Ðó là những điều bất ngờ thú vị về NSND Lê Trọng Nghĩa, người từng nổi tiếng với ca khúc Em làm kế hoạch nhỏ, Cảm xúc tháng 10... Ông sinh năm 1945, là người Hà Nội gốc. Từ nhỏ, ông đã đam mê ca hát, có năng khiếu âm nhạc. Năm 13 tuổi, ông giành giải nhất cuộc thi hát thiếu nhi do Thành đoàn Hà Nội tổ chức và từ đó thường xuyên được mời biểu diễn trên sóng phát thanh. Ông nổi tiếng trong phong trào ca hát học sinh, sinh viên nghiệp dư Hà Nội, câu lạc bộ đơn ca Hà Nội với nhiều huy chương vàng, bạc hội diễn. Năm 1972, chàng trai Lê Trọng Nghĩa quyết định rẽ hẳn sang con đường ca hát chuyên nghiệp. Ông nhanh chóng trở thành ca sĩ nổi tiếng của Ðoàn ca múa Hà Nội, giành Huy chương vàng, bạc hội diễn và được cử đi nước ngoài biểu diễn nhiều lần.
Tuy nhiên, "cú hích" khiến ông quyết định đi học thanh nhạc chuyên nghiệp tại Nhạc viện Hà Nội vào năm 1980, khi đã ở tuổi 35, đó là lần ông và ca sĩ Quang Thọ (nay là NSND Quang Thọ) được cử đi Liên Xô biểu diễn cùng dàn nhạc trong Nhà hát Bolsoi. Khi đó, ở Việt Nam, Trọng Nghĩa đang "nổi" hơn Quang Thọ, được khán giả trong nước rất yêu mến. Nhưng sang Liên Xô, khi diễn, Quang Thọ lại được khán giả cổ vũ rất nồng nhiệt, còn ông dù hát rất tình cảm, nhưng tiếng vỗ tay chỉ lẹt đẹt. Ấy là do khả năng thưởng thức của khán giả châu Âu rất tinh, họ có thể dễ dàng nhận ra sự khác biệt giữa người được đào tạo bài bản với giọng ca đi lên từ phong trào chỉ sau một vài câu hát.
Ở tuổi đó, những thói quen, cố tật về xử lý câu hát khiến NSND Trọng Nghĩa phải vật lộn với chính mình để khắc phục dần. Ông học và luyện tập ngày đêm và đạt kết quả học tập vào loại giỏi, ông tiếp tục được cử đi nước ngoài diễn và chấm thi ở các Liên hoan quốc tế.
Năm 1990 lại là bước ngoặt trong sự nghiệp ca hát khi ông được cử làm lãnh đạo Ðoàn ca múa Hà Nội và chuyên tâm với công việc chỉ đạo nghệ thuật, đào tạo nghệ sĩ. Tên tuổi Lê Trọng Nghĩa sau đó chỉ xuất hiện ở những chương trình kỷ niệm lớn của Thủ đô, như 990 năm Thăng Long - Hà Nội; các hội diễn; dịp lễ, Tết... trong vai trò Chỉ đạo Nghệ thuật. Ông nghỉ hưu năm 2005 và dành thời gian cho việc phát triển phong trào ca hát của quần chúng.
Khi được hỏi vì sao lại ra album muộn như vậy, NSND Lê Trọng Nghĩa cho hay, trong thời gian làm lãnh đạo ở nhà hát, vì bận và vì "giữ ý", ngại lời ra tiếng vào cho rằng mình lợi dụng cương vị giám đốc để bán đĩa, nên ông quyết định không ra album. Từ khi nghỉ hưu, ông đã ấp ủ ý nguyện ghi lại dấu ấn một đời ca sĩ với những cảm xúc sâu sắc về Hà Nội và quyết định thu đĩa CD đầu tay với những ca khúc về Hà Nội.
NSND Lê Trọng Nghĩa cho hay, những cảm xúc âm nhạc, những kỷ niệm đã đúc kết thành đĩa hát như một món quà kỷ niệm cả cuộc đời gắn bó với Hà Nội. Ông dành tặng album cho bạn bè, công chúng yêu mến Hà Nội, những người đã từng sống, làm việc tại đây. Ðặc biệt, trong đó có ca khúc Cảm xúc tháng 10 đã gắn với tên tuổi của ông từ trước tới nay trong mỗi dịp chào mừng Ngày Giải phóng Thủ đô. Ca khúc Truyền thuyết Hồ Gươm ông từng biểu diễn rất ấn tượng và đã đích thân dàn dựng giúp ca sĩ Tấn Minh giành Huy chương vàng Hội diễn...