Tăng hiệu quả việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị

Sắp xếp, tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, phát huy tốt nguồn nhân lực, tiết kiệm chi phí là xu thế tất yếu, đồng thời là chủ trương lớn được Ðảng chỉ đạo tập trung thực hiện. Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng nêu rõ: Tổng kết các mô hình thí điểm về tổ chức bộ máy của Ðảng và hệ thống chính trị, khắc phục sự chồng chéo và những bất hợp lý trong tổ chức của Ðảng và tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Bài 3: Định hướng, giải pháp hoàn thiện mô hình

Thực hiện nghị quyết, các địa phương trong cả nước đã tiến hành tổng kết việc thí điểm các mô hình tổ chức mới và kiêm nhiệm chức danh. Kết quả và những kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn khẳng định sự cần thiết, tính đúng đắn của Nghị quyết số 18-NQ/TW, đồng thời là cơ sở để định hướng những giải pháp nhằm đạt hiệu quả rõ nét hơn trong thời gian tới.

Phát huy tính chủ động, sáng tạo

Một trong những hạn chế được chỉ ra từ thực tiễn thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW vừa qua là một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa thật sự quyết liệt hoặc còn cầu toàn, thiếu chủ động, chưa tích cực trong thực hiện. Thời gian tới, để thực hiện tốt hơn nữa công tác sắp xếp, tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, các cấp ủy, tổ chức đảng cần tiếp tục quán triệt quan điểm của Ðảng về vấn đề này nhằm tập trung huy động mọi nguồn lực, đẩy nhanh việc triển khai thực hiện Nghị quyết và xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách về xây dựng bộ máy hệ thống chính trị. Việc tuyên truyền sâu rộng Nghị quyết số 18-NQ/TW của Trung ương và các chương trình, kế hoạch thực hiện nghị quyết của tỉnh ủy, UBND các tỉnh, thành phố đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân cũng cần được đẩy mạnh hơn nữa để tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động; nâng cao hơn nữa trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị trong việc tạo ra quyết tâm chính trị cao, đẩy mạnh thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị địa phương.

Sắp xếp, tinh gọn tổ chức, bộ máy cần phải được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, lâu dài gắn với công tác xây dựng Ðảng, xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh. Quá trình thực hiện phải bảo đảm sự nhất quán, kiên trì, liên tục; phải đồng bộ với từng bước đổi mới hệ thống chính trị, đổi mới phương thức lãnh đạo của Ðảng, cải cách kinh tế và cải cách lập pháp. Tinh gọn tổ chức, bộ máy phải gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị. Việc thể chế hóa, cụ thể hóa và hướng dẫn thực hiện cần tiến hành kịp thời, bảo đảm đồng bộ, thống nhất, liên thông trong hệ thống chính trị để thực hiện, nhất là những vấn đề mới. Việc giải quyết chế độ, chính sách phải phù hợp đối tượng bị tác động, nhất là những người trực tiếp bị ảnh hưởng khi sắp xếp tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế. Công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các mô hình mới phải mang tinh thần định hướng hỗ trợ, dự báo; tập trung vào việc kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc…

Từ thực tiễn triển khai, các địa phương cũng đã rút ra bài học kinh nghiệm là tiến hành khẩn trương nhưng thận trọng, bài bản, không cầu toàn nhưng cũng không được chủ quan, nóng vội. Phát huy tính chủ động, sáng tạo của các cấp ủy, chính quyền, nhất là người đứng đầu; tránh tư tưởng trông chờ hướng dẫn của cấp trên, theo tinh thần việc gì đã chín, đã rõ thì quyết tâm làm. Việc sắp xếp tổ chức bộ máy phải nhằm mục tiêu giảm chồng chéo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, tránh biểu hiện chỉ tập trung giảm đầu mối mà quên đi hoặc xem nhẹ hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Tinh giản biên chế phải gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức theo vị trí, việc làm, nhằm phát huy năng lực, sở trường của họ.

Tiếp tục bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách

Những vướng mắc nảy sinh trong thực tiễn triển khai đã đặt ra vấn đề phải tiếp tục bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách. Ðó là, trên nguyên tắc "rõ việc, rõ người, rõ quyền hạn, rõ trách nhiệm và rõ lợi ích", quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, phương thức vận hành, hiệu lực, hiệu quả của từng cơ quan, đơn vị; cơ chế phối hợp nhịp nhàng; phân cấp, phân quyền rõ ràng; cơ chế kiểm soát quyền lực chặt chẽ; xác định rõ vị trí việc làm… của tổ chức mới, người kiêm nhiệm chức danh.

Mối quan hệ giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị cần được làm rõ, như: Chế độ trách nhiệm giữa các tổ chức đảng và các cơ quan nhà nước, các đoàn thể quần chúng, giữa một số ban và tổ chức đảng với nhau và với một số cơ quan nhà nước cùng cấp, giữa một số cơ quan nhà nước với nhau. Bàn về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ (PGS, TS) Nguyễn Viết Thông, nguyên Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương đề nghị bảo đảm nguyên tắc một cơ quan, tổ chức thực hiện nhiều việc, nhưng một việc chỉ giao cho một cơ quan, tổ chức chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính. Mô hình và quy mô tổ chức bộ máy phải phù hợp tính chất, đặc điểm, chức năng, nhiệm vụ của từng địa phương, cơ quan, đơn vị, không nhất thiết có mô hình, quy mô tổ chức giống nhau.

Theo PGS, TS Trần Quốc Toản, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, cần tiếp tục phân định rõ hơn chức năng, nhiệm vụ lãnh đạo-cầm quyền của Ðảng (và các tổ chức đảng cụ thể), chức năng, nhiệm vụ quản lý-quản trị của Nhà nước (và các tổ chức nhà nước cụ thể), chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội ở các cấp, để trên cơ sở đó xây dựng tổ chức bộ máy hệ thống chính trị từ Trung ương xuống cơ sở theo hướng Ðảng tập trung vào nâng cao năng lực lãnh đạo-cầm quyền, thực hiện chức năng hạt nhân lãnh đạo chính trị; Nhà nước thực hiện chức năng pháp quyền, nâng cao năng lực thể chế hóa nội dung lãnh đạo của Ðảng và năng lực quản lý nhà nước; Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội thực hiện đúng chức năng chính trị-xã hội của mình; "tích hợp" (hợp nhất) những chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy tương đồng trong hệ thống chính trị; loại bỏ các khâu trung gian không hợp lý, khắc phục tình trạng hệ thống tổ chức, bộ máy của Ðảng, của Nhà nước, của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội có những đơn vị có chức năng nhiệm vụ tương đồng dọc từ Trung ương xuống cơ sở, cùng với đó là hệ thống các đơn vị tham mưu, giúp việc, hậu cần kèm theo.

Với quan điểm nêu trên, PGS, TS Trần Quốc Toản cho rằng cần phân định rõ hai loại tổ chức đảng cơ bản. Loại thứ nhất là các tổ chức đảng thực hiện vai trò, chức năng lãnh đạo chính trị, bằng "sản phẩm" chủ yếu và quan trọng nhất là các nghị quyết về đường lối, chủ trương, định hướng chính sách phát triển. Các tổ chức đảng này là Ban Chấp hành Trung ương, ban Chấp hành đảng bộ các cấp ở địa phương. Loại thứ hai là tổ chức đảng trong các cơ quan nhà nước và các tổ chức chính trị-xã hội. Các tổ chức đảng này có chức năng chủ yếu là lãnh đạo cụ thể hóa, thể chế hóa và lãnh đạo tổ chức thực hiện các nghị quyết của ban chấp hành thông qua con đường nhà nước, bằng pháp luật và cơ chế, chính sách. Trong các tổ chức đảng này, yêu cầu đặt ra là đổi mới và nâng cao vai trò, trách nhiệm, trong đó cần có sự "hóa thân" cao của tổ chức đảng và các đảng viên vào các cơ quan nhà nước, bảo đảm nâng cao được vai trò lãnh đạo của Ðảng gắn liền với nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tinh giản được tổ chức, bộ máy và biên chế. Ðối với hệ thống Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội, nghiên cứu tích hợp chức năng, nhiệm vụ chính trị chung của các tổ chức này (tham gia nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội, tuyên truyền thực hiện đường lối chính sách của Ðảng, pháp luật của Nhà nước) trong hệ thống chính trị từ cấp tỉnh xuống cơ sở; còn chức năng hoạt động mang tính xã hội, xã hội-nghề nghiệp được tổ chức theo cơ chế tự nguyện, tự chủ hoàn toàn theo luật và theo điều lệ của từng tổ chức.

Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ

Ðể bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả ngoài việc sắp xếp, tinh gọn sao cho hợp lý, thì nhân tố quyết định còn ở chất lượng đội ngũ nhân sự, trước hết là những cán bộ lãnh đạo. Nhiều địa phương trong thời gian qua đã gặp phải khó khăn là thiếu cán bộ đủ năng lực đáp ứng yều cầu nhiệm vụ ở những cơ quan, đơn vị hợp nhất, vị trí kiêm nhiệm. Vì vậy, thời gian tới, các địa phương cần tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức theo vị trí việc làm và theo chức danh; đồng thời gắn với thực hiện các nội dung cải cách hành chính và đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số.

Theo Trung tướng, PGS, TS Lê Văn Thắng, Giám đốc Học viện An ninh nhân dân, vấn đề nâng cao chất lượng, hiệu quả xây dựng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức là một trong những đòi hỏi có tính cấp bách cần có giải pháp đồng bộ, trọng tâm, trọng điểm. Trong đó, tiếp tục chú trọng việc hoàn thiện các cơ chế khuyến khích, động viên, tạo động lực cho đội ngũ cán bộ, công chức làm việc hiệu quả, phục vụ tận tụy, khơi dậy sức sáng tạo, cống hiến cho đất nước. Có cơ chế, chính sách phù hợp thu hút, tuyển chọn, trọng dụng cán bộ có năng lực, phẩm chất đạo đức tốt. Chú trọng kỷ cương, kỷ luật hành chính, nâng cao trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu và của đội ngũ công chức, viên chức. Ðẩy mạnh nghiên cứu, kịp thời bổ sung các cơ chế, chính sách cần thiết, hiệu quả để khuyến khích và bảo vệ cán bộ có tư duy đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung…

Cũng nhấn mạnh việc phải chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ cho từng giai đoạn cụ thể, trước mắt cũng như đối với chiến lược xây dựng, phát triển đất nước, PGS, TS Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Học viện Chính trị khu vực III cho rằng, cần hoàn thiện cơ chế lựa chọn, đánh giá, sàng lọc để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đồng thời thực hiện nghiêm Quy định số 41-QÐ/TW ngày 3/11/2021 của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ. Cùng với đó là đổi mới cơ chế, chính sách phù hợp, trả lương, thu nhập theo vị trí việc làm và hiệu quả công việc…

Phần lớn ý kiến ghi nhận tại nhiều địa phương thống nhất rằng, việc tinh giản biên chế, tinh gọn tổ chức bộ máy hết sức nhạy cảm vì liên quan tới yếu tố con người, đòi hỏi phải thận trọng, có sự chuẩn bị tốt về mặt chính sách. Số lượng biên chế dôi dư sau sắp xếp cần được bố trí và giải quyết hợp lý về chế độ, chính sách nhằm tạo sự đồng thuận về tư tưởng, tâm lý.

Triển khai một số mô hình mới về tổ chức bộ máy và kiêm nhiệm chức danh là việc mới và khó, vừa làm vừa phải nghiên cứu, vừa triển khai vừa rút kinh nghiệm. Tuy nhiên, qua thời gian thực hiện thí điểm cho thấy, nếu cả hệ thống chính trị vào cuộc với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả thì chủ trương lớn này của Ðảng sẽ đạt được những kết quả như mục tiêu đã đề ra, góp phần xây dựng Ðảng và hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh, hiệu lực, hiệu quả, thúc đẩy tiến trình xây dựng, phát triển đất nước ngày càng nhanh và bền vững.

--------------------------------------------