Nghệ sĩ "lang thang" và nhạc dân gian đương đại

NDO - Trong góc quán cà-phê, Nguyễn Tuấn mơ màng gảy đàn rồi cất lên những tiếng hát rút ruột từ cuộc đời của một gã trai phiêu bạt, đó là những ca khúc Tiếng gáy thời gian, Bồ câu hạt thóc, Chổi xuân... Thứ âm nhạc chân thành, lời lẽ dung dị ôm chứa nỗi niềm từ những tháng ngày sống trong trại tị nạn ở Hồng Công (Trung Quốc), bươn chải buôn bán nơi đất Cảng, rồi tới TP Hồ Chí Minh viết nhạc phim và bây giờ quay ra Hà Nội.
Nghệ sĩ "lang thang" và nhạc dân gian đương đại

Nhạc sĩ Nguyễn Tuấn, tên thật là Nguyễn Minh Tuấn, sinh  năm 1977 tại Hải Phòng. Ngoài cái đầu trọc, nhìn Tuấn chả có gì đặc biệt, nhưng khi anh đã ôm đàn và cất lên tiếng hát, người ta mới thấy anh hừng hực lửa. Tuấn bảo, những gì anh có được bây giờ là nhờ tuổi thơ dữ dội. Ấy là thời "nghĩ quẩn",  anh từng bảy lần cùng gia đình lên tàu vượt biên, dốc hết tài sản ra theo những chuyến tàu đắm và cuối cùng sống trong trại tị nạn của xứ Cảng thơm. Năm đó, Tuấn 12 tuổi. Ðể có thêm thu nhập, anh vẽ, chép tranh. Những lúc buồn được nghe tiếng đàn của một nghệ sĩ ghi-ta khiếm thị, anh bị cuốn theo thứ âm thanh mộc mạc mà quyến rũ ấy. Dành dụm tiền vẽ tranh, mua được một chiếc đàn ghi-ta, Tuấn học say sưa những nốt nhạc ma mị, và sau hơn hai năm trở nên nhuần nhuyễn, điệu nghệ. Cùng với ba người khác, cậu bé 14 tuổi ấy lập ban nhạc Cánh gà phục vụ hơn 4.000 người Việt trong trại tị nạn, hát các tình khúc Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên, Vũ Thành An, ABBA, Boney...

Sau bốn năm sống ở trại tị nạn, năm 1994, Nguyễn Tuấn trở về Việt Nam, bắt đầu đời thợ mộc. Anh vẫn thổn thức với âm nhạc và viết nhạc phẩm đầu tiên Xúc cảm phút giao mùa. Anh bắt đầu đi đàn hát ở các quán cà-phê  sinh viên, tham gia ban nhạc The Ocean của Ðại học Hàng hải, TP Hải Phòng, dự Liên hoan các ban nhạc sinh viên toàn quốc và có những đêm nhạc của riêng mình ở vùng đất Cảng.

Cơm áo gạo tiền cuốn phăng anh đi theo nghiệp kinh doanh, rồi bất chợt cái "chất nghệ" lại trở về với công việc viết nhạc, đi đánh nhạc và hát ở các quán cà-phê. Năm 2006, Tuấn tham gia chương trình Bài hát Việt với ca khúc Em là ai. Năm 2007, ca khúc này được thí sinh Nguyễn Phước Vũ Bảo hát trong đêm chung kết cuộc thi Ngôi sao Tiếng hát Truyền hình TP Hồ Chí Minh đã nhận giải nhất. Năm 2007, Tiếng gáy thời gian của Nguyễn Tuấn đoạt giải phối khí hiệu quả của chương trình Bài hát Việt. Sau đó, anh gia nhập nhóm M6, một nhóm các nhạc sĩ lãng tử gồm nhà văn Ngô Tự Lập, họa sĩ Nguyễn Lê Tâm (nhóm Ðồng hồ báo thức), kiến trúc sư Nguyễn Vĩnh Tiến, Trần Ðức Minh (Minh Tó), Nguyễn Thắng (Thắng sáo - nhạc sĩ của Ðài Tiếng nói Việt Nam). Nguyễn Tuấn được gọi là "ngòi nổ" của nhóm M6.

Năm 2011, Tuấn rời nhóm M6 vào Sài Gòn viết tám ca khúc cho phim Lục lạc huyền bí của đạo diễn Nguyễn Mỹ Khanh và gây ấn tượng mạnh.

Ca khúc Về miền Cổ Am của "gã đầu trọc" này được Ðoàn Nghệ thuật Hải Phòng dự Hội diễn ca múa nhạc toàn quốc tháng 8 vừa qua đã được trao Huy chương vàng.

Không được đào tạo bài bản chính quy ở nhạc viện, nhưng những ca khúc Tuấn viết có cấu trúc, hòa âm phức tạp mà giới chuyên nghiệp phải nể. Tuấn viết theo phong cách dân gian đương đại, có nhạc phẩm chứa chất rock, mang âm hưởng ca trù, rất "quái" theo kiểu riêng. Có nhạc phẩm lại là những lời lẽ u uẩn của cô gái bán than, người quét rác, người mang căn bệnh AIDS...

Tuấn luôn nhận mình là "kẻ đi không nhiều, nhưng đi kỹ". Có ai đó đã bảo anh là "Gã di-gan của văn hóa sông Hồng",  nay đây mai đó mà mục đích căn bản là để trải nghiệm cuộc đời và tích lũy cảm xúc. Anh đặc biệt thú vị khi viết những nhạc phẩm trào phúng bên cạnh các ca khúc xã hội, trữ tình.