Tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị, thiết thực chống lãng phí

Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Ðảng ta đã có những đánh giá thẳng thắn, chỉ ra thực trạng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối, hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, mối quan hệ của một số cơ quan, tổ chức chưa thật rõ, còn chồng chéo, trùng lắp.
0:00 / 0:00
0:00
Bộ đội Đồn Biên phòng Tam Hợp, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An hỗ trợ nhân dân làm đường giao thông. (Ảnh: nhandan.vn)
Bộ đội Đồn Biên phòng Tam Hợp, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An hỗ trợ nhân dân làm đường giao thông. (Ảnh: nhandan.vn)

Việc phân công, phân cấp, phân quyền giữa các ngành, các cấp và trong từng cơ quan, tổ chức chưa hợp lý, thiếu đồng bộ. Việc kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đạt kết quả thấp. Số người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách nhà nước rất lớn, nhất là ở các đơn vị sự nghiệp công lập, người hoạt động không chuyên trách cấp xã và ở thôn, tổ dân phố…

Trong bài viết Chống lãng phí, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm yêu cầu tập trung giải quyết triệt để các nguyên nhân dẫn đến lãng phí tài sản công, tài nguyên thiên nhiên, nguồn lực chăm lo nhân dân và phát triển đất nước. Trong đó, một trong những trọng tâm là tập trung xây dựng, tinh gọn bộ máy tổ chức Ðảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội để hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là người đứng đầu các cấp có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ trong điều kiện mới.

Thực tế thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW tại Bắc Kạn cho thấy, sắp xếp, tinh gọn biên chế, tinh gọn bộ máy là một trong những giải pháp hiệu quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Theo đồng chí Sầm Văn Trân, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bắc Kạn, Bắc Kạn là một trong những tỉnh tiên phong thực hiện tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị.

Ðến nay, đối với các cơ quan, tổ chức hành chính, Bắc Kạn đã sắp xếp tổ chức bộ máy: Giảm 22 phòng và tương đương thuộc sở, ban, ngành và tương đương (từ 144 xuống còn 122 phòng); giảm 16 phòng và tương đương thuộc UBND, HÐND cấp huyện (từ 104 xuống còn 88 phòng); đối với đơn vị sự nghiệp công lập, giảm 126 đơn vị (từ 499 xuống còn 373 đơn vị).

Sau hai đợt sáp nhập (năm 2019 đến 2021), toàn tỉnh giảm 14 đơn vị hành chính cấp xã (11,47%) và 129 thôn, tổ dân phố, tiểu khu (9,08%), tương đương việc giảm khoảng 1.600 người làm việc ở các thôn, tổ dân phố, kinh phí tiết kiệm được khoảng 140 triệu đồng/thôn, tổ/năm. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc tỉnh quản lý giảm 212 biên chế công chức, 1.112 biên chế viên chức; tinh giản biên chế 629 người.

Ðồng chí Sầm Văn Trân cho biết thêm, Bắc Kạn bảo đảm bố trí đúng người, đúng việc theo vị trí việc làm và từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức gắn với đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức và tinh giản biên chế. Việc tinh giản biên chế cơ bản tạo được sự thống nhất trong nhận thức, hành động, nhất quán trong chỉ đạo và thực hiện trong các cơ quan, đơn vị, theo hướng thu gọn đầu mối, giảm bớt khâu trung gian, quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, tinh giản biên chế và giảm số lượng lãnh đạo. Các cơ quan, đơn vị chủ động rà soát, xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện, tạo đồng thuận cao trong toàn thể công chức, viên chức, người lao động của đơn vị. Việc kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy của các cơ quan, đơn vị phù hợp tình hình thực tiễn của địa phương và không gây xáo trộn, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ.

Hiện nay, Bắc Kạn có 925 thôn, tổ dân phố, tiểu khu đạt dưới 50% tiêu chuẩn (thôn có dưới 75 hộ; tổ dân phố và tiểu khu có dưới 100 hộ), phải thực hiện sáp nhập. Khi hoàn thành việc sáp nhập 925 thôn, tổ dân phố này, dự kiến toàn tỉnh giảm hơn 300 thôn, tổ dân phố, đồng nghĩa với ngân sách nhà nước tiết kiệm được hơn 40 tỷ đồng mỗi năm, số kinh phí này dành để đầu tư phát triển kinh tế-xã hội. Việc sắp xếp, sáp nhập thôn, tổ dân phố để bảo đảm quy mô số hộ gia đình theo quy định, góp phần tinh gọn bộ máy, giảm số người hoạt động không chuyên trách, nâng cao năng lực, chất lượng cán bộ ở cơ sở; đồng thời, tạo thuận lợi để các thôn, tổ dân phố củng cố, xây dựng cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

Từ chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, trong khi nỗ lực dành ưu tiên các nguồn lực cho phát triển kinh tế-xã hội, các cấp ủy đảng, chính quyền cần kiên trì thực hiện các giải pháp, triệt để chống lãng phí chính từ việc đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị, đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; thực hiện nghiêm chủ trương, mục tiêu tinh giản biên chế giai đoạn 2021-2026; tiếp tục hoàn thiện vị trí việc làm gắn với biên chế của khu vực công, tiết kiệm ngân sách nhà nước chi cho bộ máy, con người.