Gia tăng số lượng doanh nghiệp nông nghiệp

Theo Tổng cục Thống kê, trong quý I/2024, cả nước có hơn 36.200 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2023. Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản là một trong số những ngành có số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng so với cùng kỳ năm 2023, đạt 10%. Cũng trong quý I, cả nước có hơn 23.600 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2023 thì nông nghiệp cũng là ngành kinh tế ghi nhận số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước, đạt 341 doanh nghiệp.
0:00 / 0:00
0:00
Sản phẩm nhãn thu hoạch từ các vườn ứng dụng công nghệ của huyện Sông Mã.(Ảnh: QUỐC TUẤN)
Sản phẩm nhãn thu hoạch từ các vườn ứng dụng công nghệ của huyện Sông Mã.(Ảnh: QUỐC TUẤN)

Nông nghiệp là lĩnh vực có số lượng doanh nghiệp chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng số doanh nghiệp cả nước nên sự gia tăng cả về số lượng thành lập mới và quay lại hoạt động trong 3 tháng vừa qua là tín hiệu tốt cho sự khởi sắc hoạt động sản xuất, kinh doanh của toàn ngành.

Doanh nghiệp nông nghiệp đang dần khẳng định vai trò nòng cốt trong chuỗi giá trị của tất cả các ngành hàng nông sản.

Thực tế, quý I/2024, ngành nông nghiệp đã đạt được những thành tựu ấn tượng, với mức xuất siêu toàn ngành đạt 3,36 tỷ USD, tăng đến 96,5% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 13,53 tỷ USD, tăng 21,8%. Có 4 mặt hàng đã đạt giá trị xuất khẩu hơn 1 tỷ USD, là: gỗ, rau quả, gạo và cà-phê.

Doanh nghiệp nông nghiệp đang dần khẳng định vai trò nòng cốt trong chuỗi giá trị của tất cả các ngành hàng nông sản. Nhất là trong điều kiện hiện nay, cùng với việc hưởng lợi về thuế quan nhờ việc Việt Nam tham gia ngày càng sâu rộng vào các hiệp định thương mại tự do thì các mặt hàng nông sản của nước ta cũng phải đối mặt với nhiều biện pháp phi thuế quan là các rào cản kỹ thuật với thương mại (TBT) và các biện pháp kiểm dịch động thực vật (SPS) từ các nước nhập khẩu.

Do đó, nếu không có sự “dẫn dắt” của doanh nghiệp với đầy đủ nguồn nhân lực, tài chính, công nghệ… thì nông sản sản xuất ra khó có thể đáp ứng đúng, đủ yêu cầu về chất lượng sản phẩm của đối tác. Bên cạnh đó, khi ngành nông nghiệp Việt Nam đang trong giai đoạn tích cực triển khai thực hiện sản xuất xanh, giảm phát thải khí nhà kính trong hầu hết các ngành hàng trọng điểm như: lúa gạo, cà-phê, thủy sản... với những đòi hỏi mới về kỹ thuật vận hành, đòi hỏi lớn về nguồn vốn đầu tư... thì lại càng cần đến sự chung sức “gánh vác” của doanh nghiệp.

Chính vì vậy, cần tạo mọi điều kiện thu hút thêm nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; đẩy mạnh tín dụng nông nghiệp; đồng thời có cơ chế khuyến khích thành lập mới thêm nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Ngoài ra, cần triển khai đồng bộ các giải pháp cụ thể, thiết thực nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp nông nghiệp, như: rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa mạnh mẽ thủ tục hành chính và điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp; cắt giảm danh mục hàng hóa, sản phẩm phải kiểm tra chuyên ngành, rút ngắn thời gian kiểm tra, tăng cường quản lý rủi ro, không để xảy ra tình trạng nhũng nhiễu doanh nghiệp trong các khâu cấp phép, kiểm dịch thực vật và động vật; cung cấp dịch vụ công trực tuyến; hỗ trợ đào tạo cho doanh nghiệp; tăng cường đối thoại với doanh nghiệp...