Hồng thắm vẫn tỏa hương...

NDO - Vũ điệu trên mặt trống, Triệu triệu bông hồng thắm, Lá đã rực vàng... những ca khúc bất hủ làm nên danh giá cho nhiều ca sĩ ngôi sao và gắn liền với danh tiếng một nhạc sĩ Xô-viết: Rai-môn Pau-lơ...

Ðầu tiên đâu phải là tiền

Từng chỉ đạo nghệ thuật dàn nhạc "Mô-đô" (1973-1978), chỉ huy dàn nhạc nhẹ và nhạc jazz của Ðài Phát thanh - Truyền hình Lát-vi-a, nhạc sĩ R. Pau-lơ thường xuyên tìm đến thơ để sáng tác những ca khúc trữ tình và dễ phổ biến. Không có những ca khúc như thế thì ai buồn nhớ đến ca sĩ!

Hơn bốn chục năm làm ca nhạc, hễ giúp ai từ nghiệp dư lên ca sĩ chuyên nghiệp, R.Pau-lơ không hề lấy xu nào. Là người đầu tư sáng tác cho nhiều ca sĩ "hái ra tiền", nhưng ông không coi đó là chuyện làm ăn. Viết cho những ca sĩ độc quyền như Lai-ma Vai-ku-lê, Va-le-ry Lê-ôn-chép... ông chẳng lấy một đồng nào; bao nhiêu ca khúc viết tặng A-la Pu-ga-chô-va cũng vậy - ông coi sẽ bất lịch sự nếu cầm tiền của họ. Thời ấy là thế - nhạc sĩ chỉ mong tác phẩm của mình được Ðài truyền hình tuyển vào chương trình "Bài hát của năm" là sướng lắm rồi!

Nay thì, nhiều cuộc thi ca nhạc Ðông Âu ("Cẩm chướng Ðỏ", "Xô-pốt", "Oóc-phê"), trong đó có "Yu-ma-la" do ông khởi xướng, đã lui vào lịch sử. Thế vào đó là "Làn sóng mới". Nhưng bây giờ ông chỉ còn như một tượng đài kỷ niệm, bởi bất đồng với đài truyền hình - hiện là "ông bầu" của cuộc thi. Ai cũng muốn dự thi vì sẽ được lên màn hình, và đứng đằng sau mỗi ca sĩ là một nhà đầu tư, không phải doanh nhân, chủ xưởng đóng tàu thì cũng cầu thủ hốc-cây nào đó. Trước những đống tiền họ đổ vào cuộc thi, ông đều "kính nhi viễn chi" để khỏi lệ thuộc vào họ. 

Ca nhạc nhẹ đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao 

R.Pau-lơ tiết lộ rằng, hồi còn Liên Xô, ca khúc của ông trình diễn trong chương trình ca nhạc, trên ti-vi, đặc biệt là trong các nhà hàng mang lại cho tác giả khá nhiều tiền. Cho đến bây giờ ông vẫn đều đều nhận nhuận bút ca khúc Triệu triệu bông hồng thắm gửi từ Nhật Bản, nơi nó được xếp đầu bảng từ những năm 1980 và bây giờ người ta vẫn hát trên đài phát thanh, ti-vi, trong các chương trình ca nhạc và quán ka-ra-ô-kê... Người Nhật rất nghiêm túc - họ gửi kèm cả một tệp dày liệt kê đầy đủ: hát ở đâu, lúc nào, ai hát... Giai đoạn đầu, tiền kha khá, bây giờ thì có kém đi - mỗi năm cỡ vài nghìn đô-la.

Ông biết, ở Mỹ có hẳn nghiệp đoàn, giữ quyền quyết định đối với nhà tổ chức: được phép sử dụng hoặc không sử dụng nhạc công nào, ca sĩ nào, và kiểm soát, đúng 22 giờ là phải kết thúc đêm diễn, không được quá một phút, v.v. Nên ông tiếc, ở Lát-vi-a, Hội Nhạc sĩ đã ngưng tồn tại và rất mong có một nghiệp đoàn để bảo vệ quyền lợi cho những người hoạt động âm nhạc.

Theo R. Pau-lơ, thị trường ca nhạc không hề dễ tính với những ca từ ở những ngôn ngữ ít phổ biến: ca sĩ hát bằng ngôn ngữ vùng Ban-tích hoặc Xla-vơ hiếm khi được xếp thứ hạng cao ở Anh hoặc Pháp nên chưa có ai vươn ra được trường quốc tế, ngoại trừ nhóm nữ "Ta-tu" ngoi lên một thời rồi nhanh chóng biến mất. Thực ra, ca nhạc nhẹ đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao: phải biết chọn thơ để phổ, biết phối âm phối khí.

Tháng 9-2011, tại "Nhà Ban-tích" ở Pê-téc-bua đã khai diễn vở ca kịch do R. Pau-lơ phổ thơ Ép-ghê-nhi Ép-tu-sen-cô. Không siêu sao, đêm diễn hoàn toàn do các ca sĩ trẻ thể hiện ở cả ba loại hình rô-măng, jazz và rốc.

Nghệ sĩ Nhân dân Liên Xô Rai-môn Pau-lơ sinh ngày 12-1-1936 tại Ri-ga (Lát-vi-a), trong một gia đình nghệ nhân, cha thổi thủy tinh, mẹ thêu đính ngọc, 10 tuổi đã đỗ vào trường nhạc rồi tốt nghiệp đại học ngành pi-a-nô, Nhạc viện Lát-vi-a. Ông từng sáng lập cuộc thi "Yu-ma-la" dành cho các ca sĩ trẻ (1986 - 1991), là tác giả âm nhạc của nhiều bộ phim và ca khúc lừng tiếng, gắn liền với những ngôi sao nhạc nhẹ như La-ri-xa Ðô-li-na, Ê-đi-ta Pie-kha, Xô-phia Lô-ta-ru, Lai-ma Vai-ku-lê, Va-le-ry Lê-ôn-chép, A-la Pu-ga-chô-va...

Ở Lát-vi-a, R.Pau-lơ từng giữ trọng trách Bộ trưởng Bộ Văn hóa của nước Cộng hòa Xô-viết (1988 - 1991) và của nước Lát-vi-a độc lập (1991 - 1993), sau đó - Cố vấn Văn hóa của Tổng thống, năm 1999 dự định tranh cử Tổng thống nhưng phút chót lại xin rút. Ông được phong danh hiệu Tiến sĩ Danh dự của Viện Hàn lâm khoa học Lát-vi-a và được Hoàng gia Thụy Ðiển tặng Huân chương Bắc Ðẩu hạng nhất.