Khoảng trống để lại

Các thế hệ khán giả Việt Nam và cả đồng nghiệp đã tặng cho bà nhiều danh xưng “Nữ hoàng sân khấu tuồng”, “Bà chúa tuồng”… Suốt cuộc đời mình, NSND Ðàm Liên đã cống hiến trọn vẹn cho nghệ thuật tuồng, và tạo nên những dấu ấn không thể mờ phai. Sự ra đi của bà đã để lại một khoảng trống lớn cho nghệ thuật.

NSND Ðàm Liên vai Liễu Nguyệt Tiêm trong vở Ðào Phi Phụng. Ảnh: TIẾN DŨNG
NSND Ðàm Liên vai Liễu Nguyệt Tiêm trong vở Ðào Phi Phụng. Ảnh: TIẾN DŨNG

Ngôi sao chói sáng của nghệ thuật tuồng

Hơn 60 năm gắn bó với nghệ thuật tuồng, NSND Ðàm Liên đã ghi dấu ấn với hơn 50 vai diễn. Có những vai diễn thuộc hàng chuẩn mực của tuồng phải thể hiện nghiêm ngặt, chặt chẽ khuôn mẫu và trình thức của tuồng, và có cả những vai đòi hỏi bản thân người nghệ sĩ phải tự tạo cho mình một cách diễn phù hợp. Có thể kể tới một loạt những vai diễn nổi tiếng của NSND Ðàm Liên đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng đồng nghiệp và khán giả như Loan Dung trong Lý Phụng Ðình, Liễu Nguyệt Tiêm trong Ðào Phi Phụng, Bà huyện trong Nghêu Sò Ốc Hến, Ái Nương trong Trần Bình Trọng, Trưng Trắc trong Trưng Nữ Vương, Hồ Nguyệt Cô trong Hồ Nguyệt Cô hoá cáo, Phương Cơ trong Ngọn lửa Hồng Sơn, Hàn Tố Mai trong Nữ tướng Ðào Tam Xuân, Má Tư trong Không còn đường nào khác…

Vai diễn Ông già cõng vợ đi xem hội được nghệ sĩ Ðàm Liên biểu diễn lần đầu vào 19-7-1979 tại rạp Ðại Nam (Hà Nội) đã đạt kỷ lục với 2.000 đêm diễn, có ngày tới bốn suất diễn. Bà đã thể hiện cả hai vai: ông già 70 tuổi và cô vợ 17 tuổi. Nhiều khán giả đã xem đi xem lại Ông già cõng vợ đi xem hội của NSND Ðàm Liên mà vẫn luôn cảm thấy mới mẻ, hấp dẫn bởi sự biến hóa linh hoạt, tài tình của nghệ sĩ khi ở trạng thái một ông lão 70 tuổi, khi lại hóa thân thành một cô gái tuổi 17 trẻ trung, lảnh lót, với tiếng cười ngọt lịm. NSND Ðàm Liên từng chia sẻ: Ông già cõng vợ đi xem hội được bà tự nghiên cứu từng động tác, từng ánh mắt, từng nụ cười để tạo nên tính cách cho hai nhân vật. Chỉ riêng giọng cười của hai nhân vật cô gái và ông già cũng đã được bà nghiên cứu kế thừa từ 36 điệu cười của nghệ nhân Sáu Lai và đúc kết bởi 16 điệu cười của phái nữ. Lớp diễn này sau đó còn tiếp tục thu hút trong… game show truyền hình khi đích thân bà truyền dạy cho cậu bé 8 tuổi Nguyễn Ðức Vĩnh tại chương trình Vietnam’s Got Talent 2015. NSND Ðàm Liên còn thực hiện một công trình nghiên cứu về tiếng cười trong nghệ thuật tuồng. Bà nghiên cứu ra 16 điệu cười riêng của mình và làm một băng hình giới thiệu những tiếng cười.

NSND Lê Tiến Thọ, nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, là người đã có hơn 20 năm gắn bó với NSND Ðàm Liên khi còn công tác ở Nhà hát Tuồng Việt Nam từ năm 1975 đến 1996. Cả hai nghệ sĩ đều là những tài năng của sân khấu tuồng và là một cặp diễn ăn ý ở rất nhiều vở tuồng, từ truyền thống đến hiện đại. Trước sự ra đi của NSND Ðàm Liên, NSND Lê Tiến Thọ ngậm ngùi chia sẻ: “NSND Ðàm Liên là một ngôi sao sáng của làng sân khấu tuồng Việt Nam, một người được đào tạo bài bản, rất giỏi nghề, sáng tạo và say nghề, luôn trăn trở sáng tạo những vai diễn để đời, một tài năng mà sân khấu tuồng sẽ còn lâu mới lại xuất hiện thêm một người thứ hai. Bằng kỹ thuật biểu diễn điêu luyện, nghệ sĩ Ðàm Liên tạo chất xúc tác, thúc đẩy sáng tạo cho bạn diễn ngay trên sân khấu, đưa nghệ thuật biểu diễn thăng hoa”.

Nỗi niềm trăn trở …

Không chỉ say mê nghiệp diễn, NSND Ðàm Liên luôn bận rộn với công tác đào tạo, truyền nghề cho lớp nghệ sĩ tuồng cũng như các học sinh Khoa Kịch hát dân tộc của Trường ÐH Sân khấu Ðiện ảnh Hà Nội. Dù nắng hay mưa, hễ cứ có lời mời biểu diễn hoặc nói chuyện về nghệ thuật tuồng truyền thống bà lại tham gia không ngần ngại, bà coi đó như cơ hội để đưa tuồng đến gần hơn với khán giả và lớp trẻ. Bà trăn trở: “Muốn khán giả yêu và đến với nghệ thuật tuồng thì phải để họ hiểu được cái hay, cái độc đáo của âm nhạc tuồng, hiểu được cái bi, cái hùng của tuồng… Các nghệ sĩ tuồng phải học hỏi, tìm hiểu, sáng tạo cách diễn, cách hát để thổi hồn cho các vai diễn và tác phẩm một cách sinh động. Khi ấy khán giả mới yêu bộ môn nghệ thuật này, lúc ấy tuồng mới có “đất”…”.

Nhiều nghệ sĩ sân khấu tuồng nổi danh sau này như các NSND Minh Gái, Văn Quý, Hương Thơm, Hồng Khiêm, Văn Thủy, các NSƯT Minh Tâm, Bích Tần, Kiều Oanh, Lộc Huyền… ở Nhà hát Tuồng Việt Nam đều là học trò của bà. Nhiều nghệ sĩ trẻ luôn coi NSND Ðàm Liên là tấm gương trong lao động nghệ thuật bởi lòng say mê, trách nhiệm với nghề. NSƯT Kiều Oanh là một trong những nghệ sĩ được bà truyền vai Ông già cõng vợ đi xem hội, chia sẻ: “Không chỉ tôi mà các nghệ sĩ của Nhà hát Tuồng Việt Nam luôn được sự chỉ bảo tận tình của cô Ðàm Liên. Sự nghiệp và các vai diễn của tôi chịu ảnh hưởng rất lớn bởi sự rèn giũa của cô. Cô đã truyền cho tôi tất cả những tâm huyết của mình về vai diễn và luôn bên cạnh, chỉ bảo tôi bồi đắp cho vai diễn mỗi ngày càng đầy đặn hơn. Ðối với cô thì nghệ sĩ tuồng không đơn thuần là “thợ diễn” mà phải là những kiến trúc sư, phải thiết kế, xây dựng thì vai diễn mới sống động”.

Một cây đại thụ của sân khấu tuồng Việt Nam đã nằm xuống. Không chỉ là những dấu ấn đặc sắc trên sân khấu, khoảng trống mà bà để lại còn là tâm huyết cháy bỏng với nghệ thuật tuồng. Mong rằng, ngọn lửa tuồng đã luôn rực cháy trong trái tim người nghệ sĩ tài năng ấy sẽ được các thế hệ nghệ sĩ, những học trò của bà tiếp tục hun đúc, chói sáng, để mang lại cơ hội phục hưng cho bộ môn nghệ thuật đặc sắc của dân tộc.