Nghĩa cử cao đẹp tri ân liệt sĩ

Trong những nỗ lực xã hội hóa triển khai công tác “đền ơn, đáp nghĩa” tại huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh), nổi bật có việc xây dựng các nhà thờ cho các liệt sĩ không còn người thân, không có nơi thờ tự.
0:00 / 0:00
0:00
Nhà thờ liệt sĩ Nguyễn Văn Thiết ở xã Hộ Độ (Lộc Hà) được xây dựng khang trang.
Nhà thờ liệt sĩ Nguyễn Văn Thiết ở xã Hộ Độ (Lộc Hà) được xây dựng khang trang.

1/Nhà thờ liệt sĩ Phan Văn Mạch (xã Tân Lộc) là một trong những công trình được xây dựng đầu tiên khi có chủ trương của Thường trực Huyện ủy. Liệt sĩ Phan Văn Mạch hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, không còn người thân, chỉ còn đất đai của bố mẹ để lại. Hưởng ứng lời kêu gọi của lãnh đạo huyện Lộc Hà, ông Nguyễn Văn Sửu, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tư vấn đầu tư và xây dựng miền Trung đã tài trợ toàn bộ vật tư, ngày công để xây nơi thờ tự liệt sĩ Phan Văn Mạch. Ông Sửu còn tài trợ kinh phí để cùng nhân dân địa phương xây dựng nơi thờ tự liệt sĩ Hồ Lệ (xã Ích Hậu), hy sinh trong kháng chiến chống Pháp.

Ông Sửu tâm sự: “Tôi có người thân là liệt sĩ nên khi thấy các anh không có nơi thờ tự, tôi thôi thúc mình phải có sự đóng góp để tri ân công lao của các anh. Tôi mong việc làm của mình sẽ lan tỏa để có thêm nhiều nhà hảo tâm khác chung tay trong phong trào đền ơn, đáp nghĩa, giáo dục truyền thống tốt đẹp cho các thế hệ sau”.

Còn tại xã Thạch Châu, với nỗ lực của cấp ủy, chính quyền huyện và cá nhân ông Trần Thanh Bình, một người con quê hương về sinh sống tại địa phương, nơi thờ tự liệt sĩ Phan Thanh Lưu (hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ) đã được xây dựng với gần 150 triệu đồng. “Liệt sĩ Phan Thanh Lưu có hoàn cảnh rất đặc biệt, bố mẹ mất sớm, 2 em gái cũng đã mất, còn lại 1 em gái lấy chồng vào miền Tây Nam Bộ nên không có ai thờ tự. Việc hương khói giao cho một người cháu con chú. Là một người lính, người đồng đội với liệt sĩ nên tôi hết sức trăn trở về điều này. Sau khi nghỉ hưu về sinh hoạt tại địa phương, tôi đã xin phép chi bộ được huy động xã hội hóa để xây dựng nơi thờ tự cho liệt sĩ”, ông Trần Thanh Bình chia sẻ.

2/Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Lộc Hà Nguyễn Ngọc Thạch cho biết, từ cuối năm 2021 đến nay, địa phương đã xây dựng được 11 nhà thờ liệt sĩ với kinh phí từ 150-200 triệu đồng/nhà để xóm làng, dòng họ chăm lo, hương khói, thờ tự trong ngày giỗ chạp, ngày lễ lớn của dân tộc.

Cấp ủy, chính quyền huyện Lộc Hà đã nỗ lực liên hệ, kêu gọi sự ủng hộ của các doanh nghiệp trên địa bàn, con em xa quê. Thông qua các đợt gặp mặt hội đồng hương ở các tỉnh, thành phố hoặc mỗi dịp Tết, lễ hội khi có đông đảo con em trở về, lãnh đạo huyện đều kêu gọi nguồn lực để xây dựng nơi thờ tự cho các liệt sĩ. Chính quyền các địa phương còn kêu gọi sự hỗ trợ về vật chất và ngày công từ các dòng họ, nhân dân trong thôn, xóm và các đoàn thể chính trị xã hội.

Theo Chủ tịch UBND xã Hộ Độ Trương Bá Khanh, ngoài việc kiến tạo nơi thờ tự, địa điểm giáo dục truyền thống cách mạng nghiêm trang, đàng hoàng, phong trào vận động nguồn lực xã hội hóa để xây dựng nhà thờ cho các liệt sĩ càng cũng cố bền chặt niềm tin của người dân về đạo lý “uống nước nhớ nguồn” mà cấp ủy, chính quyền các địa phương đang ra sức thực hiện. “Chúng tôi thấy rằng, cần phải quan tâm hơn nữa, nhân rộng hơn nữa những việc làm đền ơn, đáp nghĩa. Đây cũng chính là sự kế tục và phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc ta”, Bí thư Huyện ủy Lộc Hà Nguyễn Thế Hoàn khẳng định.