Nghệ thuật "mùa… trực tuyến"

Trạng thái đóng băng đột ngột của ngành công nghiệp giải trí toàn cầu do đại dịch Covid-19, khi mọi nhà hát đều phải "cách ly", mọi nghệ sĩ và khán giả đều phải nghiêm chỉnh thực thi "giãn cách" là điều chưa có tiền lệ. Không thụ động khoanh tay ngồi chờ, những hoạt động biểu diễn trên các nền tảng trực tuyến đã được nhiều đơn vị nghệ thuật cùng giới nghệ sĩ tổ chức, như một cách thức ứng phó linh hoạt và thức thời.

Nghệ thuật "mùa… trực tuyến"

Nở rộ mô hình biểu diễn trực tuyến

"Trong thời điểm cả thế giới căng mình ứng phó với đại dịch, chỉ công chúng yêu nghệ thuật đỉnh cao là… lãi ròng". Nhiều khán giả say mê những loại hình nghệ thuật hàn lâm như ballet - opera - múa đương đại - giao hưởng thính phòng… đã nửa đùa nửa thật, khi lần đầu (và có thể cũng là duy nhất) được thưởng thức hoàn toàn miễn phí những tác phẩm kinh điển của hàng loạt nghệ sĩ tài danh, trên những sân khấu hàng đầu trên thế giới. Ðược số hóa với chất lượng kỹ thuật tuyệt hảo, công chúng giờ đây có thể đắm chìm với những vở ballet như Kẹp hạt dẻ, Hồ Thiên nga, Người đẹp ngủ trong rừng của Nhà hát (NH) Bolshoi hay Peter và Chó sói, Hóa thân của NH opera Hoàng gia London… cùng hàng loạt tác phẩm opera nằm trong "danh mục vàng" như Cô dâu của Sa hoàng, Boris Godunov hay Acis và Galatea, Così Fan Tutte cũng thuộc sở hữu của hai sàn diễn hàng đầu kể trên.

Danh sách những NH, đoàn nghệ thuật "trong mơ" quyết định gửi tặng người xem những "hạt vàng ròng" từng làm nên thương hiệu của mình còn khá dài. Từ NH giao hưởng Berlin đến NH opera Metropolitan, từ NH opera Paris đến đoàn múa Alvin Ailey (với vở múa kinh điển Relevation)… Nếu biết rằng trước đây, để có được tấm vé thưởng thức với mức giá không hề rẻ, người hâm mộ những vở diễn này phải xếp hàng vài tháng mà cơ hội mua được cũng chỉ là may rủi, khách nước ngoài còn phải bỏ thêm chi phí để sang tận nơi, thì mới hiểu quyết định công chiếu miễn phí dịp này giá trị tới mức nào!

Showbiz Việt cũng khá nhộn nhịp, khi đồng loạt triển khai khá nhiều liveshow trực tuyến hướng tới cái đích chia sẻ đầy nhân văn, với sự tham gia của nhiều gương mặt được yêu mến.

Diva Mỹ Linh có màn tái hợp cùng ban nhạc Anh Em "tại phòng khách Music Home" (ảnh bên), nơi nhạc mục được chọn lựa ngẫu hứng theo yêu cầu của khán giả. Giọng ca Tóc ngắn cũng chính là tên tuổi "khai màn" mô hình đêm nhạc trực tuyến hát theo yêu cầu đầu tiên tại Việt Nam. Ðình Bảo - cựu thành viên AC&M công bố chuỗi liveshow trực tuyến mang tên Ðình Bảo - The Story trên kênh YouTube bao gồm 12 tập với 12 ca khúc riêng biệt sẽ lần lượt được anh gửi tới người hâm mộ đều đặn hằng tuần. Giọng ca Ðức Tuấn có Cùng ở nhà tối thứ 7 trên Facebook cá nhân. Buổi livestream đầu tiên kéo dài hơn một giờ của anh đã thu hút hơn 12 nghìn lượt xem và tương tác.

Thông tin về một dự án đặc biệt mang tên 24h Music Marathon của nghệ sĩ Trang Trịnh đã thu hút sự quan tâm rất lớn của công chúng. "Chúng tôi ở nhà và biết bạn cũng vậy. Hơn lúc nào hết, chúng tôi cảm nhận rõ rằng chúng ta phải đoàn kết lại. Vấn đề chung toàn cầu chỉ có thể được giải quyết bằng sự hợp tác toàn cầu" là thông điệp mà chị muốn gửi gắm và chia sẻ. Không sân khấu, chỉ có âm nhạc kết nối những tâm hồn, kết nối thế giới, kết nối tình thương yêu. Nhiều nghệ sĩ quốc tế đã góp mặt trong buổi diễn theo hình thức livestream trực tuyến toàn cầu.

Trong "nguy" có "cơ"

Biểu diễn trực tuyến là phương thức xem ra đặc biệt tối ưu, khi cả nhịp sống xã hội gần như ngừng trệ vì dịch bệnh. Theo ca sĩ Ðình Bảo, trong mùa dịch, nghệ sĩ phần lớn sinh hoạt và làm việc tại nhà nên internet gần như là phương tiện duy nhất để kết nối với thế giới bên ngoài. Vậy nên các nền tảng trực tuyến cùng mạng xã hội trở thành phương tiện hỗ trợ tốt nhất để các nghệ sĩ có thể tiếp cận khán giả và duy trì nguồn năng lượng sáng tạo của chính mình. Nhưng giải pháp này xem ra chỉ mang tính tình thế, khi các chương trình kể trên đều được chia sẻ miễn phí, như một nỗ lực thực hiện trách nhiệm xã hội của người nghệ sĩ. Về lâu dài, đại dịch Covid-19 đã buộc giới làm nghề phải nhanh chóng thay đổi nhận thức, để có thể đối mặt những nguy cơ tiềm ẩn có khả năng còn tiếp diễn trong tương lai. Ngành công nghiệp giải trí không chỉ phát triển trong thế giới thật, với những sân vận động chật kín khán giả, những con số doanh thu phòng vé khổng lồ, những sân khấu hàn lâm hào quang lộng lẫy… Thưởng thức nghệ thuật từ xa đang lên ngôi, đòi hỏi cách thức đưa tác phẩm nghệ thuật đến với người xem phải thay đổi.

Và mô hình đêm diễn trực tuyến có thu phí mà ca sĩ Tuấn Hưng vừa áp dụng có vẻ là một gợi ý hay. "Tôi muốn âm nhạc vẫn luôn sống và khán giả dù ở nhà nhưng vẫn có thể thưởng thức dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, đặc biệt là trong thời điểm dịch Covid-19 đang diễn ra ngày một phức tạp như hiện nay". Vì thế, anh triển khai chuỗi chương trình định kỳ Livestream in Sweet Home vào mỗi tối thứ bảy hằng tuần. Người hâm mộ có thể chọn lựa trong ba gói thanh toán (250 nghìn đồng/đêm, 1 triệu đồng/10 đêm hay 1,5 triệu đồng/20 đêm). Khán giả sẽ được thưởng thức chương trình đạt chất lượng kỹ thuật cao, với sáu máy quay cùng dàn âm thanh nửa tỷ đồng, với khách mời là những tên tuổi được yêu mến như Quang Hà, Khắc Việt… Thay vì đầu tư tiền triệu để nghe thần tượng hát trên sân khấu thật, số tiền mà họ bỏ ra để có được đêm diễn ảo chất lượng tương đương là "mức chấp nhận được". Vừa ủng hộ nghệ sĩ để họ có thu nhập trong hoàn cảnh khó khăn lại vừa được thưởng thức sản phẩm tốt, đúng là một công đôi việc!

Ðại dịch rồi sẽ qua. Nhưng nhận thức của cả ngành công nghiệp giải trí toàn cầu sẽ thay đổi. Học cách thích nghi để hóa giải nghịch cảnh cũng là điều mà từng nghệ sĩ phải bắt đầu nghĩ tới, nếu không muốn bị bỏ lại phía sau.