Tọa đàm “Phương án thuế tiêu thụ đặc biệt hướng tới mục tiêu Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030”

NDO - Ngày 18/10, Truyền hình Quốc hội Việt Nam tổ chức tọa đàm đối thoại chính sách với chủ đề “Phương án thuế tiêu thụ đặc biệt hướng tới mục tiêu Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030”.
Toàn cảnh tọa đàm.
Toàn cảnh tọa đàm.

Chương trình có sự tham dự của các diễn giả là đại biểu Quốc hội, đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nhà quản lý, các chuyên gia y tế, chuyên gia kinh tế, nhằm thảo luận và đề xuất các giải pháp chính sách thuế hiệu quả để giảm thiểu tác hại của thuốc lá.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Tổng Giám đốc Truyền hình Quốc hội Việt Nam Lê Quang Minh cho biết, nhằm giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá, tỷ lệ tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá, giảm bệnh tật và tử vong do sử dụng các sản phẩm thuốc lá gây ra, ngày 24/5/2023, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 568/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030.

Chiến lược đặt mục tiêu đến năm 2025, giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nhóm nam từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 39%; nhóm nữ từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 1,4%. Đến năm 2030, giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nhóm nam từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 36 %; nhóm nữ từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 1%. Đồng thời, yêu cầu: “Xây dựng lộ trình tăng thuế đối với các sản phẩm thuốc lá đảm bảo đến năm 2030 mức thuế đạt tỷ trọng trên giá bán lẻ theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)” và giao Bộ Tài chính “Chủ trì, phối hợp Bộ Y tế và các Bộ, ngành liên quan xây dựng lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các sản phẩm thuốc lá để đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá của Chiến lược”.

Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) được Quốc hội cho ý kiến lần đầu trong Kỳ họp tháng 10/2024 và xem xét thông qua vào tháng 5/2025. Ý kiến của các diễn giả trong tọa đàm này sẽ là nguồn thông tin hết sức hữu ích với các đại biểu Quốc hội, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra trong quá trình hoàn thiện và xem xét thông qua dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) trong thời gian tới.

Tại Tọa đàm, các chuyên gia, nhà khoa học đã trình bày các tham luận về: Tác hại thuốc lá, thực trạng sử dụng thuốc lá hiện nay, nguy cơ không đạt được mục tiêu của Chiến lược; Những thách thức mới đặt ra trong việc phòng chống tác hại thuốc lá và thực thi Chiến lược; Tình trạng báo động sử dụng thuốc lá ở trẻ em tại Việt Nam; Thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá - kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị với Việt Nam để đạt mục tiêu của Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030”.

Thạc sĩ Lê Thị Thu, chuyên gia của Tổ chức Chiến dịch vì trẻ em không thuốc lá tại Việt Nam trao đổi về tình trạng báo động sử dụng thuốc lá ở trẻ em tại Việt Nam. Tại Việt Nam, trẻ em dễ bị bắt đầu hút thuốc và không có khả năng bảo vệ mình khỏi phơi nhiễm với khói thuốc thụ động đặc biệt là ở trẻ nhỏ, cho nên cần những giải pháp chính sách để bảo vệ. Thuế là biện pháp kiểm soát thuốc lá hiệu quả nhất. Thuế thuốc lá là giải pháp quan trọng trong giảm tiêu dùng thuốc lá, nhưng các lần điều chỉnh/tăng thuế ở Việt nam chưa đủ mạnh để giảm tiêu dùng theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới .

Tọa đàm “Phương án thuế tiêu thụ đặc biệt hướng tới mục tiêu Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030” ảnh 1
Đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn Đại biểu quốc hội thành phố Hà Nội phát biểu.

Dưới góc nhìn của đại biểu Quốc hội, GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội Việt Nam đồng tình với nhiều ý kiến tại Tọa đàm và nhấn mạnh tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe con người, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá là cần thiết.

Đại biểu Hoàng Văn Cường cũng khẳng định, mức thuế tiêu thụ đặc biệt ở Việt Nam đang thấp hơn nhiều quốc gia trên thế giới, trong khi đó chính sách về thuế rất quan trọng góp phần giảm tỷ lệ tiêu thụ thuốc lá và tác hại thuốc lá đối với sức khỏe người dân. Cùng với việc triển khai các giải pháp tổng thể nhằm giảm số người tiêu thụ thuốc lá, đại biểu đề nghị tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng này, nhằm thay đổi nhận thức và hành vi của người dân.

Đồng thời, đại biểu cho biết, cần đánh giá đầy đủ tác động của chính sách thuế đối với người tiêu dùng, doanh nghiệp sản xuất và người lao động để có chính sách phù hợp điều kiện thực tiễn ở Việt Nam.

Phát biểu tại tọa đàm, bà Angela Pratt, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới đánh giá cao những gì Việt Nam đã đạt được trong cuộc chiến phòng chống tác hại của thuốc lá trong thập kỷ qua. Tuy nhiên, tỷ lệ hút thuốc lá cao đang đe dọa khả năng của Việt Nam trong việc đạt được các mục tiêu của Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Bà Angela Pratt cho rằng, một trong những lý do khiến tỷ lệ hút thuốc lá cao ở nam giới Việt Nam (hơn 40%) là do giá thuốc lá cực kỳ rẻ, và nguyên nhân là vì thuế rất thấp. Giá và thuế thuốc lá ở Việt Nam cũng thuộc hàng thấp nhất trong khu vực ASEAN.

Trong khi đó, trên thế giới, khoảng 60 quốc gia hiện đang áp thuế từ 70% trở lên trong giá bán lẻ, phù hợp hoặc rất gần với thông lệ tốt nhất được WHO khuyến nghị là thuế chiếm ít nhất 75% giá bán lẻ.

Vì vậy, bà Angela Pratt khuyến nghị, cần hành động mạnh mẽ hơn - thông qua việc tăng thuế cao hơn - để đạt được các mục tiêu của Chính phủ về giảm hút thuốc, và biện pháp này sẽ giúp bảo vệ sức khỏe và cứu nhiều mạng sống. Áp dụng thuế thuốc lá cao hơn sẽ bảo vệ nguồn lực quý giá nhất của Việt Nam, sức khỏe của người dân và qua đó sẽ giúp hiện thực hóa khát vọng của quốc gia về một tương lai khỏe mạnh và thịnh vượng hơn.

Tọa đàm “Phương án thuế tiêu thụ đặc biệt hướng tới mục tiêu Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030” ảnh 2

Các đại biểu tham dự tọa đàm.

Theo các chuyên gia, trong Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), cơ quan chủ trì soạn thảo đề nghị tăng thuế suất với mặt hàng thuốc lá để góp phần điều tiết tiêu dùng và thực hiện cam kết quốc tế. Cụ thể, mặt hàng thuốc lá sẽ giữ nguyên thuế suất 75% và bổ sung mức thuế tuyệt đối theo lộ trình từng năm trong giai đoạn từ 2026-2030 với hai phương án. Hai phương án này dù được đánh giá là bước đi đúng hướng, tuy nhiên, để đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ hút thuốc của Chiến lược quốc gia về phòng chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030 cần phải có thêm những giải pháp mạnh mẽ hơn nữa.

Khói thuốc chứa 7.000 chất hóa học 69 chất gây ung thư, là nguyên nhân gây ra 8 triệu ca tử vong/năm trên thế giới và 100.000 ca tử vong/năm tại Việt Nam; Việt Nam nằm trong 10 nước có số người sử dụng thuốc lá cao nhất thế giới. Tuy nhiên, giá thuốc lá ở nước ta thấp so với các quốc gia châu Á Thái Bình Dương và các quốc gia trên thế giới, trong khi đó thuế thuốc lá Việt Nam tính theo phần trăm giá bán lẻ rất thấp (36%); các lần điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá thấp, tăng không thường xuyên, khoảng cách tăng giữa các lần xa.

Vì vậy, chuyên gia khuyến nghị, bên cạnh thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống tác hại thuốc lá, cần chú trọng các giải pháp tăng thuế thuốc lá - giải pháp hiệu quả nhất trong các nhóm giải pháp theo hướng áp thuế hỗn hợp, mức thuế tăng để đạt được khuyến cáo 75% giá bán lẻ và tăng thường xuyên để theo kịp với mức tăng lạm phát và tăng thu nhập.

Các chuyên gia tham dự tọa đàm cũng trình bày các tham luận và thảo luận về tác động của các phương án tăng thuế như: Xu hướng áp thuế tiêu thụ đặc biệt của các quốc gia trên thế giới và khuyến nghị đối với Việt Nam; Tăng thuế có ảnh hưởng buôn lậu thuốc lá và những khuyến nghị chính sách đối với Việt Nam?; Sự hài hòa lợi ích Nhà nước - doanh nghiệp - người dân trong việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá…