Thước đo cho sự tôn vinh

Mặc dù mới ở vòng cơ sở nhưng danh sách đề nghị xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT được một số hội đồng trình cấp trên đã bắt đầu khuấy lên những tranh cãi trái chiều từ dư luận.

Thiếu tiêu chuẩn định lượng, nhưng NSƯT Trần Hạnh vẫn được Sở VH và TT Hà Nội đề nghị xét tặng danh hiệu NSND.
Thiếu tiêu chuẩn định lượng, nhưng NSƯT Trần Hạnh vẫn được Sở VH và TT Hà Nội đề nghị xét tặng danh hiệu NSND.

Căn cứ là sức sống trong lòng công chúng

Ðại diện Vụ Thi đua Khen thưởng (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch-VHTTDL) lưu ý, tranh cãi, lùm xùm thì mùa xét tặng nào cũng có, tuy nhiên cần cẩn trọng. Bởi mỗi phát ngôn cảm tính, thiếu cân nhắc sẽ gây nên những tổn thương đối với các nghệ sĩ đã có nhiều cống hiến. Trả lời báo chí, ông Phùng Huy Cẩn (Vụ trưởng Vụ Thi đua Khen thưởng) nhấn mạnh, theo Nghị định 89/2014/NÐ-CP về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT đã quy định rất rõ ràng về trình tự cũng như tiêu chuẩn xét tặng.

Cụ thể, đối với việc xét danh hiệu NSND, các hồ sơ cần đáp ứng một tiêu chuẩn mang tính "định lượng" là "có ít nhất hai giải Vàng quốc gia sau khi được tặng danh hiệu NSƯT" và ba tiêu chuẩn "định tính" gồm: Trung thành với Tổ quốc; chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; điều lệ, nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, địa phương/Có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu trong cuộc sống, tận tụy với nghề; có tài năng nghệ thuật xuất sắc, tiêu biểu cho ngành, nghề nghệ thuật; có uy tín nghề nghiệp; được đồng nghiệp và nhân dân mến mộ/ Có thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp từ 20 năm trở lên, riêng đối với loại hình nghệ thuật Xiếc, Múa, thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp từ 15 năm trở lên. Xét tặng danh hiệu NSƯT cũng được quy định các tiêu chuẩn cụ thể.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Vụ Thi đua Khen thưởng (Bộ VHTTDL) thì đối với một số trường hợp, tiêu chuẩn "định lượng" về số giải vàng, huy chương sẽ được hội đồng các cấp áp dụng linh hoạt, dựa trên căn cứ là sức sống của tên tuổi và những cống hiến của nghệ sĩ trong đời sống nghệ thuật nước nhà, được nhân dân yêu mến và ghi nhận. Minh chứng rõ nét nhất ở mùa xét tặng năm nay là hai trường hợp được Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đề nghị xét tặng danh hiệu NSND khi không có đủ số huy chương theo quy định là NSƯT Bùi Xuân Hanh (diễn viên nghỉ hưu của NH Chèo Hà Nội) và NSƯT Trần Hạnh (diễn viên nghỉ hưu của NH Kịch Hà Nội).

Theo ông Phùng Huy Cẩn, đối với trường hợp nghệ sĩ Trần Hạnh, chiếu theo tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu NSND tại Nghị định thì nghệ sĩ Trần Hạnh bị thiếu tiêu chuẩn định lượng, tức là chưa đủ hai giải vàng quốc gia sau khi được phong tặng danh hiệu NSƯT. Tuy nhiên, NSƯT Trần Hạnh là trường hợp đặc biệt khi hoạt động nghệ thuật của ông cũng gắn với bối cảnh đặc biệt "Vì những lý do như chiến tranh hay thời điểm khó khăn mà các hội chuyên ngành không tổ chức hội thi, hội diễn… nên không có huy chương, trong khi cá nhân nghệ sĩ có uy tín nghề nghiệp, nhiều cống hiến và được nhân dân yêu mến thì các hội đồng cơ sở hoàn toàn có thể đưa vào xét. Chỉ cần 90% số phiếu hội đồng thông qua thì nghệ sĩ đó đủ điều kiện đề nghị hội đồng cấp trên xét tặng danh hiệu. Trường hợp nghệ sĩ Trần Hạnh thuộc diện này…", ông Cẩn cho biết.

Tôn vinh những cống hiến

Không nằm ngoài dự đoán khi nhiều gương mặt nghệ sĩ quen thuộc đã thu hút sự chú ý của dư luận khi được các hội đồng cơ sở thông báo danh sách đề nghị xét tặng. Trong đó, Sở VH & TT Hà Nội đưa ra danh sách 12 nghệ sĩ đề nghị xét tặng NSND, gồm các nghệ sĩ: Ðồng Thị Thu Hà (NH Kịch Hà Nội), Nguyễn Công Lý (NH kịch Hà Nội), Trần Quang Hùng (NH Cải lương Hà Nội), Trần Mạnh Cường (diễn viên điện ảnh), Nguyễn Minh Chuyên (nghỉ hưu, ÐTHVN), Ðào Văn Trung (NH Cải lương Hà Nội), Nguyễn Thị Thu Huyền (NH Chèo Hà Nội), Nguyễn Tất Ngọc (họa sĩ nghỉ hưu), Nguyễn Lê Văn (nghỉ hưu, ÐTHVN), Trần Thị Loan (NH Chèo Hà Nội), Bùi Xuân Hanh (diễn viên nghỉ hưu, NH Chèo Hà Nội) và Trần Ngọc Hạnh (diễn viên nghỉ hưu, NH Kịch Hà Nội). Danh sách của Hà Nội còn có 34 nghệ sĩ đủ tiêu chuẩn đề nghị xét tặng danh hiệu NSƯT.

Sở VH & TT thành phố Hồ Chí Minh cũng thông qua danh sách 17 trường hợp đề nghị xét tặng NSND, trong đó có các nghệ sĩ tên tuổi như Việt Anh, Minh Vương, Thanh Tuấn, Thoại Miêu, Thanh Ngân, Kim Xuân, đạo diễn Trần Minh Ngọc, nhạc công cổ nhạc Văn Giỏi, diễn viên xiếc Phi Vũ, nghệ sĩ hóa trang Xuân Chính, nhà quay phim Ðường Tuấn Ba. Ngoài ra, có 42 trường hợp đủ điều kiện đề nghị xét tặng NSƯT.

Trước những ý kiến trái chiều, một số nhà chuyên môn cho rằng, dư luận có vẻ vội vàng bởi danh sách từ vòng đầu tiên mới chỉ ở mức đề nghị. Chưa kể, mỗi hồ sơ được đề nghị đều căn cứ trên những quy định khung của Nghị định 89, ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt như đã nói ở trên.

Dù không tránh khỏi những lùm xùm nhưng mục tiêu cao nhất và không thể phủ nhận là mỗi danh hiệu được xét tặng chính là sự tôn vinh những đóng góp, cống hiến của các nghệ sĩ đối với nền văn hóa nghệ thuật nước nhà. Trong danh sách được Nhà hát Kịch Việt Nam đề nghị xét tặng danh hiệu NSND, diễn viên, NSƯT Xuân Bắc chia sẻ, đạt danh hiệu không phải là đích đến cuối cùng trong cuộc đời làm nghệ thuật của mỗi nghệ sĩ. Tuy nhiên, nếu được công chúng đánh giá, ghi nhận thì đó chính là một vinh hạnh, là niềm tự hào của bất kỳ nghệ sĩ nào.

Do vậy, mỗi đánh giá, ghi nhận dù ở cấp nào, ở góc độ nào thì yếu tố đầu tiên vẫn cần được đề cao chính là sự trân trọng và tôn vinh đối với các nghệ sĩ. Ðó mới là thước đo công tâm, đúng mực cần có ở một nền văn hóa nghệ thuật chân chính, lành mạnh.