Miên man với “Ký ức làng”

Nhắc tới nhiếp ảnh gia Hữu Bảo, người ta lại nhớ tới một người đàn ông có chất giọng trầm ấm, am hiểu và khá khiêm tốn. Bắt đầu cầm máy ảnh từ những năm 73, Hữu Bảo như một người “đứng ngoài” ảnh kể chuyện. Với anh, nhiếp ảnh là phương tiện để ghi lại những khoảnh khắc sống động của cuộc sống đang diễn ra. Hình ảnh làng quê Việt Nam trong các bức ảnh của Hữu Bảo rất gần gũi thân thương, giản dị nhưng tinh tế, đau đáu nhưng ấm áp hồn hậu.

Một thoáng Chiêu Quân (Tại đám rước hội đền Đô, Bắc Ninh - 1993).
Một thoáng Chiêu Quân (Tại đám rước hội đền Đô, Bắc Ninh - 1993).

Giản dị như cuộc sống

- Điều gì khiến anh chọn chủ đề “Ký ức” cho 64 tác phẩm ảnh của mình trong lần triển lãm này?

- Thật ra, lúc đầu, tôi định đặt tên là “Làng tôi”, bởi theo như tôi biết, đã có ba bài hát về làng: Một của nhạc sĩ Hồ Bắc, một của Chung Quân, một của Văn Cao. Tôi cũng muốn có một “Làng tôi” không có nhạc, mà chỉ có hình. Thế nhưng nhân một câu chuyện với bạn bè, bạn tôi bảo, hay là đặt tên “Ký ức làng quê” cho có ý nghĩa rộng hơn. Họa sĩ Lê Thiết Cương có nói: “Nước Việt chính là nước-làng, làng Việt là làng nước. Muốn hiểu nước Việt, người Việt thì phải hiểu làng. Nói một cách khác, hiểu được làng thì sẽ hiểu được nước Việt. Làng chính là hình ảnh cô đọng của nước Việt. Trong làng có nước, trong nước có làng”. Chính vì thế, tôi chọn “Ký ức làng” với hàm nghĩa súc tích ấy.

- Trong triển lãm của anh, có những ngôi làng của vùng châu thổ sông Hồng, làng biển, bản làng Tây Bắc và Đông Bắc, buôn làng Tây Nguyên. Nhưng có thể thấy rõ nhất “thế mạnh” của anh với vùng châu thổ sông Hồng, phải chăng vì đây là mảnh đất anh gắn bó, am hiểu nhất?

- Cũng có thể nói như vậy. Châu thổ sông Hồng cũng là cốt lõi của làng Việt, văn hóa Việt. Từ thuở lập nước đến giờ, vùng quê châu thổ sông Hồng đã có, từ đây người nông dân mang văn hóa làng của dân tộc mình chuyển dịch đến các vùng đất khác. Bộ ảnh được thực hiện từ những năm 1993 trở về đây. Vùng đồng bằng sông Hồng là nơi tôi sinh ra và lớn lên, gắn bó cả cuộc đời, có lẽ vì thế mà tình yêu ngấm vào người, như máu, như hơi thở. Và tôi nghĩ, cái gì là tự nhiên, trung thực, thì nó đều là đẹp.

Miên man với “Ký ức làng” ảnh 1

- Bắt từng khoảnh khắc, tự nhiên và trung thực, đây phải chăng là quan niệm của anh về cái đẹp trong nhiếp ảnh?

- Tôi không bao giờ dàn dựng để chụp ảnh. Tôi cũng không phản đối ai làm việc đó. Nhưng với tôi, khoảnh khắc mới là quan trọng nhất. Tôi chộp được khoảnh khắc ấy, ánh mắt ấy, nét mặt ấy, trạng thái ấy. Tôi thích ảnh đen trắng, vì theo tôi, bản thân mầu đen trắng đã triệt tiêu tất cả các mầu sắc để rồi chỉ còn là sự thật. Đen trắng là sở thích riêng của tôi. Tôi thích bắt sống cảm xúc, bắt sống khoảnh khắc, bắt sống một cơn gió thoảng qua làm lá cờ bay phấp phới… Chả có gì ghê gớm quá, ngược lại, rất bình dị. Đó là những khoảnh khắc của tự nhiên mình đâu có kiểm soát được. Mình chỉ cảm nhận và chộp lại được thôi! Chính vì thế mà ảnh của tôi cũng giản dị bởi cuộc sống bản thân tự nó giản dị như vậy.

- Cảm xúc thật khó tả khi ngắm bức ảnh chụp một cô bé bán bánh mỳ trong mưa, một cái kẻng làm từ bom với một tà áo dài thấp thoáng… Tóm lại, ảnh của anh, từ “diễn” là không có… “đất”?

- Bạn thử nghĩ xem, nếu ảnh về người lao động, với tôi, cái đẹp chính là sự nặng nhọc, mệt mỏi, vất vả, là những giọt mồ hôi trên khuôn mặt ấy. Sự căng của cơ, những đường cong cơ bắp khi lao động, tất cả những điều ấy là vẻ đẹp. Cái đẹp không chỉ là cái vui, cái sung sướng, mà đôi khi là tinh thần, trạng thái thực nhất của con người, cái đẹp, là sự thật. Nhiếp ảnh khác với hội họa. Nếu như hội họa sáng tác dựa trên cảm xúc, trí tưởng tượng của người họa sĩ, thì nhiếp ảnh thông qua hiện thực “vồ” được nó, “vồ” được khoảnh khắc của trạng thái, cảm xúc… Do vậy, nhiếp ảnh có phải là bộ môn nghệ thuật không, theo tôi, thì là không; có tính sáng tạo, tính phát hiện không? Tôi e là không phải. Nhiếp ảnh, với tôi là nhìn thấy được, và ghi lại được. Tùy vào góc nhìn, cách cảm nhận mà ra được tác phẩm chứ nếu không lại dễ sa vào một bức ảnh sao chép, hiện thực chủ nghĩa.

- Những bức ảnh của anh ăm ắp tình người với góc nhìn hồn hậu, và ẩn chứa những thông điệp thấm đẫm giá trị nhân văn. Ví như bức ảnh anh chụp ca sĩ Y Moan đang ngồi hát rất hồn nhiên giữa bà con dân làng, dường như lúc đó ký ức đã dội về trong anh?

- Ngày 1-10 là ngày giỗ lần thứ 5 của Y Moan mà tôi coi như người em. Bức ảnh tôi chụp Y Moan hát cho dân làng nghe thay cho nén nhang tới hương hồn em. Không thể tưởng tượng được, một nghệ sĩ tài năng như vậy mà mãi tới năm 2010 mới có live show đầu tiên và cũng là cuối cùng. Không dám quay truyền hình trực tiếp vì sợ Y Moan chết ngay trên sân khấu. Moan hát rất sung như chưa bao giờ được hát. Xong một bài là vào cánh gà thở oxy ngay. Tôi vừa xúc động vừa căng thẳng. Đó là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng anh hát với hai con trai…

Tôi đang buông, rất nhẹ

- Hình như anh chẳng mấy khi treo tác phẩm của mình ở nhà. Tại sao vậy?

- Có lẽ tại ảnh của tôi nhiều khi cũng rất bâng quơ, nó có thể là một cái đầm lầy, một cái lô cốt, một đống rơm bị đốt. Khó để treo ở nhà. Khi mà gia đình có bốn người, để tôn trọng, thì tôi không treo ảnh gì cả. Chỉ có gần đây nhất tôi treo ảnh một cô bé đang ngủ bên con mèo. Có lẽ sự ngây thơ đáng yêu của cô bé và con mèo được mọi người trong gia đình cảm thấy sự bình an, nên tôi cũng treo lên cho vui!

- Lúc nào cũng thấy anh thong dong giữa những sự tất bật của đời thường. Có người gọi anh là lãng tử nữa kia. Dường như ngoại cảnh ít tác động vào anh?

- Tôi thích lang thang, những ngõ ngách nhỏ, trò chuyện với những người bạn của mình. Cuộc sống liên tục tiếp diễn. Quan trọng là mình tiếp nhận chúng thế nào.

- Anh có nghĩ, chụp ảnh như một cái duyên với mình, nếu không là nhiếp ảnh, thì cái gì, sẽ được chọn song hành cùng anh?

- Câu chuyện của tôi không phải là ánh sáng. Tất nhiên, nếu có là quá tốt, còn không, thì sẽ còn có rất nhiều cách nói. Tôi không chờ ánh sáng để nói, mà tôi chờ khoảnh khắc. Gần 10 năm nay, tôi đã làm một việc rất thú vị. Đó là tôi không chụp ảnh nữa. Mà tôi đi chơi, đi chơi, mang theo máy ảnh, chứ không phải đi để chụp ảnh. Đó là hai điều khác nhau. Khi đặt vấn đề đi chụp ảnh, tôi có mục đích. Còn đi chơi, không chụp, thì thường là tôi lại chụp được rất nhiều. Có lúc bạn cố nhìn, mà không thấy, lúc không nhìn, thì lại được rất nhiều. Đó là khi bạn buông, rất nhẹ. Tôi cũng đang buông!
- Xin cảm ơn những chia sẻ của anh.

Miên man với “Ký ức làng” ảnh 2

Nguyễn Hữu Bảo sinh năm 1952, từng có nhiều triển lãm cá nhân và triển lãm nhóm trong và ngoài nước. Ngoài ra Hữu Bảo còn làm biên tập sách ảnh như “Hà Nội những ngày tiếp quản”, “Những ký ức còn lại của Nguyễn Duy Kiên”, “Thủ đô huyết lệ”… Anh cũng đã nhận được một số giải thưởng về ảnh.