Chỉ đạo của Thủ tướng nhằm bảo đảm sự minh bạch, công bằng, ưu đãi và tôn vinh xứng đáng với những cống hiến, đóng góp của nhiều văn nghệ sĩ cho nền văn hóa - nghệ thuật nước nhà.
"Xé rào" để tôn vinh xứng đáng
Lễ trao tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 9 năm 2019 đọng lại thật nhiều cảm xúc. Những tràng vỗ tay kéo dài không ngớt trong khán phòng Nhà hát Lớn Hà Nội khi bước lên sân khấu đón nhận danh hiệu là những nghệ sĩ kỳ cựu như NSND Trần Hạnh (ảnh 1), NSND Minh Vương (ảnh 2)... NSND Trần Hạnh ở tuổi 90 bước đi đã không còn nhanh nhẹn, ông lên sân khấu phải có người dìu, nhưng gương mặt đôn hậu và ánh mắt cười hiền của một cái tên đã sống trong lòng công chúng vẫn khiến cả khán phòng hôm đó rưng rưng cảm động.
Thế nhưng, khán giả yêu mến những vai diễn hồn hậu, thấm đẫm tính nhân văn của nghệ sĩ Trần Hạnh hẳn vẫn chưa quên tranh cãi chung quanh những quy định về xét tặng danh hiệu NSND mà suýt chút nữa đã khiến cho người nghệ sĩ của nhân dân ở cái tuổi xưa nay hiếm ấy không đủ tiêu chuẩn để trở thành NSND. NSND Trần Hạnh cũng không phải là trường hợp duy nhất ở đợt xét tặng danh hiệu này phải cần đến sự "xé rào" quy định để được tôn vinh xứng đáng. Khán giả của sân khấu cải lương phía nam nói riêng và cả nước nói chung cũng đã vui mừng khi ba nghệ sĩ kỳ cựu là NSƯT Minh Vương, NSƯT Thanh Tuấn (ảnh 3), NSƯT Giang Châu được trao tặng, truy tặng danh hiệu cao quý, ghi nhận cả một đời cống hiến cho nghệ thuật sân khấu cải lương của các ông. Trước đó, Hội đồng xét tặng danh hiệu đã phải bỏ phiếu lại đối với những hồ sơ bị loại, trong đó có hồ sơ của ba nghệ sĩ này vì lý do không đủ tiêu chuẩn theo quy định tại Nghị định 89/2014/NÐ- CP. NSND Minh Vương sẽ là một trong những trường hợp thiệt thòi nếu cứ áp đặt cứng nhắc những quy định từ Nghị định 89, trong khi nhiều học trò của ông đã được phong tặng danh hiệu NSND từ trước. Nghệ sĩ bày tỏ, ông mong muốn những quy định liên quan đến xét tặng, phong tặng danh hiệu sẽ được sửa đổi để tránh thiệt thòi cho những cuộc đời miệt mài cống hiến cho nghệ thuật.
Trước khi lễ trao tặng chính thức diễn ra tại Nhà hát Lớn, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị quyết 54/NQ-CP về việc phong tặng, truy tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 9. Nhiều người gọi đó là Nghị quyết giúp tháo gỡ rào cản, để từ đó những nghệ sĩ gạo cội có nhiều cống hiến và được công chúng yêu quý như Minh Vương, Thanh Tuấn, Giang Châu, Trần Hạnh... được phong tặng, truy tặng danh hiệu dù họ không đạt đủ tiêu chí "cứng" mà luật pháp hiện hành quy định. Theo ông Phùng Huy Cẩn, Vụ trưởng Thi đua - Khen thưởng (Bộ VHTTDL), sở dĩ Thủ tướng ký Nghị quyết riêng đề nghị việc xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT là do trong quá trình xét duyệt hồ sơ có một số nghệ sĩ chưa đáp ứng đủ theo quy định, nhưng đều là những nghệ sĩ có tên tuổi trong lòng công chúng; có nhiều đóng góp, cống hiến cho nền văn hóa - nghệ thuật nước nhà.
Ðừng để những vinh danh là quá muộn
Chứng kiến hình ảnh nhiều nghệ sĩ đón nhận danh hiệu khi sức khỏe đã suy yếu, nhiều nghệ sĩ bày tỏ mong muốn cần sớm điều chỉnh nội dung Nghị định số 89/2014/NÐ-CP của Chính phủ về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT. Ðừng để có những vinh danh là quá muộn màng, nhiều nghệ sĩ ra đi rồi mới được truy tặng. Ðó là điều đáng tiếc. Những quy định cứng nhắc về số huy chương, giải thưởng đã khiến cho một số trường hợp nghệ sĩ chưa được tôn vinh xứng đáng với những cống hiến của mình.
NSND Bùi Trung Anh, Nhà hát Kịch Việt Nam cũng cho rằng, tiêu chuẩn về huy chương hay tỷ lệ phiếu 90% của hội đồng xét tặng danh hiệu còn cứng. Nhà hát của ông cũng có nhiều nghệ sĩ xứng đáng nhưng đúng đợt hội diễn họ lại không tham gia vào đúng vở được giải. Nhiều lần như thế, họ sẽ thiệt thòi.
Có thể thấy, dù chiếu theo quy định pháp luật thì lần phong tặng danh hiệu thứ 9 này đã "đặc cách" cho các nghệ sĩ với số lượng không nhỏ, tuy nhiên điều đó lại nhận được sự đồng thuận của đông đảo giới chuyên môn cũng như công chúng, bởi những cá nhân được vinh danh đều là những nghệ sĩ thật sự được công chúng yêu mến, ngưỡng mộ.
NSND Quang Vinh, Cục trưởng Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VHTTDL) cho biết, thời gian tới, dự kiến Cục sẽ tham gia góp ý kiến về việc sửa đổi Nghị định xét tặng các danh hiệu vinh dự Nhà nước nêu trên. Hướng đề nghị từ phía Cục là không nên cứng nhắc việc "đếm" huy chương, giải thưởng. Ðối với cuộc đời nghệ thuật của một nghệ sĩ, huy chương, giải thưởng là dấu mốc quan trọng nhưng không phải là thước đo duy nhất, đặc biệt khi xét tặng danh hiệu cho các nghệ sĩ thuộc thế hệ trước, ít tham gia các hội diễn, cuộc thi.
Xem xét số huy chương, giải thưởng chỉ là một tiêu chí, bên cạnh đó còn có nhiều điều kiện quan trọng khác trong việc xét tặng danh hiệu như tỷ lệ phiếu 90% của hội đồng xét tặng danh hiệu, nhận thức chính trị; đạo đức lối sống; sức lan tỏa, cống hiến; được nhân dân yêu mến, đồng nghiệp ngưỡng mộ… là những nội dung cũng cần được xem xét, điều chỉnh hợp lý hơn khi sửa đổi Nghị định 89.