Khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm

Tỉnh Đồng Nai luôn xác định nhất quán phương châm “chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp”, theo đó, yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính công khai, minh bạch, nhanh chóng trên tinh thần thượng tôn pháp luật. Tuy nhiên, thực tế trong quá trình thực thi nhiệm vụ, một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn đùn đẩy, làm chưa hết trách nhiệm hoặc không dám làm.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân, doanh nghiệp đến làm thủ tục hành chính tại Trung tâm hành chính công thành phố Biên Hòa, Đồng Nai.
Người dân, doanh nghiệp đến làm thủ tục hành chính tại Trung tâm hành chính công thành phố Biên Hòa, Đồng Nai.

Khi doanh nghiệp phản ánh công khai việc “ngâm hồ sơ” kéo dài thì ngành chức năng lại đổ lỗi cho nhau, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, cản trở sự phát triển kinh tế-xã hội. Do đó, chỉ số xếp hạng cải cách hành chính (PAR index) của Đồng Nai những năm gần đây liên tục thuộc nhóm thấp nhất cả nước cũng là điều dễ hiểu.

Doanh nghiệp bức xúc

Tại buổi đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh Đồng Nai với hơn 300 doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên địa bàn vừa qua, đại diện Công ty TNHH phát triển khu công nghiệp Long Bình (Công ty Long Bình) trực tiếp phản ánh hồ sơ liên quan đến lĩnh vực tài nguyên môi trường, thuế của đơn vị đã bị “ngâm” quá lâu, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tưởng chừng đại diện hai ngành này ngồi lại cùng cầu thị ghi nhận, tháo gỡ, nhưng bất ngờ lãnh đạo hai đơn vị này lập tức công khai đổ lỗi cho nhau ngay tại diễn đàn.

Khi doanh nghiệp phản ánh công khai việc “ngâm hồ sơ” kéo dài thì ngành chức năng lại đổ lỗi cho nhau, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, cản trở sự phát triển kinh tế-xã hội. Do đó, chỉ số xếp hạng cải cách hành chính (PAR index) của Đồng Nai những năm gần đây liên tục thuộc nhóm thấp nhất cả nước cũng là điều dễ hiểu.

Lãnh đạo Cục Thuế Đồng Nai cho rằng, nguyên nhân chậm giải quyết hồ sơ của doanh nghiệp trên là do phía Sở Tài nguyên và Môi trường chuyển thiếu thông tin sang cơ quan thuế. Hiện đơn vị đã chuyển hồ sơ ngược lại đề nghị Văn phòng Đăng ký đất đai bổ sung theo quy định.

Phản bác lại điều này, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường viện dẫn, theo quy định sau 5 ngày chuyển hồ sơ, Cục Thuế phải có ý kiến trả lời, nhưng nhiều sự việc phải chờ hai đến ba tháng mới nhận được nội dung phản hồi.

Trước sự việc này, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đã yêu cầu rà soát quy trình thủ tục một cửa, xem xét trách nhiệm chậm trễ thuộc về đơn vị nào để chấn chỉnh, giải quyết kịp thời.

Khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm ảnh 1

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh (bên trái) trao đổi với các nhà đầu tư vào tỉnh.

Đi sâu tìm hiểu trường hợp xử lý hồ sơ này, chúng tôi được biết: Sau khi tiếp nhận hồ sơ xác định nghĩa vụ tài chính của Công ty Long Bình từ Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh (Sở Tài nguyên và Môi trường), Cục Thuế Đồng Nai phát hiện bảng kê thông tin tài sản gắn liền không thể hiện rõ. Do đó, để có cơ sở xác định nghĩa vụ tài chính với Công ty Long Bình, ngày 13/3, Cục Thuế đã có văn bản đề nghị Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh cung cấp thông tin cụ thể và đến nay, Cục Thuế vẫn chưa nhận được phản hồi. Còn phía Sở Tài nguyên và Môi trường, sau khi nhận được văn bản của Cục Thuế, sau 13 ngày, tức ngày 26/3, Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh mới có văn bản gửi Sở Xây dựng đề nghị có ý kiến về các nội dung liên quan thuộc thẩm quyền, làm cơ sở để cung cấp cho Cục Thuế xác định nghĩa vụ tài chính.

Đáng nói, đây không phải là trường hợp cá biệt doanh nghiệp gặp khó trong quá trình làm thủ tục hành chính tại cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai.

Đại diện một công ty kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp hàng đầu ở khu vực Đông Nam Bộ đặt vấn đề: Tại sao cùng thủ tục, nhưng khi làm hồ sơ ở tỉnh Bình Dương hay Bà Rịa-Vũng Tàu lại được tạo điều kiện thuận lợi, giải quyết nhanh để xây dựng và đưa nhà máy vào hoạt động. Trong khi đó, tại Đồng Nai, hơn một năm nay, thủ tục vẫn chưa xong, thậm chí cơ quan chức năng không giải quyết. Tương tự, một doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp ở huyện Trảng Bom cũng nêu hàng loạt vấn đề bất cập và cho biết ít nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ chính quyền địa phương trong thực hiện thủ tục bồi thường, giải phóng mặt bằng để mở rộng diện tích khu công nghiệp, khiến công việc này kéo dài suốt 25 năm qua và đến nay cũng chưa xong. Doanh nghiệp đã dành rất nhiều thời gian, công sức phối hợp, nhưng quá trình thực hiện các thủ tục ở chính quyền cấp huyện rất nhiêu khê, trong khi đó, cách thức hướng dẫn của sở chuyên ngành còn mang tính chung chung, khó hiểu. Chủ doanh nghiệp này than vãn: “Khi chúng tôi đeo bám, gửi văn bản, gọi điện thoại và kể cả nhắn tin đến lãnh đạo hỏi về tiến độ xử lý hồ sơ thì nhận được câu trả lời “cứ chờ”, nhưng không biết chờ đến bao giờ. Nhiều lúc doanh nghiệp bế tắc, không biết than cùng ai, buộc lòng gặp lãnh đạo tỉnh để phản ánh, hy vọng công việc được giải quyết, cho dù có thể làm mất lòng ai đó, nhưng cũng không còn cách nào khác”.

Cần bắt đầu từ đội ngũ cán bộ

Trước những kiến nghị xác đáng của các doanh nghiệp, đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai đã nhiều lần chỉ đạo các ngành, địa phương liên quan phải tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư, giải quyết các thủ tục phải công khai, minh bạch, vận dụng đúng quy định với thời gian nhanh nhất. “Giải quyết được nguyện vọng của doanh nghiệp hay không thì phải trả lời dứt khoát, chứ không có chuyện kéo dài nhiều năm. Trường hợp cần thiết phải thay đổi nhân sự, kể cả vị trí lãnh đạo đơn vị để kịp thời giải quyết các vướng mắc. Không chấp nhận để xảy ra việc nhận nhiệm vụ xong, rồi bỏ đó”, đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh nhấn mạnh.

Việc giải quyết thủ tục hành chính ở Đồng Nai còn vướng mắc, phiền hà, khiến doanh nghiệp than phiền khá nhiều. Vì thế không lấy gì làm khó hiểu khi chỉ số xếp hạng cải cách hành chính (PAR index) năm 2022 được Bộ Nội vụ công bố, tỉnh Đồng Nai chỉ đạt 82,92% điểm, đứng thứ 51/63 địa phương. Thời gian gần đây, tình hình cũng chưa có nhiều chuyển biến, cải thiện.

Người đứng đầu Đảng bộ tỉnh Đồng Nai từng trăn trở, bộc bạch tại một hội nghị năm 2023 rằng, lãnh đạo tỉnh cảm thấy xấu hổ khi một tỉnh phát triển công nghiệp hàng đầu cả nước nhưng chỉ số cải cách hành chính lại đứng nhóm cuối bảng.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Xuất, nhập khẩu Đồng Nai Nguyễn Duy Hưng bày tỏ: “Đồng Nai đang đứng trước vận hội rất lớn để phát triển kinh tế-xã hội, nhất là thu hút đầu tư từ các công ty, tập đoàn hàng đầu trên thế giới. Để tận dụng cơ hội, chính quyền các cấp cần đẩy mạnh hơn nữa cải cách các thủ tục hành chính theo hướng đơn giản nhất và xây dựng được đội ngũ cán bộ thật sự liêm chính, phục vụ người dân, doanh nghiệp”.

Thạc sĩ Lê Hoài Nam (Khoa Lý luận chính trị, Trường đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng: Cán bộ không chịu làm, không dám đứng ra nhận trách nhiệm công việc, thì nên cho nghỉ việc. Điều này nằm ở đạo đức của người cán bộ. Đơn cử như ở Thành phố Hồ Chí Minh, các đơn vị sự nghiệp thực hiện thủ tục hành chính rất nhanh, hiệu quả vì có bảng đánh giá mức độ hài lòng của nhân dân, doanh nghiệp về thái độ, chất lượng giải quyết hồ sơ của cán bộ công chức, viên chức.

Khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm ảnh 2

Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai trao đổi với doanh nghiệp FDI.

Quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức thẳng thắn nhìn nhận, tình trạng trả hồ sơ, giải quyết hồ sơ còn kéo dài, dẫn đến người dân và doanh nghiệp phản ánh đến Tổng đài 1022 và Cổng dịch vụ công quốc gia. Nguyên nhân được xác định là do công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc nhiệm vụ giải quyết thủ tục hành chính chưa quyết liệt; trách nhiệm của một bộ phận cán bộ công chức, viên chức trong giải quyết hồ sơ chưa cao, thậm chí đùn đẩy trách nhiệm, không dám làm, cho nên trễ hẹn trả hồ sơ.

Công tác phối hợp giữa các sở, ngành, ủy ban nhân dân cấp huyện, cơ quan ngành dọc (thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội...), giữa cán bộ, công chức, viên chức trong nội bộ đơn vị chưa thông suốt. Trong khi đó, khâu kiểm tra, giám sát, thanh tra công vụ tại một số nơi chưa hiệu quả, chế tài xử lý chưa đủ nghiêm khắc, răn đe...

Để kịp thời chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính, người đứng đầu chính quyền tỉnh yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông; kiên quyết điều chuyển, thay thế vị trí đối với những trường hợp cán bộ năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm để trì trệ và không đáp ứng yêu cầu công việc được giao.

Phó Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Quốc Vũ cho biết: Năm 2024, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính tỉnh chú trọng kiểm tra việc thực hiện cải cách hành chính của các địa phương, đơn vị, nhất là trách nhiệm của công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước. Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước cấp ủy đảng và cấp trên về điều hành công tác cải cách hành chính thì mới phát huy hiệu quả. Đồng thời, tỉnh sẽ tăng cường gặp gỡ, đối thoại với người dân, doanh nghiệp để lắng nghe, tiếp nhận ý kiến, từ đó điều chỉnh phù hợp, thể hiện chính quyền thực sự phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Để không còn tái diễn nghịch lý mà nhiều người ví von “trên trải thảm, dưới rải đinh”, không còn cách nào khác, hệ thống chính trị tỉnh Đồng Nai phải tích cực vào cuộc đồng bộ “dọc ngang thông suốt”, hành động quyết liệt, nói đi đôi với làm. Chỉ có như vậy, vùng đất này mới có thể đón bắt, khai thác tốt lợi thế và không bỏ lỡ cơ hội rất lớn từ Sân bay quốc tế Long Thành cũng như các dự án giao thông trọng điểm quốc gia trên địa bàn đang triển khai, từ đó góp phần kiến tạo không gian phát triển mới, bứt phá nâng cao tầm vóc của tỉnh.