Bảo đảm chuỗi cung ứng sản xuất, lao động và phục hồi sản xuất an toàn

NDO -

Sáng 20/9, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Trưởng Tiểu ban Sản xuất và lưu thông hàng hóa chủ trì hội nghị trực tuyến với 28 tỉnh, thành phố về tình hình hoạt động, các khó khăn, vướng mắc và giải pháp phục hồi hoạt động của các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao và cụm công nghiệp.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành phát biểu ý kiến tại hội nghị.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành phát biểu ý kiến tại hội nghị.

Phát biểu ý kiến mở đầu hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nêu rõ, xuất phát từ yêu cầu của tình hình giai đoạn vừa qua do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Chính phủ chỉ đạo tập trung vừa thực hiện phòng, chống dịch, từng bước phục hồi sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, khối công nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp tại các địa phương thực hiện giãn cách xã hội bị ảnh hưởng lớn. Mặc dù đã có nhiều Nghị quyết của Chính phủ, sự vào cuộc của các ngành, các địa phương, bước đầu đạt kết quả tích cực, nhưng sản xuất ở các khu công nghiệp vẫn còn khó khăn, ảnh hưởng tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Quan điểm của Chính phủ là phục hồi sản xuất nhưng bảo đảm tuyệt đối an toàn phòng, chống dịch bệnh. Cần có phương pháp vừa phục hồi sản xuất, vừa phòng, chống dịch bệnh. Phục hồi thận trọng, từng bước nhưng phải quyết liệt trong tình hình hiện nay.

Quyết liệt bảo đảm chuỗi cung ứng sản xuất, lao động, phục hồi sản xuất an toàn -0

Tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp trong nước đã trình bày với Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19: đó là sản xuất bị đình trệ, đơn hàng bị mất; thực hiện phương án "3 tại chỗ" gặp nhiều khó khăn về chi phí sản xuất, ảnh hưởng tâm lý, sức khỏe người lao động; việc áp dụng các quy định khác nhau giữa các địa phương khiến việc đi lại của công nhân khó khăn, không bảo đảm đủ nhân lực cho phục hồi sản xuất; tỷ lệ tiêm vaccine cho người lao động vừa qua được cải thiện và đẩy nhanh nhưng vẫn chưa đáp ứng so yêu cầu.

Các doanh nghiệp đã kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần tạo điều kiện hỗ trợ để các doanh nghiệp sớm phục hồi sản xuất, duy trì chuỗi cung ứng, kể cả cung ứng lao động; tăng cường tiêm vaccine cho người lao động; tạo điều kiện thuận lợi cho chuyên gia nhập cảnh; tạo thuận lợi cho người lao động di chuyển với điều kiện bảo đảm an toàn; tăng cường hơn nữa bảo đảm lưu thông hàng hóa thuận lợi, nhất là giữa các nhà cung ứng vật tư, nguyên liệu nằm ở các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội; miễn, giảm các loại thuế, phí, hỗ trợ về chính sách tín dụng...

Trả lời ngay kiến nghị của một số doanh nghiệp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh, khi có F0 xuất hiện ở các xưởng sản xuất thì chỉ đưa F0 đi điều trị, tầm soát F1; các xưởng không có F0 vẫn sản xuất bình thường. Muốn vậy, địa phương và các doanh nghiệp có biện pháp kiểm soát được tình hình. Việc bảo đảm tuyệt đối an toàn có nghĩa là không để phát sinh các ổ dịch lớn trong doanh nghiệp. Vấn đề này cần thống nhất quan điểm. Không cứng nhắc dừng nhà máy khi có F0. Hiện nay, chúng ta đang có nhiều vaccine về cấp tập trong tháng 9 này, do đó thời gian tới việc tiêm vaccine cho công nhân sẽ được cải thiện.

Cũng tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố đã trình bày nhiều bài học kinh nghiệm về phòng, chống dịch, nhất là hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, không để đứt gẫy chuỗi sản xuất, không để bùng phát các ổ dịch, hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác xét nghiệm... ; đồng thời kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành nhiều giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Phát biểu ý kiến kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh, đây là lĩnh vực lớn liên quan hàng chục triệu lao động cả nước, sức sản xuất của ngành công nghiệp, do đó sau đây, Chính phủ sẽ duy trì họp như thế này một tháng một lần để đồng hành cùng doanh nghiệp.

Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp ở một số địa phương, yêu cầu về phục hồi sản xuất, kinh doanh, ổn định đời sống, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp là yêu cầu cấp bách. Vừa phải phục hồi sản xuất, kinh doanh, vừa bảo đảm an toàn sản xuất, sức khoẻ, tính mạng cho công nhân. Sản xuất, kinh doanh trong điều kiện bình thường đã khó, trong điều kiện phòng, chống dịch phải bảo đảm an toàn là cực kỳ khó. Chính vì vậy, việc này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ, nhuần nhuyễn mức độ cao từ doanh nghiệp tới các địa phương, các cơ quan Trung ương tới cơ sở. Doanh nghiệp mong muốn phục hồi sản xuất, kinh doanh là nguyện vọng chính đáng. Các địa phương mong muốn phục hồi sản xuất, kinh doanh để tăng thu ngân sách, phục hồi kinh tế - xã hội. Chính phủ cũng mong muốn như vậy. Điều quan trọng là khâu tổ chức thực hiện, phối hợp chặt chẽ.

Chúng ta xác định doanh nghiệp là chủ thể trong quá trình phục hồi. Do đó đề nghị các doanh nghiệp tùy theo tình hình của từng địa phương, từng địa bàn chủ động có phương án phục hồi sản xuất. Trong đó có các giải pháp giãn cách, kiểm soát F0. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, tuyệt đối an toàn có nghĩa là không để các ổ dịch phát sinh trong các khu công nghiệp. Khi phát hiện phải bóc tách luôn F0, kiểm soát F1, F2 và vẫn cho sản xuất bình thường, tránh tình trạng khi có F0 tại 1 xưởng thì dừng toàn bộ sản xuất nhà máy. Doanh nghiệp phải xây dựng phương án sản xuất trong điều kiện có dịch bệnh. Chúng ta xác định trung tâm đầu mối là chính quyền các tỉnh, thành phố. Hệ thống chính trị chính quyền của các tỉnh thành phố có đủ thẩm quyền trực tiếp giải quyết là tốt nhất.

Chủ thể là các doanh nghiệp, trung tâm xử lý việc này là các địa phương. Các địa phương thực hiện trước hết phải chủ động tổ chức các hội nghị gặp gỡ, trao đổi, tiếp xúc với các doanh nghiệp sớm nhất để quán triệt triển khai tinh thần phục hồi sản xuất, từ đó hướng dẫn các doanh nghiệp có các phương án, có mô hình các tổ như Bắc Giang do các đồng chí lãnh đạo, để hướng dẫn doanh nghiệp thông qua phương án phòng, chống dịch. Về phạm trù phục hồi sản xuất rất rộng vì còn liên kết các cơ sở sản xuất ở các tỉnh khác. Do đó phải bảo đảm lưu thông hàng hóa liên quan cả chuỗi sản xuất.

Trong điều kiện hiện nay, chúng ta có điều kiện hơn thúc đẩy tiêm đủ 2 mũi vaccine. Có vùng xanh, tuyến xanh... thì phải có hướng dẫn khu sản xuất xanh. Phục hồi sản xuất bao gồm cả lưu thông hàng hoá, công nhân đi lại. Vai trò địa phương là cực kỳ quan trọng. Chủ tịch UBND tỉnh, thành có báo cáo trực tiếp Bí thư, Thường trực Tỉnh ủy, Thành ủy. Một số tỉnh làm tốt, "3 tại chỗ" làm tốt nhưng tốn kém. Kết hợp phát huy tại chỗ nhưng nếu có vùng xanh thì để công nhân về nhà. Vấn đề này do địa phương tính toán, nhưng yêu cầu sản xuất đồng thời bảo đảm không cho ổ dịch bùng phát trong khu công nghiệp, muốn vậy phải tăng cường xét nghiệm.

Các bộ, ngành Trung ương đều có phương án phục hồi, khẳng định sát cánh cùng doanh nghiệp, địa phương. Xác định điều kiện cần thiết là vaccine, Bộ Y tế và Bộ Ngoại giao đã khẳng định rõ. Về việc phân bổ vaccine, đề nghị Bộ Y tế trên cơ sở nắm bắt tình hình, những tỉnh có nhiều khu công nghiệp tham mưu Ban Chỉ đạo phân bổ ưu tiên vaccine. Chỉ đạo Sở Y tế ưu tiên vaccine cho các khu công nghiệp. Bộ Y tế có hướng dẫn cụ thể chung cho các địa phương, địa phương không nên chờ đầy đủ hướng dẫn. Có khu vực có thể cho phục hồi sản xuất ngay được.

Bộ Giao thông vận tải có đầy đủ văn bản hướng dẫn, thực hiện nguyên tắc các huyết mạch giao thông không được cấm, nếu bị phong tỏa thì tìm tuyến thay thế, tìm cách thuận lợi cho công nhân đi từ tỉnh này sang tỉnh kia. Giám đốc Sở Giao thông vận tải giữ vai trò quan trọng trong việc bảo đảm lưu thông hàng hóa. Nếu chúng ta để ách tắc lưu thông hàng hóa thì thiệt thòi lớn nhất là địa phương. Chính phủ chia sẻ với các địa phương, nhưng địa phương phải vất vả chọn lựa các tuyến cho lưu thông hàng hoá, vừa phải bảo đảm phòng, chống dịch. Bộ Giao thông vận tải phải tăng cường thanh tra, kiểm tra, cố gắng hạn chế thấp nhất ách tắc.  

Các doanh nghiệp quan tâm việc nhập cảnh của các chuyên gia. Vấn đề này, nhiều địa phương làm tốt, nhưng một số doanh nghiệp vẫn kêu ca. Tinh thần chúng ta là tạo điều kiện tối đa, vào cách ly theo quy định. Chuyên gia vào sản xuất, kinh doanh rất quan trọng. Mong các bộ ngành Trung ương đổi mới, nhanh gọn việc này. Các địa phương không ban hành các "giấy phép con". Các bộ ngành liên quan phối hợp chặt chẽ để tháo gỡ mọi khó khăn, tạo điều kiện tối đa nhất cho phục hồi sản xuất.