Định hướng xây dựng, phát triển đất nước - lý luận và thực tiễn

Coi trọng vai trò của nhân dân trong xây dựng Đảng và hệ thống chính trị

Đảng ta nhận thức sâu sắc và khẳng định vai trò của nhân dân đối với sự nghiệp cách mạng, coi việc củng cố và tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân là nhiệm vụ quan trọng, góp phần bảo đảm vững chắc sự lãnh đạo toàn diện của Đảng trong xây dựng và phát triển đất nước, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trong bài viết “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, yêu cầu cấp bách của giai đoạn cách mạng mới”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh: “Đảng cầm quyền lãnh đạo nhà nước; quyền lực của đảng cầm quyền là quyền lực về chính trị, đề ra chủ trương, đường lối, còn quyền lực nhà nước là quyền lực quản lý xã hội trên cơ sở pháp luật. Sự lãnh đạo của Đảng để bảo đảm quyền lực thật sự thuộc về Nhân dân, Nhà nước thật sự của dân, do dân và vì dân”.

Thực hiện yêu cầu nêu trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng là “có cơ chế phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh trong tình hình mới”, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, về công tác dân vận và phát huy vai trò của nhân dân trong giám sát cán bộ, đảng viên, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Cấp ủy, tổ chức đảng các cấp thông qua việc thực hiện tốt công tác dân vận, gắn với tăng cường và mở rộng thực hành dân chủ, góp phần phát huy vai trò, tiềm năng, sức sáng tạo của nhân dân. Nhiều địa phương có cách làm sáng tạo trong việc ghi nhận sự tham gia bàn bạc, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh.

Ở nhiều nơi đã hình thành nền nếp, thường xuyên, công khai, minh bạch thông tin, động viên nhân dân tham gia giám sát hoạt động của tổ chức đảng, của cán bộ, đảng viên. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền đã chú trọng tăng cường tiếp xúc, đối thoại, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; việc xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo và những kiến nghị, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của nhân dân được quan tâm, chỉ đạo thực hiện. Việc tổ chức lấy ý kiến nhận xét của nhân dân nơi cư trú (thôn, xóm, tổ dân phố) đối với cán bộ, đảng viên trước khi kiểm điểm cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên theo định kỳ được thực hiện nghiêm túc.

Cùng với việc thực hiện các nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI và khóa XII và Kết luận Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội các cấp có những chuyển biến tích cực. Hoạt động của các tổ tự quản của nhân dân ở cơ sở, ban thanh tra nhân dân, các tổ giám sát cộng đồng là phương thức quan trọng để nhân dân tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; tăng cơ hội để nhân dân góp ý xây dựng và hoàn thiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; giám sát đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức.

Quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới của Bộ Chính trị (Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9/5/2024) nhấn mạnh yêu cầu cán bộ, đảng viên phải hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; tôn trọng, gần gũi, gắn bó mật thiết với nhân dân; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Trong số năm nội dung về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên ở giai đoạn mới thì toàn bộ các mục của điều thứ nhất đều gắn với hai chữ “nhân dân”.

Cùng với các chủ trương, nghị quyết, quy định của Đảng về vai trò của nhân dân trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, quy định về đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới coi trọng việc tạo điều kiện để nhân dân phát huy quyền làm chủ, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; đồng thời nhấn mạnh sự tự giác và tinh thần trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên, chủ động rèn luyện tự soi, tự sửa nỗ lực rèn luyện bền bỉ để thật sự trở thành gương sáng với nhân dân.

Coi trọng, phát huy vai trò của nhân dân trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, bảo đảm việc đưa đường lối, chủ trương của Đảng vào thực tiễn cuộc sống nhanh chóng, hiệu quả, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Điều này càng đề cao yêu cầu vừa coi trọng công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng, đồng thời phải phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội các cấp và nhân dân. Cấp ủy, tổ chức đảng các cấp thực hiện hiệu quả, thực chất việc nhân dân tham gia giám sát, đánh giá phẩm chất đạo đức, năng lực của đội ngũ cán bộ, đảng viên trên cơ sở lấy kết quả công việc, sự hài lòng và tín nhiệm của nhân dân làm tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng cán bộ, đảng viên.