NSƯT, ca sĩ Phương Thảo:

Giá trị của cuộc sống là làm nghề thật sự, tử tế

Cô ca sĩ xứ Nghệ Phương Thảo nói, chị luôn trân trọng cả những nỗi buồn trong cuộc đời, vì chính nỗi buồn ấy đã nuôi dưỡng cảm xúc làm nghề cho chị, để tiếng hát Phương Thảo, gần 20 năm qua, vẫn chạm tới trái tim khán giả.

Ca sĩ Phương Thảo trong MV Ru em nắm đất Truông Bồn.
Ca sĩ Phương Thảo trong MV Ru em nắm đất Truông Bồn.

Làm album để tri ân hương linh người đã khuất - Cả nước đang hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ, có rất nhiều chương trình kỷ niệm lớn, nhưng rất ít những dự án cá nhân. Liệu đó có phải là lý do Phương Thảo lựa chọn ra mắt “Tri ân” vào thời điểm này? - “Tri ân” là sản phẩm dành tặng hương hồn những người con ưu tú của đất Việt, tôi đã nâng niu, trân quý từng khung hình, từng lời ca. Đây cũng là sản phẩm mà tôi tâm huyết nhất, là tấm lòng của tôi kính dâng lên Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, các liệt sĩ đã ngã xuống, các thương binh và những người mẹ. Vì vậy, Phạm Phương Thảo đã lấy tên album của mình rất giản dị, nhưng chứa đựng toàn bộ tinh thần, tình cảm trong hai chữ “Tri ân”.

- Chị khá kỳ công khi thực hiện album này, đi rất nhiều nơi để quay, mời tận ba đạo diễn để thực hiện. Điều gì khiến chị lăn lộn và vất vả như thế? - Đó là thái độ làm nghề nghiêm túc. Tôi làm bất cứ sản phẩm âm nhạc nào cũng kỳ công và cẩn thận. Nhiều người bảo tôi điên, nhưng điên một cách tỉnh táo, điên vì yêu và say nghề. Với “Tri ân”, tôi ấp ủ nó 5 năm trời và mất gần một năm để hoàn thiện. Các MV trong album được quay tại nhiều địa phương, dọc chiều dài đất nước, từ nam ra bắc.

Có quá nhiều kỷ niệm và quá nhiều cảm xúc khi tôi thực hiện album này. Có một kỷ niệm mà cả đoàn phim nhớ mãi, đó là khi thực hiện MV “Con xin ở lại nơi này” tại một nghĩa trang liệt sĩ tại Hà Tĩnh. Đoàn phim vừa đến nghĩa trang, bỗng có một bà cụ đi tới và bảo: “Chuẩn bị có một liệt sĩ được đưa về sau 43 năm thất lạc”. Và tôi đã có những thước phim vô cùng ý nghĩa, quý giá, khi hòa cùng dòng người đưa người lính ấy về với đất mẹ. Tôi đã hát bên nấm mộ thơm mùi đất mới và câu hát “Đi mô cũng nhớ về Hà Tĩnh...” chưa bao giờ ý nghĩa như vậy! - Có vẻ như Phương Thảo đang chọn con đường khó để đi, dấn thân và lao động. Nhiều người bảo chị dũng cảm khi năm nào cũng ra album, trong khi đang là thời của nghe nhạc online lên ngôi? - Có thể tôi thuộc thế hệ cũ nhưng tôi cũng là người bảo thủ, đã đau đáu, trăn trở với điều gì, tôi phải làm bằng được, dốc toàn bộ tiền bạc và tâm sức để làm. Để làm một sản phẩm nghiêm túc, phải lao động khổ nhọc, vất vả. Thời nay, làm album, không ai còn tính chuyện lãi lời, nhưng tôi vẫn muốn lưu giữ lại những khoảnh khắc trong cuộc đời để sau này nhìn lại thấy tuổi trẻ của mình như thế, và để thỏa cơn khát làm nghề.

Giá trị của cuộc sống là làm nghề thật sự, tử tế ảnh 1

Giữ cảm xúc để không trở thành cái máy hát - Say mê nghề, yêu nghề, nhưng Phương Thảo cũng năm lần bảy lượt định bỏ nghề đấy thôi? - Có những thời điểm trong cuộc đời thấy hoang mang, không biết mình sẽ đi về đâu. Tôi từng nghĩ là từ bỏ nhưng Thảo không biết phải làm cái gì, bắt đầu từ đâu. Ngày xưa, nhà nghèo, cơm không đủ ăn, nhưng tôi nhất quyết không đi hát phòng trà để kiếm tiền. Tôi đã thử thay đổi, nhưng có lẽ hát là nghiệp của mình rồi. Đến bây giờ thì yêu quá rồi, điên với nghề rồi, không thể bỏ nữa đâu.

- Vì nghề mang lại cho chị rất nhiều, danh vọng, sự nổi tiếng, tiền bạc? - Tôi nghĩ, cứ làm việc nghiêm túc đi, nghề sẽ không bạc đãi mình. Vì thế, tôi luôn tâm niệm mình phải làm điều gì đó để tri ân nghề. Người nghệ sĩ đừng tính toán nhiều việc mình làm có được ghi nhận hay không, cái được dành cho mình đầu tiên là được sống với đam mê công việc, sống với cảm xúc, với những gì mình đau đáu. Đó là điều quan trọng nhất. Nếu để chỉ ăn mặc thật đẹp và đi hát tiệc, con đường đó đơn giản, kiếm được nhiều tiền hơn. Nhưng nếu thế họ chỉ là cái máy hát mà thôi. Tôi nghĩ, một người làm nghệ thuật chưa hẳn đã là nghệ sĩ, một nghệ sĩ phải biết rõ mình làm nghệ thuật là làm gì. Tôi luôn cảm thấy kiêu hãnh vì hơn 20 năm mình đã sống và làm nghề thật sự. Chị nói đến danh vọng ư, tôi đã đi qua danh vọng và thấy danh vọng cũng bình thường thôi. Giá trị của cuộc sống đó là mình đã sống và làm nghề một cách tử tế và nhận được những sự tử tế của cuộc sống mang lại cho mình.

- 20 năm lăn lộn để có một tên tuổi, ngẫm lại, Phương Thảo có nghĩ là mình may mắn? - Tôi vẫn cảm ơn số phận vì được tổ nghiệp đãi. Ngày bé, tôi rất thích hát. Nhà không có đài, không có ti-vi, thỉnh thoảng sang nhà hàng xóm nghe và chép lại bài hát về nhà ngồi tập. Ngày đó, tôi không dám mơ mình trở thành ca sĩ, vì mơ ước đấy quá xa vời. Nhưng bây giờ tôi đã có tất cả. Tôi được sống và làm nghề đàng hoàng và được chơi với nghề, thỏa mãn với đam mê và cảm xúc của mình. Tôi luôn tâm niệm, mình phải làm việc để tri ân với nghề, không dám dùng hai chữ cống hiến vì nó quá lớn lao, nhưng đó thật sự là điều mà tôi muốn hướng tới. Sống đừng tham lam và tham vọng, mình sẽ có hạnh phúc.

- Rõ ràng thời nay, nhiều người làm nghệ thuật chưa hẳn đã là nghệ sĩ. Hai từ nghệ sĩ thiêng liêng lắm, bởi nó là sự sáng tạo, là tâm huyết. Có phải vì thế mà chị khá cẩn trọng khi nhắc đến hai chữ “cống hiến”? - Ngày xưa, thế hệ các cô, các chú lăn lộn vào chiến trường, hát cho bộ đội nghe, hát giữa lằn ranh sống và chết, họ mới xứng đáng với hai từ “cống hiến”. Còn nghệ sĩ thời nay lãi nhiều lắm, kể cả bản thân tôi. Đó là lý do tôi không quan tâm đến các giải thưởng, mà chỉ chăm chú làm nghề, nuôi dưỡng cảm xúc để hát với khán giả. - Tôi thì thấy bây giờ, ai cũng có thể làm ca sĩ, dòng nhạc chính thống cũng khá nhiều người theo đuổi, vì dễ kiếm tiền chăng? - Đúng là nhiều người trẻ cho rằng, làm ca sĩ là con đường dễ dàng để kiếm tiền. Nhưng nếu các em không biết nuôi dưỡng cảm xúc, không trân trọng giá trị giọng hát của mình, các em sẽ chỉ thành những cái máy hát mà thôi. Tuy nhiên, chúng ta cũng nên có cái nhìn công bằng với các bạn trẻ thời nay. Rất nhiều người giỏi, có giọng hát tốt. Chỉ tiếc là cuộc sống mưu sinh khiến các em vội đi hát khi giọng chưa chín. Tôi có nhiều học trò, các em ấy rất thông minh, tư duy âm nhạc văn minh. Có những điều tôi phải học ở các em. Đừng cho rằng, mình đi trước, thành danh trước là có quyền áp đặt, so sánh. Tôi nghĩ, chúng ta sẽ có một thế hệ làm nghề văn minh kế cận. Nghề này ai cũng tưởng có thanh có sắc sẽ thành công, nhưng thực tế không dễ dàng. Những cái tên còn lại với nghề sẽ chỉ rõ con đường đi cho họ, không có gì dễ dàng đâu. - Chị sống nồng nhiệt, yêu thương bạn bè, nhưng cuộc sống riêng không mấy bình yên. Hình như những trải nghiệm đó khiến chị hát đằm hơn, sâu sắc hơn? - Tôi đã đi qua những mất mát, đổ vỡ trong cuộc sống. Có lẽ tận cùng của sự mạnh mẽ, kiêu hãnh lại là sự yếu đuối. Có một điều sẽ làm tôi buồn, đó là tình cảm, nó lấy đi rất nhiều nguồn năng lượng của mình. Nhưng trong những nỗi đau, mất mát đó, tôi sẽ tìm thấy hạnh phúc của mình. Tôi rất sợ sống không có cảm xúc. Vì thế, tôi trân trọng cả những nỗi buồn trong cuộc đời, nó giữ cho tôi xúc cảm để làm nghề trọn vẹn hơn.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của chị.