Ðưa nghệ thuật gần gũi với đời sống

NDO - Ðưa hình ảnh những người bị nhiễm HIV lên sân khấu; khai thác đề tài giới tính; giúp những chị em bị bạo lực gia đình trở thành những diễn viên thực thụ diễn về chính cuộc đời của mình... một loạt những chương trình nghệ thuật do tác giả kiêm đạo diễn trẻ Bùi Như Lai dàn dựng ở Ðoàn kịch hình thể của Nhà hát Tuổi Trẻ thật sự đã tạo những dấu ấn riêng đối với công chúng.
Ðưa nghệ thuật gần gũi với đời sống

Trở thành diễn viên Nhà hát Tuổi Trẻ từ năm 2001, Như Lai có không nhiều vai chính nhưng mỗi vai diễn của anh đã ít nhiều tỏa sáng một nét riêng. Ðặc biệt thích thú với kịch hình thể, Như Lai đã góp sức cùng NSND Lan Hương dàn dựng chương trình Giấc mơ hạnh phúc và chương trình đã giành giải thưởng lớn tại Liên hoan sân khấu kịch ngắn thể nghiệm quốc tế tại Trung Quốc năm 2002. Một trong những vai diễn ấn tượng khác của Như Lai là hoàng thái tử Malcolm trong vở kịch kinh điển Macbeth. Vai diễn này đã mang lại cho anh HCB tại Hội diễn sân khấu kịch chuyên nghiệp toàn quốc 2009.

Tư duy nghệ thuật của Như Lai thật sự thay đổi khi anh được cử tham gia lớp nâng cao năng lực sáng tạo của con người do Nhà hát David Glass (Anh) phối hợp với Việt Nam tổ chức trong ba năm. Kết thúc khóa học năm 2006, Như Lai thực hiện dự án đầu tiên với Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) mang tên Những câu chuyện đằng sau cánh cửa. Anh đã làm việc với gần 30 phụ nữ đã trải qua bạo lực gia đình, dùng nghệ thuật giúp họ lấy lại thăng bằng trong cuộc sống, và lấy lại niềm tin, sự lạc quan, giúp họ kể lại câu chuyện của chính cuộc đời mình trên sân khấu. Và chương trình đó đã khởi đầu cho một hành trình gắn với những đề tài xã hội, những dự án kịch tương tác của đạo diễn trẻ Như Lai.

Năm 2005, Nhà hát Tuổi Trẻ thành lập Ðoàn kịch hình thể, Như Lai đầu quân ngay. Ðây là thời gian anh có thêm nhiều tác phẩm khai thác những đề tài nóng của xã hội với sự tài trợ của các tổ chức nước ngoài như Người đi qua thung lũng (Viện Geothe), Tất cả đều là con tôi (Ðại sứ quán Mỹ ở Việt Nam)... Và đặc biệt hai chương trình kịch hình thể Nhà hát Tuổi Trẻ kết hợp với tổ chức Peta (Hiệp hội sân khấu giáo dục Phi-li-pin) do Như Lai dàn dựng mang tên Stereo man và Nơi đến của những mảnh đời. Stereo Man với nội dung sống động lột tả mọi khía cạnh về nỗi day dứt của nam thanh niên bị kỳ thị bởi căn bệnh thế kỷ AIDS tồn tại trong cơ thể, không chỉ đau đớn về thể xác mà lớn hơn là nỗi đau về tinh thần về sự ghẻ lạnh của những người chung quanh đã gây xúc động cho hàng nghìn sinh viên khi xem. Nơi đến của những mảnh đời cũng đề cập một cách trực diện những tâm tư, tình cảm của các bạn trẻ đang đối diện với hiểm họa HIV. Hai vở diễn này đã đến với đông đảo sinh viên các trường đại học trên toàn quốc như: ÐH Văn hóa, ÐH Y khoa, ÐH Thương mại, ÐH Công đoàn... góp một cái nhìn khách quan và thú vị về các vấn đề được xã hội quan tâm: giới tính, tình dục, HIV-AIDS qua những ý kiến nhiều chiều do chính các bạn sinh viên cùng nhau nêu ra và thảo luận sôi nổi.

Ðạo diễn Như Lai chia sẻ: "Ðiều mà tôi tâm đắc khi lựa chọn kịch đương đại và kịch tương tác chính là ở chỗ nhờ những yếu tố này tôi không bị lệ thuộc và gò bó vào một thể loại nghệ thuật sân khấu nào, không bị gò bó bởi một trình thức quen thuộc, có thể dùng các loại hình nghệ thuật khác để thể nghiệm cùng với sân khấu đương đại, với sự kết hợp của kịch nói, kịch hình thể, pantomime, âm nhạc, múa... Những gì mà tôi muốn đó là những vấn đề mình đề cập trong chương trình không bị khiên cưỡng mà rất gần gũi với cuộc sống".

Như Lai đang đi theo cách riêng của mình. Như con ong cần mẫn, chăm chỉ vun vén nghệ thuật bằng những ý tưởng sáng tạo đặc biệt, tin rằng Như Lai sẽ tạo được những dấu ấn trên con đường nghệ thuật mà anh đã chọn.