Xử lý nghiêm vi phạm Luật Đê điều ở Hà Nội

Thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) đã có nhiều văn bản gửi UBND thành phố Hà Nội đề nghị ngăn chặn và xử lý các vi phạm pháp luật về đê điều. Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế, các vi phạm vẫn diễn ra hết sức phức tạp, trong khi nhiều vi phạm cũ chưa được xử lý thì tiếp tục phát sinh các vi phạm mới.

Trên “nóng”, dưới “lạnh”

Theo Tổng cục Phòng, chống thiên tai, trong 5 tháng đầu năm 2020, trên địa bàn TP Hà Nội xảy ra  60 vụ vi phạm pháp luật về đê điều, trong khi đó mới chỉ xử lý được năm vụ, còn tồn đọng 55 vụ. Ngoài ra, rất nhiều vụ vi phạm từ những năm trước vẫn còn tồn đọng. Từ năm 2011 đến 2019, toàn thành phố tồn đọng 1.821 vụ việc chưa được xử lý. Tình trạng vi phạm phổ biến là xây dựng công trình trái phép trong phạm vi bảo vệ đê điều và trên bãi sông; đổ thải, san lấp lấn chiếm lòng sông, bãi sông; khai thác, tập kết cát sỏi trái phép ở bãi sông, lòng sông; xe quá tải trọng  lưu thông trên đê. Trong đó, nhiều vụ vi phạm nghiêm trọng, nổi cộm, gây ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn đê điều, thoát lũ, nhất là trong thời điểm mùa mưa, bão.

Khu nhà xây dựng trái phép ở bãi sông tại các ngõ 1, 5, 9 và 11 khu  tập thể F361 thuộc phố An Dương, phường Yên Phụ (quận Tây Hồ) nhìn từ xa khá khang trang, bắt mắt với dãy nhà hai tầng có hệ thống sân vườn, cây cảnh, tường rào, cửa gỗ. Trao đổi với chúng tôi, Kiểm soát viên đê điều thuộc Hạt quản lý đê số 2 Vũ Xuân Quý cho biết, từ tháng 5-2019, Hạt quản lý đê số 2 đã phối hợp UBND phường Yên Phụ kiểm tra và lập nhiều hồ sơ vi phạm trong lĩnh vực đê điều. Theo đó, lực lượng chức năng đã dỡ bỏ toàn bộ sáu lều tạm, khung cột tre, mái lá, bạt, với tổng diện tích khoảng 450 m2; dỡ bỏ toàn bộ 12 nhà khung sắt, mái tôn, quây tôn, với tổng diện tích khoảng 600 m2; dỡ bỏ hàng rào sắt, hàng rào tre, cổng, tường gạch… của các công trình vi phạm. Tuy nhiên, điều bất ngờ là sau một năm xử lý, các công trình lều tạm đã không còn, nhưng thay vào đó là một dãy nhà khang trang, kín cổng, cao tường. Trước đó, Sở NN và PTNT thành phố Hà Nội đã có văn bản gửi Chủ tịch UBND quận Tây Hồ đề nghị xử lý vi phạm pháp luật về đê điều, đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn quận; UBND thành phố đã chỉ đạo việc xử lý các vi phạm pháp luật về đê điều, đất đai và trật tự xây dựng trên địa bàn quận Tây Hồ. Nhưng đến nay, các vụ việc vẫn chưa được xử lý dứt điểm.

Ngoài điểm vi phạm xây dựng công trình trái phép ở bãi sông tại phường Yên Phụ, trước mùa mưa, bão năm nay, Bộ NN và PTNT đã thống kê 11 điểm vi phạm nghiêm trọng, nổi cộm trên địa bàn thành phố. Tại bãi tập kết ống cống, vật liệu xây dựng của Công ty TNHH sản xuất vật liệu xây dựng Vinh Huy (xã Yên Viên, huyện Gia Lâm), Hạt phó Hạt quản lý đê số 6 Lê Trọng Nhạ cho biết, khu bãi sông này nằm hoàn toàn trong không gian thoát lũ của sông Đuống, nhưng chính quyền nơi đây lại cho Công ty Vinh Huy “mượn” để làm nhà xưởng và tập kết vật liệu xây dựng. Ngay cạnh nhà xưởng của Công ty Vinh Huy là bãi tập kết cát sỏi, vật liệu xây dựng không phép do HTX Thành Đoàn quản lý. Mặc dù vậy, đến nay UBND xã Yên Viên vẫn không quyết liệt xử lý, chỉ lắp ba-ri-e nhằm không cho các phương tiện vận tải hoạt động trong mùa mưa, lũ. Tại trạm trộn bê-tông của Công ty CP Trọng Phụng (xã Đông Dư) được cơ quan chức năng xác định là công trình không phép, nằm trên bãi sông. Hạt quản lý đê số 6 đã có văn bản đề nghị các ngành chức năng dỡ bỏ hoàn toàn. Nhưng đến nay, trạm trộn này vẫn hoạt động bình thường.

Thực tế cho thấy, có nhiều nguyên nhân khó khăn trong xử lý vi phạm pháp luật về đê điều, nhưng mấu chốt vẫn là do chính quyền cơ sở chưa thật sự quyết liệt trong kiểm tra, xử lý vi phạm. Mặt khác, sự phối hợp giữa các cơ quan chuyên quản về đê điều và chính quyền một số địa phương thiếu chặt chẽ, dẫn đến công tác phát hiện, ngăn chặn, kiểm tra, xử lý vi phạm chưa kịp thời, triệt để.

Cần những giải pháp mạnh

Mùa mưa lũ đã đến, để bảo đảm an toàn các tuyến đê cũng như nâng sức chịu đựng của hệ thống đê điều trước nguy cơ lũ lớn, Bộ NN và PTNT đề nghị UBND thành phố Hà Nội kiểm tra, rà soát trên toàn bộ công trình đê điều, bãi sông. Mở đợt cao điểm xử lý các vi phạm tồn đọng; trong đó tập trung xử lý dứt điểm các vi phạm nghiêm trọng, nổi cộm, kéo dài, nhất là các công trình xây dựng trái phép trong phạm vi bảo vệ đê điều, trên bãi sông, lòng sông; thanh thải vật liệu cát, sỏi tập kết trái phép trên bãi sông, không để tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, bao che cho các công trình vi phạm. Tăng cường quản lý, kiểm tra, bám tuyến, bám địa bàn để kịp thời phát hiện; đồng thời phối hợp chặt chẽ với chính quyền cơ sở để kiên quyết ngăn chặn và xử lý dứt điểm các hành vi vi phạm ngay từ khi mới phát sinh. Đặc biệt, phải gắn trách nhiệm của người đứng đầu, nhất là người đứng đầu chính quyền địa phương cấp huyện, xã.

Vụ trưởng Đê điều (Tổng cục Phòng, chống thiên tai) Phạm Đức Luận cho biết, mùa mưa, lũ đã đến, công tác bảo vệ an toàn tuyến đê của cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng cần được đặc biệt quan tâm. Trước mắt, TP Hà Nội cần tổ chức rà soát, xây dựng phương án phòng, chống lũ của tuyến sông có đê, bảo đảm phù hợp với quy hoạch 257/QĐ-TTg ngày 18-2-2016. Trong đó, xác định cụ thể phương án quản lý, sử dụng đất bãi sông, đất dành cho phát triển hệ thống đê điều để tổ chức hoạt động liên quan đến đê điều theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm an toàn thoát lũ; đồng thời đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Về lâu dài, thành phố cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đê điều tới các tổ chức, cá nhân nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm và thực hiện nghiêm theo quy định của pháp luật.

Theo nhận định của Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, diễn biến thời tiết mùa mưa bão năm nay phức tạp, khó lường, có thể xảy ra các hình thái thời tiết cực đoan, mưa, lũ xảy ra với cường độ lớn, không theo quy luật… Việc tồn tại số lượng lớn vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn thành phố là mối đe dọa đến sự an toàn của các tuyến đê; gây ách tắc, thu hẹp dòng chảy, khó khăn cho việc tiêu thoát nước, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống lụt bão...  

Văn phòng UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Công văn số 2419/VP-KT, ngày 23-3-2020 về tập trung chỉ đạo xử lý vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn thành phố. Theo đó, yêu cầu các sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Giao thông vận tải, Công an thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan, theo chức năng, nhiệm vụ tăng cường kiểm tra, kiểm soát, phối hợp kiên quyết xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm pháp luật về đê điều còn tồn đọng, kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm ngay từ khi phát sinh, đúng quy định của pháp luật.