"Kịch bản đương đại" về người nông dân

NDO - 1.000 bản khắc gỗ chân dung người nông dân cùng chùm 10 bức tranh khắc gỗ mầu với kỹ thuật khắc phá bản, lấy nhân vật chú Tễu để thể hiện nhiều suy ngẫm. Ðó là triển lãm Kịch bản đương đại - triển lãm cá nhân đầu tiên của họa sĩ đồ họa Phạm Khắc Quang.

1.000 bức tranh đó là 1.000 chân dung của những người nông dân. Chất liệu là mùn cưa, gỗ..., kể câu chuyện về nhân sinh.

Trên 30m2 mùn cưa đã được nhuộm mầu để đem lại cảm giác về một mảnh ruộng quê, tác giả đặt lên 1.000 bản khắc chân dung người nông dân ở nhiều lứa tuổi (ảnh to), trong đó, ngẫu nhiên, chân dung người phụ nữ chiếm đa số. Các chân dung được khắc trên bề mặt của những chiếc xẻng gỗ - vật dụng quen thuộc trong căn bếp gia đình. Ba năm, kể từ khi hình thành ý tưởng cho đến khi đi chụp hình rồi khắc lên gỗ, những nét khắc tỉ mỉ, giàu cảm xúc về 1.000 chân dung người nông dân đã giúp thể hiện một cách sống động chân dung người nông dân hôm nay.

Một nghìn bức chân dung khắc gỗ đen trắng, mỗi chân dung mỗi vẻ, hòa vào thành bản hợp ca chất chứa đủ vui buồn cất lên từ những thửa ruộng - Phạm Khắc Quang tâm sự.

Trong số các chân dung trưng bày ở đây, theo Phạm Khắc Quang, có nhiều người thân thuộc với anh như: bà anh, những người hàng xóm, những người cùng làng, hoặc những người anh gặp trên đường đi trong những chuyến công tác. Anh đặt tên cho tác phẩm là Thở - bởi chỉ một chữ đó thôi cũng gợi mở nhiều điều. Nếu ta còn thở là còn sống và thở còn cho ta cảm giác về môi trường sống.

Một phần nữa của triển lãm là chùm 10 bức tranh khắc gỗ mầu với kỹ thuật khắc phá bản, thể hiện suy ngẫm của nghệ sĩ trước nhiều vấn đề xã hội trong cuộc sống nông thôn hiện nay. Phạm Khắc Quang đã đưa chú Tễu - nhân vật dẫn chuyện trong các tích trò rối nước dân gian - đến với cuộc sống đương đại, làm nhân vật chính trong các câu chuyện thời cuộc. Tôi sinh ra và lớn lên ở làng quê có truyền thống múa rối nước nên từ nhỏ, đã  được xem nghệ nhân của làng thổi hồn vào những khúc gỗ, gốc tre, biến chúng trở thành những nhân vật có tích, có trò và gây ấn tượng sâu sắc. Từ dáng vẻ đến tinh thần, con rối như là hình ảnh rút gọn, đặc trưng rất Việt. Trong sân khấu nước, qua sự liên kết cơ học, người nghệ nhân đã điều khiển con rối vào vai những người lao động, danh nhân, nhân vật huyền thoại... nhằm ca ngợi cũng như giáo dục truyền thống. Tại sao Tễu lại không có đời sống khác đi, gần với cuộc sống đương đại hơn? - Phạm Khắc Quang trăn trở như vậy.

Và trong những bức khắc gỗ mầu trên giấy dó của anh trong triển lãm này, Tễu có khi là một thương lái, một doanh nhân lừng lững và viên mãn giữa chợ người - chợ đời. Tễu lại vẫn là người nông dân hóm hỉnh, ý vị trong mối quan hệ cộng đồng làng xã, cùng nhau làm mùa, cùng nhau vui chơi. Nhưng cũng là người nông dân ấy với nụ cười vô ưu đang bày bán một góc tài sản tinh thần của làng mình, của chính mình - hình ảnh "cây đa bến nước sân đình" - ngay nơi chợ quê. Nụ cười vô ưu của Tễu là để che giấu nỗi đau, sự bất lực trước sức cám dỗ và sự xô ép của nhu cầu vật chất hay cũng là cái cười tự bằng lòng?

Triển lãm cũng cho thấy tâm huyết của nghệ sĩ trong việc sử dụng nghệ thuật khắc gỗ truyền thống để kể với khán giả hôm nay những câu chuyện thời cuộc - một cách thức thú vị trong việc kết nối các yếu tố truyền thống và đương đại trong nghệ thuật.

Họa sĩ Phạm Khắc Quang sinh năm 1975, tại Hải Dương. Năm 2002, tốt nghiệp Khoa Ðồ họa, Ðại học Mỹ thuật Hà Nội (nay là Ðại học Mỹ thuật Việt Nam). Giải Khuyến khích - Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc (năm 2005) và Huy chương Bạc - Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc (năm 2010).