Tiếng sáo Ly Hương

Một trong những "ấn tượng đẹp" của âm nhạc Việt Nam năm 2013 là sự kiện nữ sinh viên trẻ Nguyễn Ly Hương của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam đã giành giải nhất đầu tiên cho nước nhà trên đấu trường âm nhạc quốc tế ở bộ môn sáo Flute.

Tiếng sáo Ly Hương

Đây là năm đầu tiên "Nam Ninh Young International Competition" dành cho sáo òute được tổ chức. Nguyễn Ly Hương (sinh năm 1990) hiện đang học Đại học 4 sáo Flute lần đầu tiên tham dự một giải quốc tế và cũng là thí sinh Việt Nam duy nhất đối đầu với 78 đối thủ là người Trung Quốc.

Tiếng là cuộc thi trẻ, nhưng thí sinh tham dự có độ tuổi trần khá cao - đến 38 tuổi - vốn là độ tuổi của nhạc công. Rất nhiều thí sinh đang là các giảng viên, nghệ sĩ độc tấu hoặc các tay sáo đầu bè của các dàn nhạc lớn. Như vậy, dự đoán xem ra rất chênh lệch giữa đoàn Việt Nam và đoàn Trung Quốc - một trong những quốc gia mạnh nhất trên thế giới về sáo òute.

Ly Hương vốn biết cuộc thi rất muộn. Bài thi thì dài và nặng. Đặc biệt, cuộc thi này có vòng 2 có thể nói là "khác thường". Thí sinh phải trình bày một Sonata tự chọn theo trường phái ấn tượng (phải chơi cả ba chương) và hai tác phẩm bắt buộc là bản concerto giọng Son trưởng của Mozart (cả ba chương) và một tác phẩm đương đại Trung Quốc. Có thể nói concerto của Mozart và bài Trung Quốc là phần khó nhất - để đấu chính giữa các thí sinh với nhau. Thời gian tập luyện của Hương có ba tuần, trong khi, các thí sinh Trung Quốc đã chuẩn bị từ trước đó cả năm trời.

"Lúc đó mỗi ngày em tập 10 đến 12 tiếng, thậm chí còn hơn, như một con thiêu thân chỉ có lao vào tập luyện. Sau tuần tập đầu tiên, ngón tay sưng lên vì đau, không cầm được sáo nữa. Em tủi thân chỉ dám khóc một mình vì sợ bố mẹ lo lắng.

Ban ngày tập, ban đêm em ngâm tay vào thuốc bắc, uống thêm thuốc tăng lực... cứ thế cho đến ngày đi thi." - Ly Hương bồi hồi kể lại.

Tại Nam Ninh, Trung Quốc, ngay sau vòng đầu tiên, Ban giám khảo đã đánh giá về phần thi của Ly Hương rất tốt: Làm chủ được sân khấu, đánh tự nhiên, âm nhạc tốt hơn hẳn so với thí sinh Trung Quốc.

Trình độ của thí sinh Trung Quốc rất đồng đều, tiếng sáo cũng như kỹ thuật căn bản rất tốt, nhưng được cho rằng kém xa Hương về mặt xử lý tác phẩm, tạo sắc thái, tính cách của bài.

Phút cuối cùng, khi Ban thư ký đọc kết quả ngược từ người được giải ba trở lên, tưởng chừng như đoàn Việt Nam đã không còn hy vọng, vì cuộc thi không có giải phụ.

Nhưng đến khi giải nhất được xướng lên, Nguyễn Ly Hương đã òa khóc.

Cả đoàn Việt Nam vỡ òa trong bất ngờ và vui sướng.

Tiếng sáo của Ly Hương được đánh giá là tổng hòa của kỹ thuật và cảm nhận tốt, khiến người nghe thật sự bị thu hút, thả hồn vào tác phẩm, đi thi mà như nghe biểu diễn thực thụ trên sân khấu.

Bí kíp của Ly Hương để xử lý tác phẩm rất độc đáo. Cô đã chăm chỉ tìm tòi và tích lũy được một vốn kiến thức đáng nể về lịch sử âm nhạc, về các tác giả ở các thời kỳ khác nhau, nghiên cứu tính cách tác giả, cách rung sáo, hơi thở, cách xử lý kỹ thuật trong từng thời kỳ âm nhạc.

"Ví dụ bài Fatasy của thời tiền cổ điển, em phải nghiên cứu cách rung sáo, hơi thở, cách xử lý kỹ thuật to nhỏ và rung nhấn... Xử lý một cách tinh tế, đó là điều quan trọng, sự khác biệt" - Ly Hương chia sẻ.

Nguyễn Ly Hương đã nhận được lời mời từ những học viện âm nhạc hàng đầu ở Bắc Kinh và Thượng Hải, nhưng Hương nói, cô muốn tốt nghiệp đại học ở Việt Nam, và sau đó dự định theo học cao học.