NSƯT Đăng Dương:

Nghệ thuật không phải­ là cuộc dạo chơi

Có lẽ vì cầu toàn và chỉn chu, nên hơn 20 năm ca hát, lần đầu tiên, Đăng Dương mới có một liveshow riêng của mình- “Mặt trời của tôi”. Đăng Dương nói, làm nghệ thuật cần sự nghiêm túc và chỉn chu, nó không thể là một cuộc dạo chơi, bởi anh quan niệm, nghệ thuật khắc nghiệt hơn những ngành nghề khác vì nó chỉ cần tinh hoa.

“Tôi mê dàn nhạc giao hưởng và cảm thấy mình được thăng hoa nhất khi hát với dàn nhạc”.
“Tôi mê dàn nhạc giao hưởng và cảm thấy mình được thăng hoa nhất khi hát với dàn nhạc”.

Bắt nguồn từ hai chữ “nhân duyên”

- Vì sao đến bây giờ, một nghệ sĩ nổi tiếng như anh, luôn xuất hiện trong các chương trình nghệ thuật lớn của đất nước, lại mới có một live concert riêng của mình? - Cách đây hai năm, tôi đã muốn làm chương trình kỷ niệm chặng đường ca hát 20 năm. Nhưng làm một concert không đơn giản. Tôi lại cầu toàn. Tôi mê dàn nhạc giao hưởng và cảm thấy mình được thăng hoa nhất khi hát với dàn nhạc. Nó gắn với tôi từ khi tôi bắt đầu bước chân vào con đường âm nhạc và đến bây giờ tôi vẫn mãi yêu nó. Không có lý do gì mà đêm nhạc của tôi lại thiếu dàn nhạc giao hưởng. Năm ngoái tôi vào TP Hồ Chí Minh, gặp nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng và ê kíp làm việc của anh. Tôi nhận ra, đó là những gì mình đang đi tìm. Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng nhận lời làm giám đốc âm nhạc cho tôi. Đạo diễn Tất My Loan làm sân khấu. Chỉ huy dàn nhạc Lê Hà My. Đó là cái duyên ông trời sắp đặt. Tôi nhìn lại cuộc đời mình, từ tình yêu, hôn nhân, âm nhạc và bây giờ là ê kíp làm việc, đều bắt nguồn từ hai chữ nhân duyên. - Một đêm nhạc thính phòng đúng chất của cổ điển với một ê kíp âm thanh, ánh sáng mang từ TP Hồ Chí Minh và hơn 20 bản phối mới do nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng viết. Quả là một cuộc chơi tốn kém và công phu. Thế nhưng, liệu đã chắc đó sẽ là những đêm hút khách?

- Tôi muốn làm những gì tử tế nhất có thể, nhất là âm thanh, tôi buộc phải thuê từ trong TP Hồ Chí Minh vì đó là dàn âm thanh chuẩn, hiện đại nhất bây giờ. Chỉ khi âm thanh hay mới nâng tiếng hát nghệ sĩ lên được, nhẹ như tơ ấy. Và tôi muốn tri ân những người đã yêu tiếng hát của tôi và đam mê dòng nhạc cổ điển này. Những năm gần đây dân trí chúng ta cao hơn, mọi người bắt đầu có thói quen đi nghe cổ điển. Tôi nghĩ, những giá trị nghệ thuật đích thực sẽ đến được với khán giả. Hy vọng chương trình thành công vì đó là dấu ấn lần đầu tiên của một nghệ sĩ cổ điển tự đứng ra làm chương trình cho mình cùng dàn nhạc giao hưởng.

Nghệ thuật không phải­ là cuộc dạo chơi ảnh 1

- Một lựa chọn dũng cảm và khá mạo hiểm? - Tôi không nghĩ vậy, điều tôi muốn ở đây là trả thính phòng về đúng chất của nó. Những sự làm mới chỉ là một chút màu sắc thôi. Dòng nhạc này kén người nghe nhưng chương trình của tôi không đến mức quá khó nghe, bởi đó đều là những giai điệu đẹp. Một cuộc chơi sang trọng và kỳ công nhưng nó lại đến rất nhẹ nhàng vì những con người có cùng tâm huyết, yêu và trân trọng cái đẹp, vì nghệ thuật đích thực. - Tôi được biết anh đã có hơn 10 năm theo học đàn bầu. Vì sao anh chuyển hướng? - Ngày xưa ở quê, 9-10 tuổi tôi đã hát những bài người lớn. 13 tuổi, qua một người quen, tôi lên Hà Nội gặp NSND Thanh Tâm, tôi xin cô học thanh nhạc. Nhưng lúc đó còn nhỏ quá chưa học được thanh nhạc, cô bảo tôi làm quen với âm nhạc bằng đàn bầu. Nhưng tôi vẫn yêu thanh nhạc, chờ đến 18 tuổi, vỡ giọng, cô Tâm dẫn tôi lên gặp NSND Trần Hiếu. Và ngay từ đầu, tôi đã đề nghị được học cổ điển.

- Vì sao ngay từ đầu anh đã có một lựa chọn vững vàng như vậy? - Đơn giản vì tôi yêu dòng nhạc này, tôi nghe nó hàng ngày và mê đắm với những giai điệu đẹp của nó. Tôi đi ra từ quê, làm sao được học hành bài bản. Nhưng sự cảm nhận thì ai cũng có trong tim mình. Tôi nhớ, đó là những năm tháng khó khăn. Từ những năm 1992-1993, âm nhạc khủng hoảng, ngay cả khoa thanh nhạc của Nhạc viện cũng thiên về đào tạo nhạc nhẹ. Tôi yêu cổ điển nên chủ động yêu cầu cô chủ nhiệm khoa cho tôi học các thầy chuyên về cổ điển, vì thế tôi được gặp những người thầy lớn của tôi, NSND Trung Kiên và NSND Quang Thọ. Lúc đó không quyết liệt thì tôi đã đi một con đường khác.

- Hẳn đó là một hành trình gian nan? - Khi mới vào nghề, tôi gặp NSND Quang Thọ, tôi nói với thầy không muốn đi hát ở ngoài, sợ hỏng giọng. Thầy đề xuất gửi tôi sang bên quân đội học để được hưởng lương. Tôi làm cả năm trời, lương chỉ 100-200 nghìn không đủ sống. Đói quá đành phải lọc cọc đạp xe đi hát ở nhà nổi Hồ Tây, mỗi đêm được 40 nghìn, chỗ đó là một điểm nổi tiếng thời bấy giờ, nhiều nghệ sĩ như Đức Long, Tấn Minh cũng hát ở đó. Đó là những kỷ niệm không bao giờ quên. Cho đến khi tôi được giải năm 1995, mọi người biết đến tôi và có những lời mời đi diễn, bắt đầu sống được. Theo đuổi dòng nhạc này rất vất vả, gian nan, học mãi vẫn chưa thấy đâu. Nhưng đã yêu thì phải chịu khó chịu khổ mà học. Đó là văn minh của nhân loại, mình muốn tiếp cận và chinh phục nó, chạm tới cái đẹp. Không phải ai cũng có thể trở thành nghệ sĩ, một nghệ sĩ cần rất nhiều yếu tố, từ tri thức, bản lĩnh sân khấu, tài năng, sự cống hiến... Nghệ thuật biểu diễn rất khắc nghiệt, vì nó chỉ cần tinh hoa thôi, những người bình thường không cần và sẽ không sống được với nghề.

Tôi đã yêu thì chung thủy, đắm đuối lắm

- Câu nói đó của anh có vẻ như đang mâu thuẫn với thực trạng đời sống âm nhạc bây giờ, khi những giá trị thực - ảo đang lẫn lộn? - Tôi tin những gì tinh hoa, đích thực vẫn tồn tại. Như NSND Quang Thọ có nói, không có dòng nhạc nào hay hơn dòng nhạc nào cả, quan trọng nhất là người nghệ sĩ đã làm tới chưa, đến tận cùng chưa và họ yêu nó đến mức nào. Cứ làm tốt đi rồi mọi thứ sẽ đến với mình. Hồi trước, có thời gian tôi có dạy học sinh, có một cậu giờ là solo trong nhà hát Nhạc Vũ kịch thành phố Hồ Chí Minh, cậu Đào Mác, tôi chỉ nói với học trò của mình rằng, nghề này, học rất nhiều. Nhưng để sống và tồn tại được lại rất ít. Nếu các em đã yêu thính phòng cổ điển thì phải đam mê, hết mình với nó. Nếu không yêu thì đừng mất thời gian. Trong số học trò, chỉ có Mác làm được điều đó. Tôi rất hạnh phúc. Nhưng rõ ràng, làm nghệ thuật khắc nghiệt như thế, nếu mưu cầu điều gì thì đừng làm.

- Nhiều ca sĩ dòng nhạc của anh đã chuyển sang hát nhạc khác để tiếp cận gần hơn với công chúng? Còn anh thì sao? - Giọng của tôi nặng về tính chính ca nhiều hơn. Nhưng quan trọng nhất là niềm đam mê, tôi yêu thính phòng cổ điển, nó như duyên và nghiệp, nghiệp tìm đến tôi, ông trời sắp đặt mình để mình đến với âm nhạc và mang những giai điệu tinh túy đó đến với công chúng. Nó như là đam mê, tình yêu, mà tôi đã yêu thì thủy chung, đắm đuối lắm. - Anh nổi tiếng khá lâu rồi nhưng đến bây giờ sau 20 năm, các chương trình lớn vẫn không thể thiếu vắng Đăng Dương. Anh có buồn không khi nhìn vào khoảng trống của thế hệ kế cận? - Nghệ thuật không như ngành khác, để tìm được thế hệ kế cận cần có thời gian. Những năm gần đây các cuộc thi hát quá nhiều, lấy đâu ra nhiều nhân tài như thế. Phải có quá trình. Nhưng quan trọng nhất là tâm huyết và đam mê tận cùng, anh đã đi theo dòng nhạc nào phải cháy hết mình, đau đáu với nó, hy sinh vì nó. Sinh vì nghiệp, tử vì nghiệp, các cụ đã nói rồi. Nếu nửa vời, đặc biệt với nghệ thuật sẽ không đến đâu cả, đừng coi nghệ thuật chỉ là hương hoa, dạo chơi. Nó cần thái độ làm nghề nghiêm túc. Các em trẻ nhiều em giọng hay, nhưng để trở thành nghệ sĩ phải hội tụ nhiều yếu tố. Sống hời hợt, nhốn nháo, lên sân khấu làm sao chỉn chu, sâu sắc được, làm sao có những câu hát đi vào tim mọi người được. Tiếng hát rất hay, chỉn chu về kỹ thuật nhưng không đọng lại gì cả. Quan trọng tình cảm có đến được với khán giả không. Các bạn trẻ đang thiếu cái đó, nó quyết định có đi đường dài và thành công hay không.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của anh.