Chúng tôi có cuộc trò chuyện với nhà nghiên cứu mỹ thuật Vũ Huy Thông (ảnh nhỏ) xoay quanh hàm nghĩa "trẻ", từ ba triển lãm và trưng bày này.
Thái độ cá nhân được chú trọng bày tỏ
- Là một người làm công tác nghiên cứu mỹ thuật, anh hẳn không thể bỏ qua cả ba trưng bày này. Cảm nhận đầu tiên của anh khi tới từng điểm triển lãm là gì?
- Nếu xét "trẻ" theo khía cạnh tuổi tác thì trưng bày kết quả tốt nghiệp của sinh viên Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam phải ở vị trí đầu tiên, tuy nhiên, tôi ít nhận thấy những nét tiêu biểu mà người ta thường kỳ vọng ở "nghệ thuật trẻ - nghệ sĩ trẻ"; đó là: mong muốn biểu hiện cá nhân mạnh mẽ và mới lạ trong tư duy nghệ thuật cũng như phương pháp biểu hiện tư duy đó.
Tại triển lãm của Câu lạc bộ Nghệ sĩ trẻ, tôi cũng không nhận thấy những tín hiệu "trẻ" đáng lưu tâm, ngoại trừ, tất yếu, cuộc triển lãm với số đông nghệ sĩ/ tác phẩm nào cũng đều có những tác phẩm đáng chú ý, mặc dù sự yêu thích đó thường nặng tính chủ quan.
Về triển lãm của Câu lạc bộ 42Painting, sự sống động của phần lớn tác phẩm là ưu điểm (nếu có thể nói thế) cho tiêu chí "trẻ". Sự sống động này có lẽ đến từ kết quả của rất nhiều tác phẩm ký họa, trực họa người.
- Dù sao thì anh thấy sáng tác của các bạn trẻ ấy có những điểm nào đó đáng chú ý, đáng để hy vọng chứ?
- Về trưng bày bài tốt nghiệp của sinh viên Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam, theo như tôi hiểu, phần nào đến từ tâm lý "làm bài tốt nghiệp" với khá nhiều áp lực của việc phải xây dựng tác phẩm "lớn" (theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng), kỳ công và hoàn thiện nhất, đã khiến nhiều tác phẩm bị "già" - hiểu theo nghĩa "quen thuộc về đề tài, phương pháp thể hiện". Nếu phải tìm ra tác phẩm gây ấn tượng cho tôi nhất trong trưng bày tốt nghiệp năm nay của sinh viên nơi đây, tôi sẽ lựa chọn sáng tác đồ họa kết hợp nghệ thuật sắp đặt Hà Nội mới của Ðỗ Hoàng Anh. Ðây là một sáng tác thật hấp dẫn bởi tạo hình, bày tỏ được mối quan tâm của người trẻ về tương lai (một tất yếu); cách thể hiện với góc nhìn (nghĩa đen) không gian toàn cảnh panorama từ trên cao khá đặc biệt nếu so sánh với phần lớn sáng tác thuộc hình thức nghệ thuật đồ họa gần đây.
Tại triển lãm của Câu lạc bộ Nghệ sĩ trẻ, nếu phải chọn tác phẩm cho riêng mình, phù hợp với mong đợi ở một triển lãm nghệ thuật "trẻ", tôi sẽ chọn hai bức mầu nước của tác giả Kim Ngân và một sơn dầu của Trần Mạnh, những tác phẩm mà theo tôi, có sự mạnh mẽ của biểu cảm cá nhân.
Về triển lãm của Câu lạc bộ 42Painting, điểm cộng lớn nhất cho tính "trẻ" của triển lãm này là những tác phẩm nude trong các tư thế rất khác với bài bản đào tạo nghiên cứu hình họa mẫu người trong nhà trường. Rất nhiều thế dáng người mẫu được các nghệ sĩ trẻ bày theo lối tự nhiên, góc thể hiện cũng đa dạng hơn (rất gần, từ trên cao, từ dưới nhìn lên...), những điều đó, theo tôi, sống động hơn những bài học diễn tả cơ thể người đơn thuần.
Từ thái độ sẽ trở thành ý thức...
- Bên cạnh những điểm đáng để hy vọng, cá nhân anh thấy có những điều gì mà người sáng tác trẻ cần lưu ý để có bước phát triển nghề nghiệp tiếp theo tốt hơn?
- Như đã nhắc tới một số tác phẩm - tác giả cá nhân tôi thấy ấn tượng và yêu thích ở trên, họ đã bày tỏ được thái độ cá nhân, hiểu dưới khía cạnh nghệ sĩ là trung tâm và dưới hình thức sáng tác biểu hiện tâm lý, tâm trạng tự sự của nghệ sĩ, tự đặt mình trong mọi vấn đề thời sự của xã hội, môi trường hoặc ngược lại, hoàn toàn cách ly với môi trường... Nếu hy vọng, tôi muốn từ thái độ sẽ chuyển thành ý thức mạnh mẽ và lâu dài hơn ở họ.
Khó có ai có thể "tư vấn" cho nghệ sĩ trẻ về sự phát triển tích cực của nghề nghiệp (cười). Tuy vậy, xuất phát từ kinh nghiệm cá nhân và những mối quan hệ với nhiều nghệ sĩ trẻ, tôi nhận thấy ý thức trọn vẹn về "sáng tạo nghệ thuật" của nhiều bạn còn khá mơ hồ, cũng đúng thôi, bởi đó vốn dĩ luôn là câu hỏi không có đáp án đối với bất kỳ nghệ sĩ, trong bất kỳ thời kỳ nào. Tuy nhiên, việc đi tìm câu trả lời cho câu hỏi "sáng tạo nghệ thuật", việc có ý thức trọn vẹn về nó hay không, có đặt nó thành mục tiêu, chân lý, lẽ sống và sự quyết liệt dấn thân hay không, là điều đáng được nhắc tới mỗi khi chúng ta nói về câu chuyện nghệ thuật của những nghệ sĩ trẻ, bởi phía trước họ là quỹ thời gian còn rất dài.
- Có một quan sát thú vị là ngay sau khi trưng bày xong bài tốt nghiệp, một số sinh viên cũng đã rất nhanh chóng tìm cách tiếp cận công chúng bằng việc đăng tải tranh lên các nhóm giới thiệu nghệ thuật công khai trên mạng xã hội. Bên cạnh đó, triển lãm của Câu lạc bộ Nghệ sĩ trẻ cũng thu hút rất đông khán giả, tuy "một bộ phận không nhỏ" trong số này đến để check-in sống ảo thay vì thưởng lãm nghệ thuật. Cộng thêm với các quan sát và tìm hiểu của anh, anh nhận xét như thế nào về mối tương tác giữa người sáng tác và người thưởng lãm/ mua sáng tác đều thuộc thế hệ trẻ dưới 35 tuổi này?
- Tôi không nhận thấy điều gì đáng chú ý trong việc tác phẩm "trẻ" đã được người trẻ mua, điều đó hoàn toàn bình thường và chỉ phản ánh thị hiếu của số ít bạn trẻ yêu thích nghệ thuật bởi đơn giản, sưu tập nghệ thuật cần phải có hiểu biết sâu sắc và rất nhiều tiền.
Nhiều bạn trẻ đi xem triển lãm, nhất là tại không gian Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA) là để check-in, chụp những kiểu ảnh vui vẻ... mà chẳng quan tâm thật sự đến nghệ thuật dù chỉ vài giây! Tôi đã quan sát nhiều lần, nhiều người (cười). Thực tế này có lẽ phản ánh một phần trào lưu chung phần nhiều mang tính giải trí của họ.
- Chân thành cảm ơn anh!
PHONG VÂN (thực hiện)
* Triển lãm của Câu lạc bộ Nghệ sĩ trẻ - Hội Mỹ thuật Việt Nam, quy tụ sáng tác của hơn 100 tác giả đến từ khắp mọi miền đất nước, không nhất thiết là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, với tiêu đề Chúng ta đang nghịch gì, có kế hoạch diễn ra từ ngày 25/6 đến 25/7 với nhiều hoạt động bên lề, nhưng đã phải tạm ngưng từ ngày 9/7 do dịch Covid-19. Trưng bày bài tốt nghiệp của sinh viên Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam, theo dự kiến, diễn ra từ ngày 8 đến 13/7 song cũng phải dừng lại vào cuối ngày 11/7 do dịch bệnh; Triển lãm Tôi là chúng ta của Câu lạc bộ 42Painting diễn ra từ ngày 26/6 đến 26/7 song cũng dừng sớm năm ngày.
* Nhà nghiên cứu mỹ thuật Vũ Huy Thông công tác tại Ban Hiện đại - Viện Mỹ thuật thuộc Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam từ năm 2009. Anh là tác giả của nhiều bài viết, tiểu luận nghiên cứu về mỹ thuật Việt Nam, in trong các sách chuyên khảo và tạp chí chuyên ngành.