Tác giả Dũng Phan:

Giới trẻ không có lỗi khi thờ ơ với lịch sử

Kể từ khi công bố thông tin, Sử Việt - 12 khúc tráng ca của tác giả Dũng Phan đã tạo nên một “cơn chấn động” trong cộng đồng những người yêu lịch sử nói riêng và thị trường xuất bản nói chung. 5.000 bản in đã được bán hết trên các hệ thống thương mại điện tử từ trước khi sách chính thức phát hành; đặc biệt phiên bản bìa cứng giới hạn (1.000 cuốn) đã được bán hết chỉ sau bốn giờ mở bán.

Thế hệ trẻ vẫn rất yêu Sử Việt. Chỉ cần khơi gợi được tình yêu ấy đúng cách. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Thế hệ trẻ vẫn rất yêu Sử Việt. Chỉ cần khơi gợi được tình yêu ấy đúng cách. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Tôi dùng cả trái tim và bộ não

- Chào Dũng Phan, khi viết sử, điều quan trọng nhất là sử liệu. Một cuốn sách sử đúng đắn hay không phụ thuộc rất nhiều vào sự đúng đắn của sử liệu. Trong khi, mọi sử liệu không phải lúc nào cũng chính xác…

Giới trẻ không có lỗi khi thờ ơ với lịch sử ảnh 1



- Khi soạn cuốn sách này hay những bài viết từ trước đến nay đăng trên The X file of History, Dũng đều viết theo một nguyên tắc. Đó là dùng trái tim và bộ não để quyết định. Não để tư duy và nhận định đúng sai trong hệ thống thông tin chi chít số liệu, dữ kiện, câu chuyện (cả phi chính thống lẫn chính thống) để tìm ra cái đúng nhất, cái mà bạn tin là nó đúng. Trong khi đó, trái tim được dùng để đưa thông tin hướng thiện, đưa ra những thông tin tốt nhất. Cuốn sách này là một sản phẩm được kết hợp bởi hai yếu tố đó.

- Cuốn sách kể về 12 vị anh hùng trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Có nhân vật nào cho tới lúc này anh vẫn còn trăn trở và nuối tiếc không?

- Có hai khúc tráng ca về Hồ Quý Ly và vua Minh Mạng. Dũng đã viết về những con người mà mình tiếc nuối. Họ có quyền lực, có tham vọng, tài năng, có sự đế vương nhưng lại không gặp thời. Hay chính xác hơn, họ dùng tài năng không đúng vào thời điểm.

Còn về tướng lĩnh, cũng có vài người mà mình cảm thấy tiếc nuối. Khi nói điều này, đa số chúng ta hay tiếc cho Hoàng đế Quang Trung. Về nhân vật này, nếu đặt trên lăng kính lịch sử theo kiểu hơi lý trí một chút, thì mình cho rằng, ông đã sống rực rỡ, chết cũng rực rỡ. Cả một đời anh hùng bách chiến bách thắng, chết đi để lại bao nuối tiếc, sự cắn rứt cho hậu thế. Cả một vương triều Tây Sơn sụp đổ khi ông chết đi. Hoặc một vị tướng, Trần Quang Diệu. Đó là những con người mà cái chết của họ vẫn để lại một nỗi niềm tiếc nuối.

- So với những bài viết Dũng Phan đã đăng tải trên The X file of History thì giọng điệu, câu chữ ở Sử Việt - 12 khúc tráng ca có vẻ mềm mại nhiều?

Giới trẻ không có lỗi khi thờ ơ với lịch sử ảnh 2


- Bản thân Dũng khi viết sử là muốn tạo nên một sự khác biệt. Từ trước tới giờ, những kiến thức lịch sử được dạy trong nhà trường, hay những cuốn sách sử được bán trên thị trường dành cho giới trẻ đa số đều khá hời hợt và khô khan. Khi viết cuốn sách này, mình đã cố gắng viết mềm mại hơn một chút, để bạn đọc có thể dễ dàng tiếp nhận nó; và mình muốn “gãi đúng chỗ ngứa” của các bạn. Đó là những tranh đoạt hoàng quyền, những mưu đồ chiếm đoạt, những trang sử đẫm máu, những điều mà các bạn trẻ thường gặp ở sử Trung Quốc, ở những bộ phim Trung Quốc - mà các bạn không nghĩ là sử Việt Nam cũng có những câu chuyện như thế. Và có một điều đặc biệt đó là, Dũng đang kể chuyện, chứ không phải Dũng đang biên niên, đại ý kiểu ngày đó, giờ đó ta bắt được mấy tên địch, ý nghĩa của chiến thắng đó ra sao. Những điều đó, thế hệ Dũng hay các bạn đã được nghe suốt rồi. Dũng không viết như thế nữa.

Thực ra, trên cánh đồng sử liệu khủng khiếp ấy, mình đã cố gắng nhặt những viên ngọc để mài giũa nó. Những gì các bạn cầm trên tay là tất cả những tinh túy mà tôi có thể gói gọn. Cuốn sách này vừa có tư liệu chính sử, vừa có tính ly kỳ để các bạn trẻ đọc và cảm thấy yêu thích nó.

Cách nhìn nhận áp đặt có phần chưa thỏa đáng

- Tôi để ý rằng, 12 khúc tráng ca mà bạn viết, không có khúc tráng ca nào dành cho phụ nữ. Hay chiến tranh không mang gương mặt phụ nữ?

- Nếu viết tiếp thì Dũng cũng định viết 12 khúc tráng ca về người phụ nữ. Không phải không có ý định viết đâu, mà sẽ viết một cuốn sách xứng đáng trong tương lai. Cách đây vài ngày, trên The X file of History, bọn mình có tổ chức một minigame, các bạn trẻ nói rất nhiều về Lý Chiêu Hoàng, nữ hoàng duy nhất của Việt Nam. Đó là một người phụ nữ có số phận long đong.

Việt Nam mình cũng có những gương mặt nữ thú vị. Tôi nghĩ tới An Tư công chúa, được gả cho Thoát Hoan, không ai biết nàng ấy sống chết thế nào. Thậm chí có vụ án về Ỷ Lan phu nhân giết bao nhiêu phi tần? Rồi người mẹ của Lê Nghi Dân? Dòng họ Dương bao nhiêu người? Đó là một khối tài nguyên lớn mà có lẽ sau này Dũng sẽ khai thác.

- Anh đánh giá vai trò của người phụ nữ trong dòng chảy lịch sử như thế nào?

- Trong cuốn sách này, có một người con gái tên là Thiên Cực công chúa - hay còn gọi là “Điêu Thuyền của Việt Nam”. Một mình nàng đã khiến cho hai quyền thần say đắm và chết là Phạm Du và Tô Trung Từ trong giai đoạn nhà Lý suy vong, để lại vương triều cho Trần Tứ Khánh đánh một trận tan tành và Trần Thủ Độ nối ngôi.

Còn vai trò mà bạn hỏi thì Dũng nghĩ, vai trò gián tiếp phía sau hậu trường thì đúng hơn. Nhưng không vì thế mà nhỏ. Họ đóng vai trò rất lớn. Có thể thí dụ ra đây trường hợp Trần Thùy Dung - một trong bốn người quan trọng nhất của triều Trần. Họ là những người đàn bà nắm vai trò quan trọng trong phần nội chính nhưng không ra mặt, thậm chí bẻ lái lịch sử, thí dụ như Dương Vân Nga.

- Bạn có nghĩ Sử Việt - 12 khúc tráng ca sẽ tác động tích cực đến tình yêu dành cho sử Việt trong giới trẻ?

- Sau cuốn sách này, Dũng nghĩ sẽ có những người khác cũng viết sử. Mình chỉ làm một việc, đó là gợi mở mà thôi. Nhưng để được như bạn nói, mình nghĩ cần có sự góp sức của hai cá thể nữa. Đó là giáo dục và điện ảnh. Về điện ảnh, ta phải làm những bộ phim ly kỳ, hấp dẫn hơn khiến giới trẻ yêu nó hơn. Bởi chẳng có cái gì tạo được hiệu ứng lan tỏa với giới trẻ nhiều như điện ảnh cả. Cuốn sách của Dũng làm được đến mức này là một bất ngờ. Điện ảnh sẽ làm được nhiều hơn.

Hai là giáo dục, mình xin mạn phép nói một điều, đó là hãy trả lịch sử lại đúng vị trí của nó. Lịch sử là sứ giả của tổ tiên gửi tới tương lai, là lời dặn dò tiền nhân để lại cho hậu thế để xây dựng đất nước này. Nhưng chúng ta đang đẩy lịch sử về một môn phụ trong chương trình giáo dục.

Mình tin sự hời hợt mà nhiều người áp đặt lên những người trẻ trong thời gian qua có chút gì chưa thỏa đáng. Các bạn trẻ không có lỗi. Các em học sinh giống như một trang giấy trắng. Quan trọng là chúng ta đã vẽ gì lên họ. Mỗi giáo viên - tôi nghĩ, nên đóng vai trò như những người kể chuyện, hãy kể cho các em nghe những câu chuyện về tổ tiên, đừng ép các em phải học diễn biến ý nghĩa, đừng bắt các em phải trả lời những bài kiểm tra như thế. Tại sao các giáo viên không đặt ngược lại những câu hỏi? Thí dụ như, tổ tiên ta trong trường hợp đó làm vậy, nếu là các em thì các em có làm điều gì khác không?

- Cảm ơn những chia sẻ của bạn!

Dũng Phan, 29 tuổi, là bút danh của nhà báo, kỹ sư xây dựng Phan Trần Việt Dũng, là người đồng sáng lập trang fanpage The X file of History - thu hút hơn 120.000 người yêu lịch sử quan tâm và theo dõi trong những năm gần đây.