Đây là sự kiện quốc tế với sự tham gia của các quốc gia thành viên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong đó có Việt Nam. Dự kiến, tại COP10 kỳ này, đoàn Việt Nam sẽ cùng các nước bạn chia sẻ quan điểm quốc gia về các vấn đề liên quan đến cả thuốc lá điếu và thuốc lá mới, dòng sản phẩm nhận được nhiều sự quan tâm của Chính phủ, Bộ ngành và xã hội trong những năm gần đây.
Sự tham gia đóng góp ý kiến của các Bộ, ngành liên quan để xây dựng quan điểm quốc gia là tối quan trọng, nhằm bám sát mục tiêu cao nhất là bảo vệ sức khỏe cộng đồng, kể cả người hút thuốc. Từ cơ sở này, Việt Nam được kỳ vọng sẽ sớm đạt được hiệu quả trong các mục tiêu đề ra, đặc biệt trong bối cảnh tỷ lệ tử vong do hút thuốc lá điếu không giảm và vẫn chưa có giải pháp nào đạt được kỳ vọng.
Sự tham gia liên bộ giúp kết hợp hài hòa các giải pháp kiểm soát thuốc lá
Kể từ Hội nghị COP6 năm 2014, Bộ Y tế đã được Chính phủ chỉ đạo làm Trưởng đoàn tham gia vào các kỳ COP. Bên cạnh trưởng đoàn là Thứ trưởng Bộ Y tế còn có sự tham gia của các cán bộ nòng cốt đại diện Vụ Pháp chế, Vụ Hợp tác quốc tế, Cục Quản lý Khám chữa bệnh và Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá. Trong đó, Vụ Pháp chế với chức năng tham mưu pháp lý sẽ giúp lãnh đạo Bộ thực hiện quản lý Nhà nước bằng pháp luật trong lĩnh vực y tế và tổ chức thực hiện công tác pháp chế trong ngành y tế. Do vậy, Vụ Pháp chế đóng vai trò trọng yếu trong phái đoàn, có nhiệm vụ ghi nhận những chuyển biến quan trọng về mặt pháp lý, các chính sách kiểm soát thuốc lá trên toàn cầu cũng như những khuyến nghị từ WHO, các tổ chức y tế quốc tế khác, cũng như kinh nghiệm quản lý thực tiễn từ các quốc gia.
Bên cạnh đó, đoàn còn có sự tham gia liên bộ bao gồm Bộ Công thương, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch, Bộ Giáo dục - Đào tạo, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn… Điều này nhằm mục đích phản ánh đầy đủ mọi khía cạnh liên quan đến thuốc lá, xây dựng một tiếng nói thống nhất, toàn diện của quốc gia cũng như giúp Chính phủ có căn cứ quản lý dựa trên sự cân bằng, hài hòa và đem lại lợi ích cho quốc gia và các chủ thể liên quan.
Trong những năm gần đây, Việt Nam bắt đầu chứng kiến sự mất cân đối giữa thuốc lá mới và thuốc lá điếu trên thị trường. Hiện nay, trong khi thuốc lá điếu chịu sự kiểm soát của Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá 2012 thì thuốc mới vẫn còn trôi nổi tại thị trường chợ đen gần 10 năm qua. Trong thời gian này, các bộ ngành liên quan đã không ngừng đề xuất giải pháp kiểm soát mặt hàng này, nhưng đến nay vẫn chờ thống nhất quan điểm chung. Do mất nhiều năm xây dựng hành lang pháp lý nên hệ lụy dễ thấy là thị trường chợ đen ngày càng sôi nổi, biến tướng, để lại nhiều vấn nạn cho xã hội.
Đoàn Việt Nam với Trưởng đoàn là Thứ trưởng Bộ Y Tế cùng đại diện Vụ Pháp chế, Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Vụ Hợp tác Quốc tế và các Bộ, ngành liên quan tại COP 7, năm 2016 (Nguồn: Báo Sức Khỏe Đời Sống) |
Nhiều năm qua, Việt Nam đã ghi nhận hơn chục cuộc hội thảo lấy ý kiến các Bộ, ngành về vấn đề thuốc lá mới. Các sự kiện này đều có chung một kết luận: Kiểm soát thuốc lá mới đã trở thành câu chuyện chung, đòi hỏi sự hợp tác liên ngành của các cấp quản lý từ trung ương tới địa phương. Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công thương đã thể hiện vai trò chủ quản ngành của mình, tuy nhiên vẫn cần sự phối hợp nhịp nhàng giữa Bộ Y tế, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học - Công nghệ… để sớm đi đến kết luận trước thềm COP10.
Mục tiêu giảm tỷ lệ tử vong do hút thuốc lá điếu cần được ưu tiên cao nhất
Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, bà Angela Pratt cảnh báo: Mỗi năm, tại Việt Nam, có ít nhất 40.000 người tử vong vì thuốc lá. Do đó, cần sớm hành động để tối thiểu hóa con số này, bằng cách đặt mục tiêu giảm 30% tỷ lệ hút thuốc vào năm 2030.
Trước thực trạng này, các chuyên gia y tế kiến nghị các cơ quan chức năng cân nhắc đến những giải pháp giảm tác hại, được ghi nhận là có tiềm năng giúp giảm tiêu thụ thuốc lá điếu.
Điển hình, Nhật Bản đã bắt đầu quản lý các sản phẩm thuốc lá mới, như thuốc lá làm nóng (TLLN), từ năm 2014. Sau đó 5 năm, doanh số bán thuốc lá điếu truyền thống tại Nhật giảm đến 34%, lượng thuốc lá tiêu thụ nói chung giảm đến 44%, vượt chỉ tiêu 14% so với mục tiêu 30% mà WHO đề ra.
Còn tại Thụy Điển, theo số liệu từ Cơ quan Y tế Công cộng nước này, tỷ lệ người hút thuốc lá điếu giảm sâu đến mức 5,8% vào năm 2022, dự kiến sẽ còn tiếp tục giảm còn 5% trước 2030, biến Thụy Điển trở thành quốc gia không khói thuốc đầu tiên trong lịch sử nhân loại. Thành công này là nhờ chính phủ đã sớm dùng luật hiện hành để hợp pháp hóa thuốc lá ngậm snus từ nhiều thập kỷ. Đây là một sản phẩm thuốc lá mới có hàm lượng chất gây hại thấp hơn, được Thụy Điển cung cấp cho riêng người hút thuốc trưởng thành.
Sớm có biện pháp kiểm soát thuốc lá thế hệ mới
Từ các dữ liệu đời thực cho thấy, các chuyên gia cho rằng Việt Nam có thể xem xét đến nhiều hướng tiếp cận khác nhau tương tự như các quốc gia đi trước nhằm giảm tiêu thụ thuốc lá điếu cũng như tỷ lệ tử vong do hút thuốc lá. Tuy không có giải pháp nào là tốt nhất, nhưng thay vì áp đặt người hút thuốc chỉ có một lựa chọn "cai thuốc hoặc chết", thì cần cho họ những giải pháp giảm tác hại cho những người chưa cai được để tiến dần đến cai thuốc.