Ca bệnh tăng nhanh, Bình Dương khẩn trương thực hiện các biện pháp ứng phó

NDO -

Tính từ đợt dịch thứ tư đến chiều ngày 21/7, tỉnh Bình Dương đã ghi nhận 4.689 ca mắc Covid-19 trong cộng đồng. Trước tình hình này, được sự hỗ trợ từ Trung ương, Bộ Y tế và các đơn vị, tỉnh Bình Dương đang tập trung thực hiện các giải pháp mạnh nhằm chốt chặt, từng bước giữ vững và từng bước mở rộng những “vùng xanh” an toàn.

Chốt kiểm soát trên địa bàn thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương.
Chốt kiểm soát trên địa bàn thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương.

Ca bệnh tăng nhanh

Liên quan tới các ca mắc, ngành y tế tỉnh Bình Dương đã truy vết tại tất cả các ổ dịch ghi nhận khoảng 12.833 trường hợp F1, 33.723 trường hợp F2. Tổng số trường hợp đang còn cách ly y tế tập trung là 12.281 trường hợp; tổng số trường hợp đang cách ly y tế tại nhà, nơi cư trú là 25.279 trường hợp.

Hiện tỉnh có 11 khu điều trị bệnh nhân Covid-19 với 2.994 bệnh nhân đang điều trị; trong đó có 45 phụ nữ mang thai, 35 người trên 65 tuổi, 87 người có bệnh lý nền, 103 người có diễn biến nặng.

Về nguyên nhân dịch bệnh tăng nhanh trong đợt dịch thứ tư này, theo Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương Nguyễn Hồng Chương, địa phương có hơn 1,2 triệu lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp, các công nhân lao động đang sống tại các khu nhà trọ kế cận các nhà máy, các khu công nghiệp nên dịch lây lan từ nhà trọ vào nhà máy và từ nhà máy sang doanh nghiệp dẫn đến việc lây lan nhanh.

Bên cạnh đó, số lượng công nhân rất lớn, mật độ đông, tần suất giao lưu, đi lại cao, môi trường làm việc, sinh hoạt có nguy cơ cao lây nhiễm dịch bệnh. Ngoài ra, do ý thức người dân còn lơ là, chủ quan, chưa tuân thủ nghiêm quy tắc 5K; đặc biệt là khai báo không trung thực gây khó khăn trong truy vết và xác định nguồn lây bệnh ban đầu để ngăn chặn kịp thời.

Theo ngành y tế tỉnh Bình Dương, tỉnh có 88 cơ sở cách ly y tế tập trung. Trước đợt dịch thứ tư bùng phát, tỉnh có khả năng đáp ứng 4.000 giường, hiện đang nâng lên 50 nghìn giường và tiếp tục mở rộng lên 100 nghìn giường khi cần thiết.

Về xét nghiệm, toàn tỉnh có 12 máy RT-PCR với năng lực xét nghiệm 8.000 mẫu đơn/ngày, đang thực hiện xã hội hóa xét nghiệm để nâng năng lực lên 100 nghìn đến 300 nghìn mẫu gộp/ngày. Tỉnh đã thành lập 600 đội lấy mẫu cơ động, có thể tối đa lấy mẫu 176 nghìn mẫu/ngày.

Về nguồn nhân lực, tỉnh đang huy động toàn bộ lực lượng cán bộ y tế, kể cả cơ sở y tế tư nhân, các trường đào tạo y khoa, sinh viên… Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã hỗ trợ chi viện 4 chuyên gia và 3 đoàn cho tỉnh với 667 cán bộ, nhân viên, sinh viên ngành y, Viện Y học dự phòng Quân đội chi viện 10 đội xét nghiệm… để bảo đảm việc lấy mẫu nhanh nhằm khoanh vùng dập dịch.

Mặc dù đã thực hiện giãn cách xã hội trên phạm vi toàn tỉnh nhưng với tốc độ lây lan nhanh, mạnh của biến chủng virus Delta, nhiều ca bệnh được phát hiện tại cơ sở y tế trong thời gian gần đây cho thấy, nguồn bệnh đã có nhiều trong cộng đồng.

Theo nhận định của ngành y tế, số ca mắc vẫn ở mức cao tại các thành phố Thuận An, Dĩ An và tăng tại thành phố Thủ Dầu Một, thị xã Tân Uyên, thị xã Bến Cát và huyện Phú Giáo. Dự báo trong hai tuần tới sẽ phát hiện thêm nhiều ca mắc Covid-19 mới do tiến hành lấy mẫu xét nghiệm diện rộng trong cộng đồng, có thể nâng tổng số ca bệnh lên khoảng 10 nghìn người.

Hiện tại ngành y tế đang tổ chức thực hiện lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc diện rộng Covid-19 bằng phương pháp test nhanh kháng nguyên kết hợp Realtime-PCR cho 1,8 triệu người dân trên địa bàn tỉnh, trong đó ưu tiên triển khai test nhanh tại các công ty, xí nghiệp và tầm soát bằng phương pháp lấy mẫu gộp cho người dân sinh sống trong các khu vực có nguy cơ cao.

Ca bệnh tăng nhanh, Bình Dương khẩn trương thực hiện các biện pháp ứng phó -0
 Quân đoàn 4 hỗ trợ khử khuẩn trên địa bàn tỉnh Bình Dương.  

Tập trung các biện pháp ứng phó

Với dự báo ca bệnh tăng, ngành y tế Bình Dương đã chuẩn bị có thể đáp ứng được một số công tác, như: Năng lực lấy mẫu và xét nghiệm với 600 đội lấy mẫu bảo đảm lấy mẫu nhanh, trả kết quả trong 24 giờ; cách ly tập trung đang triển khai nâng lên 50 nghìn giường và sẽ mở rộng lên 100 nghìn giường.

Về năng lực điều trị, tỉnh hiện có 11 cơ sở trên địa bàn hiện đáp ứng với khoảng 4.500 người, đang khẩn trương nâng lên 10.000 giường. Về vật tư y tế, sinh phẩm, test xét nghiệm, tỉnh hiện còn 57.500 test nhanh kháng nguyên và 50 nghìn test PCR do Bộ Y tế mới chi viện. Với 600 đội lấy mẫu đã thành lập bảo đảm lấy mẫu nhanh, trả kết quả trong 24 giờ.

Trước tình hình ca mắc dịch bệnh tăng nhanh, toàn tỉnh Bình Dương đã thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn toàn tỉnh trong thời gian 14 ngày kể từ 0 giờ ngày 19/7 theo Chỉ thị 16/CT-TTg và các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh.

Để triển khai công tác phòng, chống dịch quyết liệt trong thời gian tới, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cho biết: Tỉnh đã quán triệt sâu sắc, quan điểm chỉ đạo của Trung ương đến các cấp ủy, chính quyền trên địa bàn tỉnh theo phương châm 4 tại chỗ.

Thần tốc hơn nữa trong công tác xét nghiệm diện rộng, điều tra dịch tễ, truy vết, cách ly, lấy mẫu, những nơi nào đã xét nghiệm sàng lọc phải khóa chặt, kiểm soát người ra, người vào; thực hiện trả kết quả xét nghiệm nhanh cho người dân, công nhân lao động không quá 12 giờ. Thực hiện chốt chặt, từng bước giữ vững và từng bước mở rộng những “vùng xanh” an toàn; tổ chức điều hành, lấy mẫu, tăng công suất xét nghiệm để đưa ngay F0 ra khỏi cộng đồng.

Các huyện, thị, thành phố chủ động điều trị, cách ly các trường hợp F0, F1 trong phạm vi địa phương, không chuyển các trường hợp này đến địa phương khác, trưng dụng tất cả các trường học trên địa bàn tỉnh làm khu điều trị, cách ly tại địa phương.

Khẩn trương thực hiện ngay gói mua sắm bổ sung các vật tư, thiết bị, test, sinh phẩm, đầu tư thêm máy thở… bảo đảm đủ yêu cầu ứng phó khẩn cấp để ngăn chặn dịch bùng phát và phục vụ điều trị bệnh nhân Covid-19.

Tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm; bảo đảm các chốt kiểm dịch hoạt động hiệu quả, thực chất, kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện ra vào tỉnh, huyện, xã, khu ấp, nhà máy, xí nghiệp theo đúng quy định về giãn cách xã hội.

Bên cạnh đó, tỉnh huy động nguồn lực y tế từ các đơn vị y tế ngành, các cơ sở hành nghề y, dược tư nhân trên địa bàn tỉnh; các y, bác sĩ đã nghỉ hưu, các cán bộ nhân viên y tế tình nguyện hỗ trợ, chi viện tăng cường trong công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh. Tập trung nâng cao năng lực triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 khi được Bộ Y tế phân bổ cho tỉnh bảo đảm an toàn, hiệu quả. 

Tập trung khống chế dịch Covid-19 lây lan