Một đời học tập, hành nghề cẩn trọng
Là bạn vong niên của ông trong nhiều năm, từng làm việc dưới quyền ông, khi còn là phóng viên, biên tập viên của Tạp chí Sân khấutừ năm 1977, tôi bàng hoàng không tin ông đã mất đột ngột đến thế. Trong thương tiếc dâng đầy, ký ức tôi tràn ngập nỗi niềm thương nhớ ông. Buổi sáng tọa đàm hôm ấy hóa ra là buổi cuối cùng gặp gỡ giới sân khấu của đạo diễn Đình Quang. Tôi nhớ nhất những phát hiện sắc sảo của ông, giọng nói hùng biện bẩm sinh của ông, với cái nhìn thấu suốt bản chất sự vật, kết quả của phương pháp tư duy đậm phẩm chất tư duy lý thuyết của ông. Ông cho rằng sở dĩ sân khấu hôm nay không còn đối thoại được với công chúng Việt của thế kỷ XXI, bởi các nhà viết kịch đã không còn áp sát đời sống, không đưa được mâu thuẫn và xung đột của chính đời sống vào kịch bản của mình. Mà những mâu thuẫn và xung đột hiện nay đang diễn ra gay gắt hơn bao giờ hết giữa văn hóa sống, văn hóa ứng xử giữa người với người, và đang bị chi phối và thao túng bởi sự phi đạo đức, sự phi nhân tính của cái ác, cái xấu. Bởi vậy, đó chính là những điều sân khấu cần khai thác và phản ánh với đúng bản chất một loại hình nghệ thuật dựa trên ngôn ngữ căn bản là kịch tính cao độ. Nếu nhìn từ ngôn ngữ khởi đầu của vở diễn là kịch bản văn học, sẽ thấy sân khấu kịch hôm nay đang thiếu vắng kịch bản văn học hay. Các nhà viết kịch dường như vẫn đang né tránh những vấn đề lớn, mang tính xung đột đang liên tiếp nảy sinh trong xã hội Việt Nam hiện đại?
Cử tọa của cuộc tọa đàm đồng thuận ngay với ý kiến này của đạo diễn Đình Quang. Từ ý kiến thẳng thắn của ông, và tư duy trên tinh thần "tiên trách kỷ hậu trách nhân", ai cũng thấy ngay ý kiến của ông đã khơi gợi nhiều suy tư cho người sân khấu hôm nay, buộc phải đi tìm những giải pháp căn cơ để sân khấu Việt hiện đại giữ được cuộc đối thoại thường xuyên và cần thiết với người xem thế kỷ XXI.
Thực ra, những ý kiến sắc sảo ấy chính là kết quả của cả một đời ông Đình Quang đã học nghề đạo diễn một cách rất cẩn trọng, bài bản ở các trường sân khấu nước ngoài, chỉ để hành nghề sân khấu ở Việt Nam. Do có vốn liếng Tây học (ông học trường Pháp), sau hòa bình lập lại trên miền bắc, lại được nhà nước cử đi học đạo diễn ở Học viện hí kịch trung ương (Bắc Kinh, Trung Quốc), cùng với Trần Hoạt, Ngô Y Linh, Nguyễn Đình Nghi, ông đã nhanh chóng tiếp cận có hiệu quả với hệ thống sân khấu Nga Sta-nhi-xlap-xki (do những người thầy Trung Quốc học được từ nước Nga Xô-viết mang về giảng dạy tại Học viện hí kịch trung ương (Bắc Kinh). Ông đỗ bằng cử nhân tại Trung Quốc sau bốn năm du học, từ 1954 đến 1959, và trở về Việt Nam, bắt đầu tự nghiên cứu về hệ thống sân khấu xuất sắc này của Sta-nhi-xlap-xki. Và từ đó, trong ông đã hình thành một nhà nghiên cứu sân khấu, song hành với một nhà đạo diễn, song lại nghiêng hẳn về công tác sư phạm, dù ông vẫn thực hành xuất sắc nghề đạo diễn, khi dàn dựng thành công một số vở diễn, từ Kháng chiến chống thực dân Pháp, Kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cho đến đầu thế kỷ XXI: Người anh, Hạt vàng, Anh Trỗi, Tàn đêm(của Tất Đạt), Tuổi 20 (Lưu Trọng Lư), Đại đội trưởng của tôi (Đào Hồng Cẩm), Bệnh sĩ (Lưu Quang Vũ), Người tốt ở Tứ Xuyên (B.Brecht)...
Tiếp tục được nhà nước cử đi học nghề đạo diễn ở châu Âu, ông tốt nghiệp Đại học Humboldt (Đức) với tấm bằng tiến sĩ, sau bốn năm làm nghiên cứu sinh (1968-1972). Trở thành người trọng công việc nghiên cứu giảng dạy, và thực hành nghề đạo diễn dưới ánh sáng của những lý thuyết sân khấu nước ngoài đã được chính mình "Việt hóa", ông mặc nhiên thành người sáng lập và là vị hiệu trưởng đầu tiên của Trường Nghệ thuật sân khấu Việt Nam và sau này, cũng là vị hiệu trưởng đầu tiên của Trường đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội.
Nhiều nghệ sĩ nhân dân của sân khấu Việt Nam hiện đại đã được học nghề từ ông, một nhà sư phạm sân khấu xuất sắc, đó là các NSND: Đoàn Dũng, Thế Anh, Trọng Khôi, Doãn Hoàng Giang, Doãn Châu... và nhiều nghệ sĩ ưu tú khác, như NSƯT Trần Minh Ngọc, Mỹ Dung, Ngọc Hiền, Bích Thu...
Những thành tựu xuất sắc về sư phạm sân khấu, về nghiên cứu và thực hành nghề đạo diễn, Đình Quang đã được Nhà nước và giới sân khấu tưởng thưởng xứng đáng: năm 1993, ông được phong danh hiệu NSND, năm 1984, được học hàm Giáo sư. Và từ 1984 đến 1999, ông giữ trọng trách Thứ trưởng Bộ Văn hóaThông tin...
Điểm tựa văn hóa của sân khấu Việt Nam hiện đại
Song có lẽ, với thế hệ hậu sinh, cái ông để lại lớn nhất cho cuộc đời này là lòng tự trọng của người nghệ sĩ trong việc tự trau dồi một nhân cách và một tinh thần trách nhiệm cao với nghệ thuật sân khấu mà mình đã lựa chọn.
Không hề ngẫu nhiên, ngoài những vở diễn ông đạo diễn thành công, những tên tuổi học trò ông chói sáng, ông đã để lại cho đời những công trình nghiên cứu về văn hóa nghệ thuật đã được in thành sách, trong đó có những cuốn sách về hai phương pháp sân khấu nổi tiếng thế giới, của C.Sta-nhi-xláp-xki (Nga) và của B.Brecht (Đức), mà ông là người viết giới thiệu đầu tiên ở Việt Nam. Ông cũng là người có phát hiện quan trọng về phương pháp sân khấu của B.Brecht, khi ông là người đầu tiên nghiên cứu và minh định chính xác rằng: phương pháp B.Brecht thật gần gũi với sân khấu Việt Nam truyền thống (bởi nguyên tắc gián cách của nó gần với nguyên tắc ước lệ của tuồng chèo, với mục tiêu mỹ học xuyên suốt vở diễn là tác động thẳng vào trí tuệ người xem).
Ông có một phẩm chất ít ai bằng, đó là khả năng tự học và khả năng tự thiết kế cho mình một phương pháp tư duy mang phẩm chất của tư duy lý thuyết, mà không phải ai làm công tác nghiên cứu và làm đạo diễn sân khấu cũng tự thiết lập được cho mình.
Khi thôi làm công tác quản lý, ông lùi về công việc của người nghiên cứu một cách nhẹ nhõm, không vương vấn tục lụy quan trường và tự sắp xếp các cuốn sách nghiên cứu của mình vào một "Tuyển tập Đình Quang" gồm bốn tập: Về sân khấu Việt Nam, 1962, Về sân khấu nước ngoài, 1962, Về văn học nghệ thuật 1995, Về Văn hóa, 1999...
Riêng tôi, nhớ mãi sau buổi tọa đàm hôm ấy, cũng là buổi cuối cùng tôi được trò chuyện cùng ông trong phòng làm việc của NSƯT, đạo diễn Lê Chức suốt hai giờ đồng hồ. Ông khoe ông "lướt nét" mỗi ngày, ông có facebook nhiều người ghé thăm và tán thưởng những nhận xét của ông và rất thích những tạp bút đã xuất bản thành sách của ông. Ông còn hào hứng bảo tôi: Ta sống đến bây giờ đã là lãi lắm so với nhiều bạn bè đồng nghiệp đã mất. Hôm nay vui quá, ta phải uống chút rượu mừng! Rồi ông mời tôi lên ta-xi cùng về, dù nhà tôi ở Ngã Tư Vọng, xa xôi, ngược hướng nhà ông, gần Nhà hát Chèo Kim Mã. Ông bảo chả mấy khi gặp bạn vong niên, thấm thoắt đã mấy mươi năm tình bạn và xui tôi vào facebook của ông mà xem, sẽ có khối cái hay...
Ai ngờ, đấy là lần gặp ông cuối cùng của tôi...