoàng Long đã thi đỗ và trở thành một trong số ít sinh viên gốc châu Á, đồng thời là người Việt Nam đầu tiên thi đỗ và theo học tại khoa Opera - Học viện Âm nhạc Liszt Fecenc danh tiếng thế giới tại Budapest, Hung-ga-ri.