Lớp công nhân mới ở rừng cao-su Đồng Nai

Hành trang vào nam lập nghiệp của gần 1.000 lao động người Hà Giang suốt ba năm qua chỉ có ba-lô quần áo và một ít tiền dành dụm làm lộ phí. Bao nhiêu đó con người là bấy nhiêu kỳ vọng ở chuyến đi xa này. Họ tin tưởng, cây cao-su và đất lành Đồng Nai sẽ giúp họ có cuộc sống ấm no hơn.

Khai thác mủ cao-su tại Nông trường Cẩm Đường, xã Xuân Đường, huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai.
Khai thác mủ cao-su tại Nông trường Cẩm Đường, xã Xuân Đường, huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai.

Những năm gần đây, lực lượng lao động của Công ty TNHH một thành viên Tổng công ty Cao-su Đồng Nai và tám đơn vị thành viên ngày càng giảm do sự cạnh tranh của thị trường lao động tại các khu công nghiệp trên địa bàn của tỉnh Đồng Nai. Trước thực tế đó, để kịp thời đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh, lãnh đạo Tổng công ty đã bàn bạc và quyết định tìm kiếm tuyển dụng lao động tại tất cả các địa phương của tỉnh miền núi phía bắc là Hà Giang.

Niềm tin nơi vùng đất mới

Men theo những con đường đất chạy dọc các lô trồng cao-su ở Nông trường cao-su Cẩm Đường, xã Xuân Đường, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai, trong không khí se lạnh của buổi sớm mai, chúng tôi nghe vẳng từ xa tiếng cười tiếng nói của các công nhân đang đi cạo mủ cao-su vẳng lại.

Đến lô đang cho khai thác mủ của các tổ, chúng tôi không chỉ choáng ngợp bởi hàng nghìn cây cao-su đang vươn tán, hiên ngang, ngạo nghễ, mà còn thấy thật sự háo hức và phấn khích trước cảnh các công nhân đang miệt mài quanh những gốc cây cao-su. Từng đôi mắt chăm chú, tập trung, những đôi bàn tay lành nghề, thoăn thoắt xoay quanh thân cao-su; từng đường cạo sắc ngọt, vạch chéo thân cây, để rồi dòng nhựa trắng đục ứa ra, chảy xuống những chiếc bát treo sát thân cây. Đâu đó vang lên tiếng nói chuyện lao xao dưới vòm lá xanh tít tắp.

Chị Ly Thị Mua, công nhân khai thác Nông trường Cẩm Đường, bồi hồi nhớ lại những ngày đầu đặt chân đến Đồng Nai. Cách đây gần ba năm, chị Mua là Trưởng thôn Trù Xá, xã Sủng Thài, huyện Yên Minh, Hà Giang. Khi thấy Tổng công ty Cao-su Đồng Nai đến tuyển dụng vào làm công nhân cao-su chị đã xung phong tham gia và vận động chồng cùng đi. Vượt gần 2.000 km bằng đường bộ từ Hà Giang vào Đồng Nai, vợ chồng chị đã mang theo một ít tiền dằn túi để sinh hoạt trong thời gian đầu.

Chị cho biết, lần đầu vào nam và cũng là lần đầu rời xa quê hương nhưng vợ chồng chị có niềm tin mãnh liệt với vùng đất này. “Vợ chồng tôi xác định đi lập nghiệp là phải bám trụ chứ không được bỏ ngang giữa chừng. Công việc ban đầu tuy vất vả nhưng về sau cũng quen dần. Cán bộ lãnh đạo từ Tổng công ty đến Nông trường rất quan tâm đến đời sống của bà con mới vào. Chúng tôi được hỗ trợ thanh toán tiền vé xe đi vào đây. Được chăm lo, tạo điều kiện đầy đủ toàn diện từ nơi ăn, chốn ở, cơ sở vật chất thiết yếu trong sinh hoạt hằng ngày, việc học hành cho các em nhỏ. Chúng tôi vui lắm”, chị Mua chia sẻ.

Tới thăm khu nhà ở mới được Nông trường Cẩm Đường khánh thành với 42 phòng khép kín, diện tích 32m2/phòng, đủ cho 3 đến 4 người ở, mới thấy được sự chu đáo của ban lãnh đạo Tổng công ty Cao-su Đồng Nai dành cho công nhân, bà con dân tộc Hà Giang đang sinh sống ở đây để họ yên tâm lao động sản xuất gắn bó với đơn vị. Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Cao-su Đồng Nai Nguyễn Văn Thắng cho biết: Sau thời gian tuyển dụng, lực lượng lao động là người dân tộc thiểu số ở Hà Giang đã đáp ứng được các yêu cầu của công ty.

Lớp công nhân mới ở rừng cao-su Đồng Nai -0
Lãnh đạo Tổng công ty Cao-su Đồng Nai và Nông trường Cẩm Đường thăm hỏi công nhân đang làm việc tại đơn vị. 

Các công nhân từ xa vào đây được công ty quan tâm chăm lo toàn diện đúng như đã hứa ban đầu. Tất cả các phòng ở đều được trang bị giường, chiếu, chăn, màn, quạt điện, nồi cơm điện, bình ga, bếp ga, nhà vệ sinh khép kín. Hằng tháng công nhân chỉ phải trả duy nhất chi phí tiền điện. “Mỗi phòng là 1 gia đình bao gồm hai vợ chồng và con. Với thanh niên chưa lập gia đình, chúng tôi bố trí 3 đến 4 người/phòng, nếu lập gia đình sẽ được bố trí ở riêng. Sắp tới, chúng tôi sẽ làm sân bóng chuyền và cầu lông ở khoảng đất trống ngay trước khu nhà ở để công nhân có thể tập luyện, vui chơi”- đồng chí Nguyễn Văn Thắng nói.

Trò chuyện với anh Sùng Seo Quán người dân tộc H’Mông, xã Bản Ngò, huyện Xín Mần, đang ngồi sửa quạt trước cửa phòng, anh tâm sự, năm nay anh 26 tuổi, cuộc sống quê nhà chỉ có làm ruộng, làm một vụ ăn cả năm, lúa gạo có dư đem bán cũng chẳng lời được bao nhiêu, thời gian rảnh nhiều mà không có việc làm. Tết Nguyên đán năm 2020 khi sang chơi nhà ông chú, anh được biết làm công nhân cao-su tại Đồng Nai có thu nhập khá, công việc ổn định. “Vợ chồng tôi về bàn với gia đình và không đắn đo, suy nghĩ nhiều mà thống nhất chờ Tết xong vào nam lập nghiệp luôn. Sau gần ba năm làm việc ở đây với thu nhập ổn định, hằng tháng gia đình tôi tiết kiệm được khoảng 10 triệu đồng, mỗi năm chúng tôi gửi về quê 100 triệu đồng còn lại để mua sắm thêm đồ dùng và đóng học phí cho con”- anh nói.

Chị Cháng Thị Máy cho biết, bà con Hà Giang vào làm công nhân cao-su qua mỗi năm càng nhiều bởi nghe tin nông trường trả lương cao và chế độ an sinh tốt. Chị động viên những người mới vào cố gắng chăm chỉ làm việc vì công việc ban đầu chưa quen cho nên chỉ được giao những việc đơn giản. Sau này, được giao nhiều việc hơn, thu nhập sẽ tăng lên theo năng lực bản thân làm được hằng ngày. Chị và các công nhân ở đây đã xem Đồng Nai là quê hương thứ hai.

Trong buổi gặp gỡ nhân Tháng Công nhân năm 2022 vừa qua, tại Nông trường Cẩm Đường, đồng chí Nguyễn Thế Hựu, Chủ tịch Công đoàn Tổng công ty Cao-su Đồng Nai cam kết với công nhân, bất kỳ ai gặp khó khăn gì đều có thể đề xuất ý kiến với các cấp lãnh đạo, nông trường sẽ hỗ trợ kịp thời. Tất cả chế độ đãi ngộ hằng năm vẫn được giữ nguyên và đang đề xuất các cấp lãnh đạo nâng cao hơn so với mọi năm. Thí dụ như tiền tàu xe đi về dịp Tết, người giới thiệu lao động vào làm ổn định, chính vì vậy mọi người cứ yên tâm làm việc.

Môi trường rèn luyện, phấn đấu cho công nhân

Năm 2019, anh Giàng Mí Chu, người dân tộc H’Mông, thôn Trù Xá, xã Sủng Thài, huyện Yên Minh vào làm công nhân tại Nông trường Cẩm Đường. Sau khi được cấp giấy chứng nhận đủ yêu cầu vào làm việc tại đây, anh phải điều chỉnh thói quen sinh hoạt hằng ngày của mình để sớm thích nghi với công việc mới. Đam mê, phấn đấu trong công việc, anh liên tục được khen thưởng là công nhân xuất sắc của tổ. Thấy anh năng nổ, nhiệt tình, anh chị em công nhân tín nhiệm bầu anh làm Tổ trưởng Tổ Công đoàn Tổ 9. Từ đó, anh cùng với các thành viên trong tổ, cố gắng đưa hoạt động sản xuất của nông trường ngày càng đi vào chiều sâu.

Sau ba năm phấn đấu, đóng góp nhiều thành tích cho nông trường, tháng 10/2021 vừa qua, anh Chu đã được kết nạp Đảng. Anh chia sẻ, với vai trò đảng viên, anh tiếp tục đem những kiến thức, hiểu biết của mình tuyên truyền cho anh chị em hiểu hơn về quyền, nghĩa vụ của công nhân, để mọi người góp sức xây dựng nông trường, công ty ngày càng phát triển.

Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Nông trường Cẩm Đường, Phan Quang Bá cho biết: Một trong những giải pháp xuyên suốt, đồng bộ từ Đảng bộ Tổng công ty đến Đảng ủy Công ty đưa ra là luôn quan tâm, tạo điều kiện cho các đoàn thể quần chúng hoạt động; trong đó chỉ đạo phát động các phong trào phát huy sáng kiến trong công việc, tay nghề giỏi nhằm nâng cao năng suất và hiệu quả lao động. Đơn vị khuyến khích công nhân học tập nâng cao trình độ văn hóa qua việc hỗ trợ học phí, tặng học bổng, quà khi công nhân tự học và tốt nghiệp. Mới đây nhất đơn vị đã tạo điều kiện cho công nhân Giàng Mí Chu đã tốt nghiệp Trường trung cấp Kỹ thuật ở Hà Giang học lên đại học. Trường hợp công nhân Sùng Seo Quán dù mới vào làm được hơn hai năm nhưng đã phát huy năng lực, có nhiều thành tích trong các đợt thi đua, hiện là Tổ trưởng Tổ 2 quản lý trực tiếp 28 công nhân đều người dân tộc H’Mông.

Cũng theo đồng chí Phan Quang Bá, trong số các công nhân từ Hà Giang vào đây lập nghiệp có những người đã là đảng viên khi ở địa phương, vì đi xa không thể nào sinh hoạt Đảng được. Công ty đã làm thủ tục chuyển sinh hoạt Đảng vào trong này để các đảng viên thuận tiện hơn. Thời gian tới, Đảng ủy công ty sẽ tiếp tục tổ chức các lớp cảm tình Đảng, phân công đảng viên theo dõi, giúp đỡ; giao nhiệm vụ cho Đoàn Thanh niên, Công đoàn thông qua các hoạt động phong trào để giới thiệu đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét kết nạp.

Để tạo sân chơi, giải trí lành mạnh cho người lao động, hằng năm Ban Giám đốc và Công đoàn Nông trường đều tổ chức các hoạt động hội thao truyền thống như bóng chuyền, bóng đá, cầu lông và hội diễn văn nghệ quần chúng chào mừng các ngày lễ. Nhằm khích lệ tinh thần cho người lao động, hằng năm đều tổ chức tham quan, du lịch trong nước và nước ngoài nhân mùa nghỉ khai thác. Công đoàn công ty thực hiện tốt công tác chăm lo đời sống cho người lao động bằng nhiều việc làm thiết thực như: tặng quà các gia đình chính sách, gia đình công nhân có hoàn cảnh khó khăn; tổ chức khám sức khỏe định kỳ hằng năm cho công nhân lao động tại Bệnh viện đa khoa Cao-su Đồng Nai; ký thỏa ước lao động tập thể; ban hành phương án lương sửa đổi, bổ sung cho công nhân”- đồng chí Nguyễn Thanh Hoài, Chủ tịch Công đoàn Nông trường Cẩm Đường chia sẻ thêm.

Trên con đường nhựa dẫn vào vườn cao-su đang cho khai thác, chúng tôi gặp chị Cháng Thị Máy và các công nhân đang chuyền tay nhau những xô nặng trĩu mủ cao-su chuyển lên thùng chiếc ô-tô tải lớn chuẩn bị chuyển đi chế biến. Từ năm 2019 đến nay, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng chị Máy và hơn 470 công nhân trong các tổ lúc nào cũng có việc làm và thu nhập ổn định. Chị Máy cho biết: “Ba năm qua từ khi đặt chân đến mảnh đất này thu nhập của các công nhân đến từ Hà Giang luôn ổn định, năm sau cao hơn năm trước trung bình từ 9 đến 10 triệu đồng/tháng. Chúng tôi mua được xe máy, sắm đồ dùng trong nhà, gửi tiền về quê xây nhà, mua trâu. Chúng tôi rất yên tâm với cuộc sống ở đây và sẽ gắn bó lâu dài với Tổng công ty, nông trường và cây cao-su” ■