Tọa đàm “Tác nghiệp báo chí về vấn đề bạo hành phụ nữ và trẻ em”

NDO - Ngày 9/9, tại thành phố Hạ Long (Quảng Ninh), Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội và UNESCO tổ chức tọa đàm tác nghiệp báo chí về vấn đề bạo hành phụ nữ và trẻ em.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh buổi tọa đàm tác nghiệp báo chí về vấn đề bạo hành phụ nữ và trẻ em.
Quang cảnh buổi tọa đàm tác nghiệp báo chí về vấn đề bạo hành phụ nữ và trẻ em.

Phát biểu tại tọa đàm, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Thanh Trường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, với vai trò là một trong những trung tâm đào tạo, nghiên cứu hàng đầu của đất nước, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội trong nhiều năm qua đã tổ chức rất nhiều hội thảo, tọa đàm, thực hiện các nghiên cứu, thực hiện các tư vấn chính sách, đóng góp các luận cứ nhằm giải quyết những vấn đề xã hội.

Tọa đàm nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức và tăng cường chất lượng tác nghiệp về vấn đề bình đẳng giới và bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em.

Đây cũng là dịp để các các nhà báo, đại diện các cơ quan báo chí, các nhà khoa học, đào tạo có thể trao đổi về một mối quan tâm chung là làm thế nào để tác nghiệp báo chí về vấn đề bạo hành phụ nữ và trẻ em có thể đóng góp nhiều hơn nữa trong việc ngăn chặn, ứng phó với vấn đề này.

Nhằm ngăn chặn tình trạng “xâm phạm kép” tới đời sống riêng tư của phụ nữ và trẻ em và giảm thiểu những vụ bạo hành mà phụ nữ và trẻ em là nạn nhân, việc nâng cao nhận thức và kỹ năng tác nghiệp cho nhà báo, nhà đào tạo về báo chí truyền thông là một trong những giải pháp cấp thiết.

Ông Christian Manhart, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam chia sẻ, bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái vẫn là một trong những rào cản to lớn nhất trong đấu tranh về bình đẳng giới và phát triển bền vững.

UNESCO ghi nhận sức mạnh không thể phủ nhận của truyền thông trong việc tác động dư luận và kêu gọi các bên liên quan thực hiện những hành động cần thiết.

Do đó, UNESCO tin tưởng rằng các phương tiện truyền thông có thể đóng góp một phần to lớn giải quyết vấn đề nan giải này.

Tọa đàm cũng nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức và tăng cường tác nghiệp về bình đẳng giới và bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em cho các nhà báo trong lĩnh vực báo chí, cũng như các chuyên gia truyền thông tại Việt Nam.