Người đóng nhiều"vai"

NDO - Ở thời buổi"người khôn, của khó, trong đó có chèo", người phụ nữ tài đảm này khiến không ít bạn nghề phải nể phục. Tài năng là thế. Nói được, làm được, và lại khiêm nhường, biết sẻ chia, lắng nghe và cảm thông, NSƯT Thúy Mùi đã gặt hái nhiều thành công, không chỉ trên sàn diễn.

Giọng hát truyền cảm, khả năng diễn xuất nhuần nhuyễn, cái tên Thúy Mùi đã đọng lại trong lòng nhiều thế hệ công chúng yêu chèo, thuở sân khấu vẫn còn cuốn hút được đông đảo công chúng trong cả nước, với nhiều vai diễn: Lan Ðiêu (Ðồng tiền Vạn Lịch), Mẹ Ðốp (Quan âm Thị Kính), Cám (Tấm Cám), Mai (Người thiên đô)...

Khi có dịp nhìn lại hành trang nghệ thuật, Thúy Mùi nói rằng, mỗi vai diễn đều lấy của chị rất nhiều xúc cảm và tâm, sức, nhưng để lại ấn tượng đặc biệt nhất có lẽ là vai diễn Hoàng Phi Ỷ Lan trong vở Thái úy Lý Thường Kiệt. Khác với nhân vật Ỷ Lan đã từng xuất hiện trên sân khấu chèo, Hoàng Phi Ỷ Lan trong Thái úy Lý Thường Kiệt của Nhà hát chèo Hà Nội được khai thác ở một góc độ khác, tránh những tình tiết đã trở thành giai thoại trong dân gian. Ðạo diễn, NSND Xuân Huyền đã "thiết kế" để Hoàng Phi Ỷ Lan xuất hiện như một nhân vật trung tâm, một người "cầm cân nảy mực" trong quốc sách về chính trị, ngoại giao. Mỗi lời tham góp của Ỷ Lan đều khiến triều thần tâm phục.

Ðể vào vai diễn này, NSƯT Thúy Mùi đã lật giở từng trang sử cũ, để có được một cái nhìn xuyên suốt về triều đại nhà Lý, cảm thấu về nhân vật mình đảm nhận. Và hội diễn năm ấy, NSƯT Thúy Mùi đã làm cả khán phòng lặng đi khi chị cất tiếng hát. Ðiệu Ðường trường chim thước đòi hỏi người hát ngoài kiến thức chèo, còn phải thật dư giọng. Ðiều này thì Thúy Mùi có thừa,  và chị cũng là một trong những nghệ sĩ hiếm hoi của làng chèo vẫn giữ được giọng hát đằm thiết, nuột nà ở cái tuổi tứ tuần. Vai diễn của chị được nhận giải vàng trước sự "tâm phục, khẩu phục" của ban giám khảo cũng như bạn nghề cả nước.

Nói đến những vở Thúy Mùi trực tiếp đạo diễn, phải kể đến vở Ngọc Hân công chúa, vở diễn vừa được nhận Huy chương bạc trong Hội diễn sân khấu chèo chuyên nghiệp toàn quốc năm 2009. Vở diễn cũng được tặng giải nhì tác phẩm sân khấu của Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam.

Thúy Mùi cũng là người đề xuất triển khai đề án lễ hội Hành trình theo dấu người xưa, và làm tổng đạo diễn. Hành trình theo dấu người xưa nhằm tri ân các vị tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước,  khơi dậy lòng tự hào dân tộc đã mở đầu cho đại lễ kỷ niệm Ngàn năm Thăng Long - Hà Nội, đem lại những ấn tượng tốt đẹp trong nhân dân.

Hiện tại, trong vai trò lãnh đạo Nhà hát chèo Hà Nội, NSƯT Thúy Mùi cùng tập thể ban lãnh đạo vẫn đang thắp sáng ngọn lửa chèo - dẫu ai cũng biết, để chèo đến được với khán giả hiện nay là điều không dễ dàng. Muốn làm được điều đó, không chỉ cần tâm, mà phải cần tài, và việc làm quan thiết để tồn tại, tỏa sáng, không gì khác là phải xây dựng chương trình kịch mục hấp dẫn, đầu tư nguồn nhân lực, bổ sung đội ngũ diễn viên trẻ có tài năng, nhiệt huyết với nghề. Chính vì thế, bên cạnh một lịch diễn dày dặn với nhiều kịch mục luôn được làm mới, cùng một điểm diễn định kỳ hướng đến đối tượng khách du lịch, nhà hát luôn chú trọng việc phát hiện các tài năng trẻ để bổ sung, tạo nguồn diễn viên. Ðồng thời, tạo điều kiện cho các diễn viên trẻ được tham gia các lớp đào tạo nâng cao khả năng diễn xuất.

Ngót ba mươi năm cống hiến cho chèo, NSƯT Thúy Mùi vẫn tràn đầy nhiệt huyết và mong muốn sáng tạo, tìm hướng phát triển chèo đáp ứng lòng mong mỏi của công chúng.