Có lẽ, tôi quá nhiều đam mê...

NSƯT Trung Hiếu là một trong ba nghệ sĩ trẻ được phong tặng danh hiệu NSND lần này khiến bạn nghề đều tâm phục khẩu phục. Hơn 20 năm qua, từ một "hạt giống đỏ" của sân khấu cho đến khi trở thành gương mặt được yêu mến của cả sàn diễn và màn ảnh nhỏ, anh đã hết lòng tận hiến cho nghệ thuật. Anh dành cho Nhân Dân cuối tuần một cuộc trò chuyện thú vị về chuyện nghề, chuyện đời.

Nghệ sĩ Trung Hiếu vào vai Lý Thường Kiệt trong vở Tình sử ngàn năm.
Nghệ sĩ Trung Hiếu vào vai Lý Thường Kiệt trong vở Tình sử ngàn năm.

Tuổi trẻ đầy hưng phấn

- Là một trong ba nghệ sĩ trẻ được phong tặng danh hiệu NSND lần này, chắc anh có rất nhiều cảm xúc?

- Tôi rất vui, bởi đó là sự ghi nhận của nhân dân, của Nhà nước, khích lệ tôi làm nghề. Điều này tạo động lực cho thế hệ trẻ vì họ cần niềm tin, cần điểm tựa, để phấn đấu và vững tin hơn vào nghề trong cuộc sống đầy biến động này, khi đời sống của nghệ sĩ rất nghèo, sân khấu đìu hiu.

- Thật ra Trung Hiếu đâu còn trẻ nữa, anh đã làm nghề từ những năm 90 của thế kỷ trước?

- Tôi bắt đầu vào nghề từ năm 1991- 1992, đến nay cũng ngót nghét hơn 20 năm rồi. Ngay từ năm thứ hai của Trường đại học Sân khấu, 18 tuổi, tôi đã tham gia phim nhựa Hoa Ban đỏ của cố NSND Bạch Diệp, tôi đóng vai chính cùng với Thu Hà, Trần Lực, Trọng Trinh..., toàn "sao" của miền bắc thời đó. Lúc đầu tôi run lắm vì mình là lính mới nhưng cũng hưng phấn, bởi tuổi trẻ mà, bao nhiêu ý tưởng, bao nhiêu ước mơ hừng hực. Hồi đó, tôi làm phim điện ảnh rất nhiều, mỗi năm trung bình tham gia 2-3 phim nhựa.

Nhưng điện ảnh Việt giai đoạn đó gọi là nền điện ảnh "mật", làm phim mà chả có ai xem. Toàn phim Nhà nước đầu tư tiền tỷ, nhưng ra rạp thì vắng hoe. Bao nhiêu lao động, sáng tạo, vật vã với mưa nắng, lội bùn, lội suối, cả năm trời mới xong một bộ phim nhưng không có người xem, vậy ai biết đến mình được. Tôi thấy buồn kinh khủng.

- Giờ ngẫm lại, anh có ân hận vì những năm tháng quần quật lao động và cống hiến đó không?

- Những năm tháng đó mang lại cho tôi nhiều thứ, không phải danh tiếng mà là sự trải nghiệm trong nghề. Tôi được làm việc bên cạnh những người nổi tiếng, tận tâm cho nghệ thuật như NSND Trịnh Thịnh, một con người làm việc say mê, nghiêm túc, chuẩn mực, một nghệ sĩ chân chính. Cả đêm ông ngồi đọc kịch bản thuộc mới đi ngủ. Sáng thì dậy sớm, nghiêm ngắn phục trang. Các cụ nghiêm túc làm mình cảm động. Nhưng có loe thời đó chúng ta không đưa khán giả đến với nghệ thuật vì thiếu tính giải trí. Tôi nhớ Béc-tôn Brếch (B.Brecht) từng nói: Tác phẩm muốn nói điều gì chăng nữa, muốn mang tính giáo dục, thời đại phải đi bằng con đường giải trí. Tác phẩm phải hay, người ta mới xem. Ý tưởng sâu sắc ở trong một tác phẩm khô cứng thì không kéo ai đến rạp được.

Có lẽ, tôi quá nhiều đam mê... ảnh 1

- Đó có lẽ vẫn là câu chuyện khó khăn nhất của những người làm nghệ thuật, nhất là sân khấu?

- Tôi nghĩ với sân khấu, chúng ta không thiếu vở hay, nhưng để đưa được khán giả đến với sân khấu là một thách thức lớn đối với các đoàn nghệ thuật trong cả nước. Bây giờ, có quá nhiều phương tiện giải trí sẵn ở nhà, người ta ngại ra đường, ngại va chạm. Năm ngoái chúng tôi sang Nga, tôi cố gắng nhờ mọi người sắp xếp mua vé cho anh em xem kịch. Ở Nga, muốn xem kịch phải đặt trước hằng tháng, ăn mặc sang trọng, lịch lãm. Cuối cùng, chúng tôi cũng vào được một trong những nhà hát nổi tiếng của Nga, đúng hôm họ diễn vở ba-lê về nàng tiên cá. Không thể tưởng tượng được, cả một sân khấu rộng hơn Nhà hát Lớn, chung quanh có đủ phòng truyền thống, hình ảnh những vở kịch nổi tiếng, những vai diễn, những phục trang được trưng bày trang trọng trong tủ kính. Rồi phòng uống trà, phòng để quần áo. Có cả hệ thống phục vụ đi theo. Người Nga vẫn giữ được truyền thống đi xem kịch là một cách thể hiện đẳng cấp của mình. Họ thể hiện sự tôn kính với các nghệ sĩ, bởi với họ, đúng nghĩa, sân khấu là thánh đường. Bởi họ có bề dày truyền thống, qua bao biến cố, họ vẫn giữ được. Xem về mới thấy mình quá lạc hậu. Việc tạo cho người dân mình có được thói quen đến với sân khấu là một thách thức lớn đối với những người làm sân khấu.

Giá của đam mê

- Tôi nhớ Trung Hiếu đã có một cuộc lột xác ngoạn mục năm 2005, khi anh bắt đầu vào những dạng vai đa tính cách, và cũng từ đó, cái tên Trung Hiếu được nhắc đến nhiều trên báo chí?

- Tôi học khoa Điện ảnh - sân khấu, nên hoạt động trong cả hai lĩnh vực. Trước những năm 2000, tôi hay đóng vai chính diện, bộ đội, trí thức nghèo. Nhưng đến năm 2005, tôi bắt đầu lột xác với những vai diễn đa diện, đầu tiên là Khang trong phim Đường đời. Tôi có quan niệm không phải nhân vật chính diện và phản diện, mà là những nhân vật có tính cách đặc biệt. Đôi khi có những nhân vật ám ảnh tôi ghê gớm, chỉ một chi tiết mình chưa nghĩ ra, vai diễn chưa tròn đầy cũng khiến mình mất ăn mất ngủ.

- Mọi người vẫn nhìn thấy sự lộng lẫy, hào nhoáng trên sân khấu nhưng không mấy ai biết được, những lao động nhọc nhằn phía sau của người nghệ sĩ?

- Bạn nói đúng. Phía sau sân khấu là những cực nhọc không tả được. Như năm 2008, tôi đóng phim 13 bến nước, thời tiết lạnh kinh khủng, 4-5 độ, toàn quay từ 7 giờ đêm đến 3-4 giờ sáng trên sông Lô, liên tục một tuần như thế. Hoàng Lan bị viêm phổi, còn tôi thì cứ lao xuống dòng sông Lô nước chảy xiết mà không có bảo hiểm gì. Phim Sống mãi với thủ đô - Hà Nội mùa đông năm 1946, quay giữa thời tiết 39-40 độ mà cứ mặc áo trấn thủ, bành tô như tra tấn. Rồi tập vai Lý Thường Kiệt, đúng lúc nhà hát sửa, phải về rạp tạm ở Tạ Hiện. Không có điều hòa, nóng nực, hàng trăm con người trong căn phòng bé tý, tập mệt không chịu nổi, đánh võ, đấm đá, hôm thì bong gân, hôm trật khớp. Lúc đó quên mình, diễn xong ướt đầm bộ quần áo từ đầu đến chân. Tôi phải đi mua đồ thể thao để bó tay, chân như võ sĩ. Ba tháng trời liên tục như thế. Không hiểu lấy sức lực ở đâu ra, nếu không có đam mê thì không làm được. Mọi người bảo, Trung Hiếu làm việc như... người máy.

- Anh có sống được bằng nghề?

- Tôi may mắn sống được bằng nghề vì tôi làm nhiều việc. Đầu tiên là nhảy vào phòng lồng tiếng, xin mọi người làm. Vai phụ, vai quần chúng đều làm, rồi phim truyền hình, mỗi thứ một chút, thu nhập đều đều, cũng sống được. Có thời tôi lồng tiếng nhiều đến mức, nhiều người đùa, ba phần tư phim miền bắc là tiếng Trung Hiếu. Nói chung, cuộc sống nghệ sĩ rất khó khăn, chỉ số ít sống bằng nghề, mà sống cũng giản dị thôi. Nhưng mỗi khi bước lên sân khấu, đứng trước máy quay là quên hết, chẳng nghĩ gì đến tiền bạc. - Ngoài sân khấu và màn ảnh, anh còn đam mê thư pháp, cây cảnh, hội họa, thú chơi nào cũng đến độ. Anh có nghĩ mình ôm đồm quá không?

- Với tôi, đó là cách cân bằng cuộc sống. Nhiều người bảo sao tôi không biến những thú chơi thành tiền, nhưng tôi không để ý đến chuyện đó. Đôi khi nghĩ, trời định thế rồi. Tôi tin vào số phận. Tôi nhớ, Bu-đa-sép - một nhà khoa học nổi tiếng trong cuốn "Chúng ta thoát thai từ đâu" có nói rằng: Sự tồn tại hay diệt vong của con người là do chính bản thân họ quyết định. Số phận cũng do mình quyết định. Nhiều người bảo: Hiếu ơi, sao không ấy vợ? Có loe tôi quá nhiều đam mê, quá yêu nghề, đó phải chăng là cái giá tôi phải trả cho những đam mê của tôi. Con người không thể trọn vẹn được, mình phải chấp nhận điều đó, miễn là mình vui vẻ, vì mình biết mục đích sống của mình. Ngày xưa, có một cụ đồ nho viết điếu văn cho một ông hàng xóm, rằng, Sinh ra ông khóc oa oa/Mỗi ngày ông một lớn tướng/Dần dần ông trở về già/Sau rồi ông hóa thành ma. Một cuộc đời vô vị, không có mục đích, không có niềm tin. Tôi sợ nhất điều đó.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của anh.