Khi văn học được coi trọng

NDO - Giáo sư Joo-Youn Kim, Viện trưởng Viện dịch thuật Văn học Hàn Quốc tâm sự: "Tôi luôn thấy xúc động mỗi khi được trực tiếp trao giải thưởng về sự cảm nhận từ các tác phẩm văn học của đất nước tôi cho người đọc thuộc nhiều lứa tuổi, nhiều quốc gia. Với tôi, văn học luôn là chiếc cầu nối giữa những con người có ngôn ngữ khác biệt, mang lại sự thấu hiểu giữa các dân tộc, các quốc gia. Khi văn học thấm sâu vào tâm hồn, con người sẽ nhích lại gần nhau hơn"...
Các tác phẩm văn học Hàn Quốc có mặt tại Việt Nam.
Các tác phẩm văn học Hàn Quốc có mặt tại Việt Nam.

Trong chuyến sang Việt Nam dự Hội thảo quốc tế "Dịch văn học và văn học dịch Hàn Quốc ở châu Á", GS Joo-Youn Kim có đến làm việc với NXB Văn hóa - Văn nghệ (một trong những NXB của Việt Nam đã in một số đầu sách văn học Hàn Quốc do Viện hỗ trợ về việc khai thác bản thảo, chuyển ngữ và in ấn). Trong cuộc trò chuyện, chị Xuân Hạnh, Giám đốc NXB có hỏi GS Kim: "Ông có thể giải thích vì sao thời gian qua ở Hàn Quốc liên tiếp có nhiều ngôi sao điện ảnh tự tử ?". Ông Kim trả lời ngay: "Tôi nghĩ là do họ không đọc văn học. Phim ảnh thường phản ánh trực tiếp đời sống, còn văn học phản ánh được hiện thực đời sống. Nếu đã đọc và yêu thích văn học, họ đã không hành động đường đột như vậy. Bởi, văn học góp phần giúp con người giữ được phẩm chất nhân văn"...

Có lẽ, chính vì văn hóa được đặc biệt quan tâm và văn học được coi trọng nên Chính phủ Hàn Quốc đã có một quốc sách đúng tầm (riêng thị trường dịch thuật, thời gian qua, Hàn Quốc đã đầu tư gần 3.000 tỷ won - xấp xỉ 60.000 tỷ VNÐ). Ở châu Á, khu vực chiếm 1/2 dân số thế giới, với sự nỗ lực của chính phủ, thông qua các dự án dịch thuật và xuất bản của Viện dịch thuật, quỹ văn hóa Daesan và nhiều đơn vị tài trợ khác, văn học Hàn đã và đang đến với người đọc của hàng chục quốc gia. Chỉ tính ở Mông Cổ, đất nước với số dân chỉ bằng 1/3 dân số TP Hồ Chí Minh (xấp xỉ ba triệu người), từ năm 2009 đến nay đã có 86 tác giả với 234 tác phẩm văn học Hàn Quốc được xuất bản bằng tiếng Mông Cổ.

Như ở nhiều nước, tại Việt Nam, văn học Hàn Quốc được quảng bá từ một chiến lược đã hoạch định. Giới thiệu văn học từ cổ điển đến hiện đại, từ lý luận đến sáng tác, từ thơ đến văn. Về thơ, có thể kể một số nhà thơ tên tuổi đã được nhà thơ Lê Ðăng Hoan dịch và giới thiệu như Kim Young Rang với tập thơ Ðến khi mùa mẫu đơn nở, Ko Un với tập thơ Bài hát ngày mai, Han Yong Woon với tập thơ Sự im lặng của tình yêu, Kim So Wol với tập thơ Hoa Jintalle, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều dịch và giới thiệu tập Thơ hiện đại Hàn Quốc... Hàng chục tác giả truyện ngắn và tiểu thuyết được độc giả Việt Nam biết đến, gần đây có thể kể,  Lee Sang với tập truyện ngắn Lee Sang, Han Kang với Người ăn chay, Kim Yonng Ha với Chơi Quiz Show,  Kyung-sook Shin  với Hãy chăm sóc mẹ... Tuy nhiên, theo GS Kim, kết quả đó còn quá khiêm tốn, vì vậy, việc chọn TP Hồ Chí Minh làm địa điểm tổ chức Hội thảo về văn học dịch Hàn Quốc cũng là một cách tác động tích cực hơn đối với việc giới thiệu văn học Hàn Quốc đến với độc giả Việt Nam.

Không chỉ chọn dịch, xuất bản các tác phẩm văn học Hàn Quốc sang nhiều ngôn ngữ, hằng năm, Viện Dịch thuật văn học Hàn Quốc còn tổ chức cuộc thi "Cảm nhận văn học Hàn Quốc" ở nhiều quốc gia. Năm 2011, cuộc thi viết về cảm nhận tiểu thuyết "Chơi Quiz Show" của nhà văn Kim Yonng Ha (bản dịch của Việt Hiền, NXB Trẻ) được tổ chức ở Việt Nam, và giải đặc biệt thuộc về một sinh viên bộ môn Hàn Quốc học thuộc Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP Hồ Chí Minh - nơi góp phần đào tạo được một đội ngũ dịch thuật trẻ, đặc biệt là yêu thích văn học.

GS Kim còn cho biết: "Một năm trước (năm 2010), cuộc thi "Cảm nhận văn học Hàn Quốc" được tổ chức ở I-ta-li-a và người nhận giải nhất là một kỹ sư trung niên; năm trước nữa, người nhận giải cao nhất là một luật sư người Pháp". Ðiều đó càng cho thấy, khi văn học thật sự được coi trọng, thì sẽ kéo theo một chuỗi việc làm, có thể phải dốc nhiều tâm sức và tiền bạc, để đưa văn học nước nhà đến với người đọc ở nhiều quốc gia, và cái chúng ta nhận lại là niềm vui xen lẫn tự hào.