Tính đến thời điểm này người dân trong xã bị thiệt hại nặng về tài sản, hoa màu, lương thực. Hiện tại, người dân đang thiếu nhu yếu phẩm, quần áo, vật dụng nhà bếp để nấu ăn và thiếu cả chỗ ngủ, nghỉ do các không gian công cộng như nhà văn hóa, trường học cũng bị ngập. Nhiều đoàn từ thiện, nhiều nguồn lực đang dồn về sẻ chia khó khăn với người dân vùng lũ, nhưng tình hình vẫn rất đáng lo ngại.
Xã Quang Vinh có 531 gia đình, với 2.457 người thuộc ba dân tộc: Tày, Nùng, H’Mông. Người cao tuổi trong xã cho biết, đã 38 năm, kể từ trận lụt lịch sử năm 1986 ở Cao Bằng, đến nay, xã lại bị ngập lụt nặng. Năm nay, do lượng mưa quá lớn, lượng nước dồn về nhiều, nơi ngập sâu nhất trong xã từ 15 đến 20m.
Anh Sầm Văn Vinh ở xóm Lũng Nà cho biết: “Trước ngày 23/8, thấy lượng mưa lớn, nước mấp mé nhà, tôi đã cho vợ con sơ tán sang nhà họ hàng ở để tránh lũ. Đến chiều 23/8, nước bắt đầu tràn vào nhà, tôi di chuyển đồ đạc, tài sản đến nơi an toàn. Nhưng đến tối cùng ngày, nước lũ dồn về nhiều, trong nhà còn khoảng sáu tấn ngô không kịp di chuyển, bị nhấn chìm trong nước lũ”.
Khác với gia đình anh Sầm Văn Vinh, gia đình chị Nông Thị Thắng, xóm Lũng Nà thì chỉ kịp đưa một con trâu, 15 con lợn của gia đình đến địa điểm an toàn; còn toàn bộ quần áo, máy bừa, tủ lạnh, bếp ga, máy lọc nước, cặp sách, sách vở của hai con cùng đồ dùng sinh hoạt của gia đình đã bị nhấn chìm trong nước lũ; gần 100 con gà, con ngan của gia đình đã bị nước lũ cuốn trôi. Hiện tại cả gia đình chị Thắng phải đi ở nhà của người hàng xóm.
Đồng chí Hoàng Văn Xuyến, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã Quang Vinh cho biết, xã đã huy động 880 lượt lực lượng tại chỗ giúp người dân di dời đến nơi an toàn, di chuyển tài sản, lương thực ra khỏi vùng lũ. Tuy nhiên, do nước lũ lên nhanh cho nên nhiều hộ bị thiệt hại nặng. Trong đó, gia đình anh Sầm Văn Rén, ở xóm Lũng Nà có một máy cày, hai xe máy bị nước nhấn chìm, chín con lợn bị nước cuốn trôi.
Đồng chí Xuyến cho biết thêm, có khoảng 50% số người dân trong xã đang thiếu lương thực, thực phẩm, nước sinh hoạt, quần áo, đồ dùng sinh hoạt. Theo thống kê chưa đầy đủ của Ủy ban nhân dân xã Quang Vinh, có 60 căn nhà, ba trường học tại địa phương bị ngập sâu, ảnh hưởng lớn đến tiến độ chuẩn bị năm học mới.
Nhiều tài sản của người dân, lương thực, đồ dùng sinh hoạt, gia súc, gia cầm bị nước lũ cuốn trôi. Nhiều gia đình phải lên bìa rừng, che bạt làm lán để ở tạm, người dân rất thiếu thực phẩm, đồ dùng sinh hoạt.
Thiếu tá Nông Khánh Hội, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Trùng Khánh cho biết, từ ngày 24/8 đến nay, sáu cán bộ, chiến sĩ đơn vị đã có mặt, túc trực, làm bè, mảng, giúp người dân di dời và vận chuyển tài sản đến nơi an toàn; vận chuyển thực phẩm, nước uống cho những gia đình bị nước lũ cô lập. Từ ngày 26/8, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Cao Bằng tăng cường một xuồng máy, việc vận chuyển người, đồ dùng di chuyển nhanh hơn, đến được nhiều nơi để giúp đỡ người dân vùng lũ.
Những ngày qua, nhiều người đã đóng góp, ủng hộ, nhiều đoàn từ thiện đã đến sẻ chia với người dân xã Quang Vinh. Chị Trương Thị Minh Hậu, Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại, dịch vụ và du lịch Bản Giốc-Quây Sơn chia sẻ: “Đến sáng 28/8, tôi đã kết nối, huy động được 1,2 tấn gạo, 50 thùng nước, 45 kg muối vừng hỗ trợ người dân vùng lũ. Tôi đang chuẩn bị 60 phần quà hỗ trợ 60 gia đình bị ngập nhà ở”. Anh Lù Văn Tân, ở xóm Khuổi Ky, xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh cho biết, chiều 27/8, một xe tải và ba xe bán tải trong Team Trùng Khánh đã chở quần áo, mì ăn liền, bánh mì, gạo, muối, nước mắm, dầu ăn… đến hỗ trợ người dân vùng lũ.
Theo đồng chí Chung Văn Bào, Bí thư Đảng ủy xã Quang Vinh, đến chiều 27/8, cấp ủy, chính quyền huyện và các đoàn từ thiện đã hỗ trợ nhu yếu phẩm, đồ dùng trị giá khoảng 400 triệu đồng cho người dân trong xã. Nhưng địa phương vẫn còn mối lo trước mắt và lâu dài. Trước mắt, là việc ăn, nghỉ, sinh hoạt của người dân; còn về lâu dài là sản xuất của người dân bị ảnh hưởng, lương thực bị hư hỏng nhiều.
Theo mùa vụ, đến sau Tết Nguyên đán mới đến mùa vụ gieo trồng mới, sau đó, một thời gian dài nữa mới thu hoạch được. Trong khoảng thời gian đó, vấn đề lương thực, thực phẩm cho người dân ổn định cuộc sống sẽ rất khó khăn. Đồng chí Chung Văn Bào chia sẻ thêm, sau khi nước lũ rút, xã sẽ huy động lực lượng tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm. Xã dùng nguồn ngân sách dự phòng, xin nguồn ngân sách dự phòng của huyện để hỗ trợ người dân; đồng thời Mặt trận Tổ quốc xã sẽ kêu gọi các tổ chức, cá nhân chung tay hỗ trợ người dân vùng lũ đang gặp khó khăn.
Hiện tại ba trường học trong xã Quang Vinh vẫn đang ngập sâu trong nước; nhà kho của trường học đang chứa khoảng hai tấn gạo cũng đã bị nước lũ nhấn chìm nhiều ngày, ảnh hưởng đến tiến độ chuẩn bị, sẵn sàng cho năm học mới tại địa phương. Người dân vùng lũ xã Quang Vinh đang rất cần sự vào cuộc, hỗ trợ, giúp đỡ của các cấp, các ngành, đơn vị, địa phương và những tấm lòng hảo tâm.