Phía sau những giải thưởng

NDO - Từng được tặng thưởng khoảng 40 giải thưởng nhiếp ảnh trong nước và quốc tế, tại nhiều cuộc thi ảnh chuyên nghiệp của Mỹ, Anh, Pháp... Trần Việt Văn cho rằng, điều quan trọng là giải thưởng đó có thật sự giá trị hay không.

Năm 2011 này với anh là một mùa bội thu. Từ đầu năm đến nay, anh đã đoạt 16 giải (trong đó có năm giải nhất). Dường như anh là một người sát... giải?

Tôi cho rằng: Giải thưởng chỉ là một dòng chảy, là cơ hội để mình nhìn lại tác phẩm, đánh giá lại xem nó được hay không được và có một hướng đi khác, không phải là dòng chủ lưu đối với nghệ sĩ. Ðối với một nghệ sĩ thì triển lãm cá nhân là quan trọng hơn vì nó thể hiện được những tư tưởng và ý đồ của nghệ sĩ.

Anh đoạt rất nhiều giải thưởng, vậy những giải thưởng của anh là do may mắn hay nỗ lực?

Tôi nghĩ rằng tất cả mọi thứ đều có sự kết hợp của hai yếu tố: chắc chắn là phải có khả năng, nhưng sự may mắn cũng rất quan trọng. Nếu Ban Giám khảo thích bức ảnh ấy thì đó là sự may mắn. Nhiều bức ảnh không đoạt giải nhưng chưa chắc họ đã kém mình. Ðiều đó là bình thường trong một cuộc thi. Ðiều quan trọng là mình phải có những dự án dài hơi để nói lên tiếng nói của mình đối với cuộc sống. Ví dụ như tôi thực hiện những dự án "Ðạo và đời", "Tướng trận thời bình" là những dự án dài về cuộc sống đương đại.

Anh tìm kiếm thông tin về các cuộc thi nhiếp ảnh quốc tế như thế nào?

Tôi tìm trên in-tơ-nét. Mỗi năm thế giới có hàng nghìn cuộc thi. Mình phải nghiên cứu kỹ thể lệ và cái "gu" của họ để lựa chọn được những tác phẩm có thông điệp mạnh mẽ...

Anh làm báo trước rồi mới đến với nghệ thuật nhiếp ảnh hay ngược lại?

Thực ra là tôi làm báo trước. Hiện nay tôi vẫn là nhà báo. Nghề báo và nghề ảnh bổ sung cho nhau rất tốt. Có những cái hình ảnh không nói được thì câu chữ nói được. Ngược lại, khi câu chữ bất lực thì hình ảnh lên tiếng. Không có gì tuyệt đối hóa cả.

Anh quan niệm như thế nào về sức mạnh của nhiếp ảnh?

Sức mạnh của nhiếp ảnh là thể hiện được sự thật. Ðó là đối với báo chí. Ðối với nghệ thuật là nó thể hiện được quan điểm của tác giả với xã hội. Thật ra có nhiều phương tiện, nhưng nhiếp ảnh là phương tiện tương đối hữu hiệu.

Một bức ảnh tốt theo anh phải đạt những tiêu chí gì?

Ðó là một bức ảnh phải có tư tưởng. Một bức ảnh chỉ đẹp không thôi thì nó chỉ làm người ta bị bất ngờ về thị giác nhưng không đọng lại bởi vì tư tưởng của tác giả không rõ ràng. Phải làm sao để những bức ảnh làm cho người xem ngạc nhiên, nhìn thấy dấu ấn của tác giả và hiểu được câu chuyện đằng sau bức ảnh ấy.

Anh có thích ảnh lắp ghép hoặc sử dụng kỹ xảo?

Bản thân tôi thì không thích. Nhưng tôi nghĩ mỗi dòng tác phẩm có giá trị riêng của nó. Vấn đề là anh lắp ghép thể hiện ý tưởng như thế nào? Ý tưởng đó có mạnh mẽ không? Bởi vì khi ý tưởng mạnh mẽ và thuyết phục thì người xem sẽ quên đi hình thức thể hiện, mà chỉ quan tâm đến thông điệp của nội dung. Theo tôi, một bức ảnh tốt phải là một bức ảnh có thông điệp xã hội mạnh mẽ và nó làm người xem ngạc nhiên. Nếu như bạn không photoshop thì tốt quá. Nhưng nếu như bạn phải photoshop thì cũng chẳng sao. Nhưng đó là một bước sau rồi. Nếu như làm tốt ngay từ đầu thì có lẽ tốt hơn. 

Anh nghĩ gì về chặng đường sắp tới?

Tôi luôn nghĩ rằng phải giữ được sự đam mê, sự sáng tạo. Làm mới mình là điều khó khăn.

Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này.

Trần Việt Văn là nhiếp ảnh gia Việt Nam đầu tiên và duy nhất cho đến nay ba năm liên tiếp đoạt Giải thưởng nhiếp ảnh Pa-ri, Giải thưởng nhiếp ảnh quốc tế... và hai lần lọt vào danh sách các tác giả được lựa chọn của cuộc thi sáng tạo quốc tế Luân Ðôn (Anh).

Triển lãm cá nhân thứ tám mang tên "Ðứt đoạn và kết nối" của anh đang diễn ra tại 45 Tràng Tiền (Hà Nội), trưng bày 40 tác phẩm khổ lớn, mang tới nhiều cảm giác mới lạ.