Nhịp điệu của các hòa sắc

NDO - Vào những năm 80, 90 của thế kỷ 20, nhắc đến bột mầu, đến tĩnh vật là nhắc đến Nguyễn Chính.

Ðể có chỗ đứng nào đó trong làng mỹ thuật, một tên gọi gắn với chất liệu, đề tài như lụa Nguyễn Phan Chánh, gốm Nguyễn Văn Y, phố Bùi Xuân Phái...;  thì đó không chỉ là tài năng, là sự phấn đấu mà còn là một may mắn.

Tôi không dám so sánh Nguyễn Chính với các vị tiền bối đó. Nhưng chắc chắn, anh đã có nỗ lực rất lớn trong cuộc đời làm nghệ thuật của mình, một sự phấn đấu gian khổ không chỉ vì cái đẹp mà còn cả vì mưu sinh. Và anh cũng có cả may mắn khi tên anh được gắn cho không chỉ một mà cho cả ba: Chính bột mầu, Chính tĩnh vật, Acrylic Nguyễn Chính. Tranh của anh không chỉ được ưa chuộng trong nước mà còn có mặt trong một số bảo tàng nước ngoài.

Nguyễn Chính quan niệm rằng, cái đẹp là sự bình dị; nhìn bề ngoài có thể im lặng, khiêm nhường, nhưng bên trong là lửa nóng, là sự chuyển động không ngừng. Cái đẹp, đơn giản hơn, mỗi bức tranh được vẽ ra, nhằm ghi lại bằng hồn mình một phần cái đẹp khi hiển lộ, khi ẩn giấu của cuộc sống để làm người ta yêu cuộc sống này hơn.  

Ðể làm người ta yêu cuộc sống, trước hết chính người nghệ sĩ phải trân trọng, nâng niu cuộc sống này. Họa sĩ Nguyễn Chính thường cùng người bạn đời của mình, chị Lê Bích Hà, rong ruổi khắp mọi nẻo đường đất nước hằng tháng trời, khi Tây Bắc, khi Tây Nguyên...; khi mùa hoa, khi mùa lúa chín; đặng ghi lấy vào mắt, vào tranh những nét đẹp của đời.

Nói đến tĩnh vật là nói đến sự đứng im, sự yên lặng của sự vật. Triết học Phương Ðông đề cao cái tĩnh, coi cái tĩnh là tuyệt đối, là bất biến. Phương Tây coi sự vận động là tuyệt đối. Thật ra, đó là hai mặt cùng tuyệt đối và bất biến của sự vật, của thế giới. Xét cho cùng, thì không chỉ tranh tĩnh vật mà mọi sự vật trong mọi loại tranh  đều là tĩnh. Cái động nằm trong ánh mắt và sự tưởng tượng của người xem, nhưng trước hết phải có trong người vẽ. Trong tranh Nguyễn Chính, có lẽ trên cơ sở nhận thức ấy, đã thể hiện một cách sáng tạo, lý thú giữa tĩnh và động. Cái tĩnh mênh mông, bất biến; mà cái động cũng bao trùm, được nhìn thấy ở mọi góc tranh, mọi hình, nét và chuyển biến có nhịp điệu của các sắc mầu. Tâm hồn họa sĩ, tâm hồn người xem chuyển động và được bồi, lắng theo nhịp điệu của các hòa sắc. Dường như nhẹ mà sâu, dường như vui, như rực rỡ mà man mác... đó là cảm xúc thường cùng đến khi xem tranh Nguyễn Chính.

Nhưng ở nhiều bức tranh, như Người bán khèn, người ta bị mê hoặc ngay bởi vẻ đẹp lộng lẫy của người con gái Mông với váy áo rực rỡ của muôn sắc hoa rừng, của tuổi dậy thì. Cái khèn chỉ còn là vật tượng trưng, còn bản nhạc cất lên từ mầu sắc, ánh sáng, từ những đường cong nổi và nhòa, ẩn và hiện; nhất là từ đôi mắt đang cháy. Ðôi mắt ấy sắc và lạ, thậm chí không hiền, nhưng lại thể hiện thành công khát vọng, về sự chờ đợi  những cái gì thật sâu hơn, xa hơn, khác thường hơn cuộc sống của cô.

Ở bức Hoa đỏ, dường như ánh sáng đang ríu rít nở hoa. Còn các cánh hoa thì đang bay, đang  "căng" hết mình ra để sống hết một đời hoa, để cuốn theo chiều gió, dù đó là gió từ chiều nào thổi tới. Và bản thân cái bình, thông thường chỉ là cái chứa đựng, cũng không cam phận làm cái chứa đựng. Nó đang chuyển về mầu, chuyển về hình để sống đời sống của hoa, chỉ gửi lại cái bóng của mình cho hiện tại.

Sự chuyển động mạnh và tinh tế là đặc điểm nổi bật trong tranh Nguyễn Chính. Ở đó thấy chiều của lực, thấy chuyển động của vật, thấy sự sắp xếp, bổ sung của các yếu tố tượng trưng, thấy chuyển động quang học và thấy chuyển động của chính ta.

Tất cả được thổi từ hồn Nguyễn Chính, tâm hồn của một nghệ sĩ rất lãng mạn, rất yêu đời, nhưng  cũng rất hiện thực, rất cơ bản và vững vàng nghề nghiệp.

* Họa sĩ Nguyễn Chính sinh năm 1953 tại Nghệ An, nhưng cả đời sống và sáng tác tại Thủ đô. Mùa xuân này, ông bước vào tuổi 60, tròn một hội tuổi, hội chơi với đất trời sông núi.