Cả nước hướng về Bắc Giang
Với tinh thần “cả nước vì Bắc Giang” trong những ngày dịch Covid-19 bùng phát tại Bắc Giang, hơn 2.000 cán bộ y tế thuộc nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đã tình nguyện xung phong về tâm dịch, cùng với lực lượng y tế tại chỗ đã tạo lên lá chắn thép tiên phong trên tuyến đầu chống dịch tại Bắc Giang.
Có mặt sớm nhất để chia lửa với đồng nghiệp của Bắc Giang là hơn 200 cán bộ, nhân viên y tế tỉnh Quảng Ninh. Bác sĩ Trương Văn Thế công tác tại Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh đã nhiều lần điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 tham gia đoàn tình nguyện chia sẻ: Với kinh nghiệm đã từng điều trị các ca F0 từ các đợt phòng, chống dịch của Quảng Ninh, chúng tôi tin tưởng với quyết tâm, trách nhiệm và sức trẻ sẽ cùng với các đồng nghiệp trong cả nước tham gia điều trị tốt nhất cho các bệnh nhân Covid-19 tại Bắc Giang.
Trong vòng chưa đầy 24 giờ sau khi nhận được thông báo, 18 cán bộ, nhân viên y tế, kỹ thuật viên có trình độ chuyên môn và kinh nghiệm trong điều trị Covid-19 của bốn bệnh viện hàng đầu của TP Hải Phòng đã lên đường hỗ trợ Bắc Giang chống dịch tại Trung tâm Hồi sức khẩn cấp mới thiết lập. Đoàn còn mang theo cả một máy X-Quang chuyên dụng trên ô-tô cùng kíp kỹ thuật viên có thể xử lý hình ảnh lưu động đối với các ca bệnh nặng ở địa điểm xa trung tâm theo yêu cầu của tỉnh Bắc Giang.
Tỉnh Lào Cai cũng cử 32 bác sĩ chuyên khoa, điều dưỡng viên, nhân viên y tế có chuyên môn vững, giàu kinh nghiệm và có sức khỏe tốt đến hỗ trợ tỉnh Bắc Giang chống dịch. Ở buổi lễ xuất quân lên đường giúp Bắc Giang chống dịch, ai cũng xúc động trước cảnh một cháu bé gái chừng sáu tuổi, cứ ôm chặt lấy người bố dáng cao lớn, tóc húi cua, gương mặt rám nắng. Đó là bác sĩ Hoàng Tùng, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Sản - Nhi Lào Cai. Bác sĩ Tùng tâm sự: “Dù con nhỏ, phải xa nhà, đi vào vùng nguy hiểm, nhưng là bác sĩ chuyên khoa, có chuyên môn, đúng lúc đang cần nên tôi sẵn sàng lên đường đến tâm dịch để hỗ trợ các đồng nghiệp chiến đấu với dịch bệnh, vì cuộc sống bình yên của mình và mọi người”.
Những ngày tham gia đoàn công tác của Sở Y tế Hà Nội tại Bắc Giang, anh Đinh Nguyễn Hải Long, cán bộ Khoa xét nghiệm - chẩn đoán hình ảnh - thăm dò chức năng (CDC Hà Nội) đi lại như con thoi giữa Hà Nội và Bắc Giang. Buổi sáng, anh Long cùng cán bộ y tế trong đoàn và Trung tâm y tế huyện Lạng Giang lấy mẫu xét nghiệm cho người dân, công nhân, đối tượng trong khu cách ly... Đến cuối ngày, anh lại mải miết soát mẫu để đưa về Hà Nội xét nghiệm và hôm sau lại vòng quay như thế. Chàng trai Hà Nội nhớ mãi lần lấy mẫu cho hai anh em mà bố mẹ các em đều là F0 đang phải điều trị ở hai nơi khác nhau. Hai đứa trẻ, một cháu 6 tuổi, một cháu 4 tuổi phải tự trông nhau, nhưng cả hai cháu đều rất nghe lời và hợp tác khi lấy mẫu. “Sống mũi tôi cay xè bởi thương các cháu quá, tôi càng khát khao ngày bình yên sẽ nhanh tới”, Long trải lòng.
Chia sẻ về những ngày làm nhiệm vụ, Thạc sĩ Khúc Thị Hồng Anh, Trưởng Khoa Điều dưỡng, Phó đoàn tình nguyện của Trường cao đẳng Y tế Hà Nội cho biết: “Những ngày đầu đến Bắc Giang, thời tiết nắng nóng buộc đoàn phải làm việc vào buổi chiều tối, đêm khuya. Kết thúc một ngày làm việc, ăn uống xong đã 1 giờ sáng. Tất cả đều mệt nhoài, nhưng không một tiếng kêu ca, phàn nàn, tranh thủ nghỉ ngơi để ngày mai lại bước vào cuộc chiến đấu mới”.
Có mặt ngay từ những ngày đầu dịch bùng phát ở Bắc Giang, đoàn công tác hơn 160 sinh viên Trường đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương cùng hai cán bộ nhà trường đã kiên cường bám trụ làm công tác lấy mẫu xét nghiệm truy vết bệnh nhân gần một tháng. Bình quân mỗi ngày đoàn công tác lấy hơn 10 nghìn mẫu xét nghiệm cho người dân tại các khu vực cách ly, phong tỏa. Làm việc trong thời tiết nắng nóng với áp lực công việc lớn, nhiều em bị ngất, nhưng tinh thần chiến đấu với bệnh dịch của các em chưa một lần nao núng.
Chị Nguyễn Thị Hằng, Phó trưởng đoàn công tác cho biết: Việc chuyển sang lấy mẫu xét nghiệm vào ban đêm đã phần nào hạn chế được tác động khắc nghiệt của thời tiết. Để khắc phục nóng bức, mất nước, ngoài việc uống thêm nước bù chất điện giải, các em sinh viên đã sáng tạo đeo thêm túi đá lạnh trên người, để mỗi khi quá nóng sẽ chườm vào vai gáy giúp giải nhiệt cho cơ thể.
Trong bốn tuần công tác tại Bắc Giang, các bác sĩ, nhân viên y tế các tỉnh, thành phố đã phối hợp các đồng nghiệp của Bắc Giang tập huấn về thực hiện quản lý, giám sát, bảo đảm an toàn, phòng chống lây nhiễm tại khu cách ly tập trung cho cán bộ huyện; tập huấn chuyên môn y tế cho các đội phản ứng nhanh, phòng, chống lây nhiễm trong bệnh viện; tư vấn, hỗ trợ vận hành Bệnh viện Lạng Giang chuyển trạng thái từ bệnh viện đa khoa sang bệnh viện thu dung và điều trị bệnh nhân Covid. Tập huấn kỹ thuật lấy mẫu xét nghiệm, quản lý mẫu, kỹ thuật làm test nhanh và quy trình bảo đảm an toàn sinh học cho cán bộ y tế; điều tra, truy vết, khoanh vùng xử lý ổ dịch liên quan tới trường hợp dương tính...
Ghi nhận sự hỗ trợ của các tỉnh, thành phố với tỉnh Bắc Giang trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thế Tuấn nhấn mạnh, sự hỗ trợ của các đoàn công tác đã góp phần giúp cho tỉnh Bắc Giang có thể ứng phó, kiểm soát được tình hình dịch Covid-19 trong giai đoạn khó khăn nhất. Chúng tôi rất xúc động và cảm nhận được sự chia sẻ sâu sắc, tinh thần trách nhiệm hết mình của các đoàn y tế đã cùng chung tay với Bắc Giang đẩy lùi dịch Covid-19. Các cán bộ y tế đã tỏa sáng tinh thần chiến đấu kiên cường chống lại dịch Covid-19. Nhờ vậy, dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã nhanh chóng được khống chế.
Những tấm lòng thơm thảo
Dịch bệnh hoành hành, nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh bị ngưng trệ, cuộc sống của một bộ phận người dân gặp khó khăn. Với tinh thần “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách”, người dân đã cùng nhau góp sức, giúp đỡ những người yếu thế vượt qua giai đoạn khó khăn. Nhiều tổ chức, cá nhân đã ủng hộ tiền mặt và hàng trăm tấn hàng hóa, thiết bị y tế, nhu yếu phẩm giúp đỡ những người yếu thế, tiếp sức cho các lực lượng tuyến đầu chống dịch.
Đó là gia đình ông Lê Văn Đệ và bà Nguyễn Thị Đào, trú tại thôn Tráng Liệt, xã Thanh Sơn, huyện Thanh Hà. Ông Đệ là thương binh, từng tham gia kháng chiến chống Mỹ và mất 21% sức khỏe. Vợ chồng ông có bốn người con đã trưởng thành, công tác trong và ngoài tỉnh. Hiểu rõ tầm quan trọng của thông điệp 5K và vaccine mới có thể đưa cuộc sống trở lại bình thường, ông Đệ, bà Đào đã động viên con cháu ủng hộ 4,5 tỷ đồng cho Quỹ vaccine phòng Covid-19 của huyện Thanh Hà (Hải Dương).
Hay câu chuyện cụ Vũ Thị Khiếu, 93 tuổi, ở xã Nam Trung, huyện Nam Sách (Hải Dương) dành toàn bộ số tiền tiết kiệm 90 triệu đồng của mình để ủng hộ huyện mua trang, thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch cũng gây xúc động. Cụ Khiếu cho biết, đây là số tiền của họ hàng, con, cháu cụ mừng tuổi vào mỗi dịp Tết; nay cụ tuổi cao, sức yếu, không thể xung phong ra tuyến đầu chống dịch, nên cụ muốn góp một phần công sức cùng với quê hương, đất nước đẩy lùi dịch bệnh.
Có cả những thanh niên, dù tuổi đời còn trẻ nhưng có nghĩa cử rất cao đẹp, vì lợi ích của cộng đồng. Đó là em Nguyễn Phương Thảo Anh ở thôn Đan Nhiễm (xã Khánh Hà, huyện Thường Tín, Hà Nội). Thảo Anh hiện là sinh viên Đại học Kinh tế Quốc dân. Gia đình chuẩn bị mua cho Thảo Anh một chiếc xe máy mới cùng một số vật dụng để em đi học. Song, em đã xin phép bố mẹ ủng hộ số tiền ấy cho những người nghèo gặp khó khăn vì dịch. Giữa tháng 6 vừa qua, em đã đến trụ sở UBND xã Khánh Hà trao tặng 1.500 thùng mì tôm, 75.000 chiếc khẩu trang y tế. Tổng trị giá hàng hóa lên tới 180 triệu đồng.
Thời điểm từ đầu tháng 5/2021, Bệnh viện K cơ sở Tân Triều (Hà Nội) bị phong tỏa vì xuất hiện ca nhiễm Covid-19. Rất nhiều bệnh nhân và người nhà bệnh nhân mắc kẹt ở khu nhà trọ tại tổ dân phố số 14, 15 phường Kiến Hưng (quận Hà Đông). Đa phần là những lao động nghèo, cuộc sống của họ vốn đã khó khăn nay lại càng chật vật hơn.
Hiểu được điều này, chị Đới Mai Chuyên, chủ quán cơm “Gia đình” ở gần bệnh viên đã quyết định nấu cơm miễn phí cho những bệnh nhân, người nhà bệnh nhân ở lại xóm trọ. Ban đầu một mình chị Chuyên tự tay nấu nướng, sau đó người thân, bạn bè và các nhà hảo tâm cùng tham gia, người hỗ trợ tiền, người hỗ trợ gạo, rau, thức ăn, người phụ giúp. Đều đặn mỗi ngày quán làm 400 suất cơm, trị giá khoảng 20.000 đồng/suất, phát cho người trong xóm trọ. Nhiều chủ trọ trong xóm chủ động miễn, giảm tiền trọ hoặc dùng phương thức hỗ trợ “ở trước, trả tiền sau” cho bệnh nhân và người nhà thuê trọ.
Gia đình chị Trịnh Thị Sáu có 12 phòng trọ và thời điểm đó có 4 phòng có người ở lại. Chị Sáu đã giảm giá thuê từ 150.000 đồng/ngày xuống 100.000 đồng/ngày, với những hộ khó khăn hơn thì giảm còn 80.000 đồng/ngày. Hay như gia đình chị Trần Thị Tuyến cũng giảm 300.000 đồng/tháng cho người thuê. Trên cương vị Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ Tổ dân phố số 15, chị Tuyến còn vận động các chị em có nhà trọ cho thuê giảm giá hoặc nếu gia đình nào không đủ điều kiện chi trả thì cho họ ở miễn phí trong thời gian dịch bệnh rồi tính sau... giúp người bệnh vơi đi nỗi nhọc nhằn.
Khi dịch bùng phát, tỉnh Bắc Giang đã “giữ chân” hơn 63 nghìn công nhân thuộc hơn 30 tỉnh, thành phố trong cả nước ở lại các khu phong tỏa, khu cách ly, không để mầm bệnh lan về các địa phương khác. Đồng thời với việc đóng cửa bốn khu công nghiệp trên địa bàn, tỉnh thực hiện cách ly y tế theo tinh thần Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ đối với ba huyện nơi có hơn 100 nghìn công nhân đang thuê trọ. Với quyết tâm không để ai bị bỏ lại phía sau, tỉnh Bắc Giang khẩn trương thành lập Tổ hỗ trợ đời sống công nhân do đồng chí Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy đứng đầu. Tỉnh thành lập 30 "siêu thị 0 đồng" tại các địa bàn tập trung nhiều công nhân thuê trọ. Tổ hỗ trợ đời sống công nhân đã kịp thời huy động lực lượng hơn 5.000 người tham gia vận chuyển, phân phát hàng cứu trợ cho hơn 67 nghìn công nhân ở trọ tại các địa bàn bị cách ly phong tỏa.
Đến ngày 18/6, Bắc Giang đã huy động được hơn 214 tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch. Các doanh nghiệp, đoàn thể, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh đã ủng hộ 1,7 nghìn tấn gạo, 500 tấn rau, củ, hơn nửa triệu quả trứng, gần 1 triệu gói mỳ tôm, gần 100 tấn thịt. Toàn tỉnh động viên gần 1,5 nghìn cán bộ, hội viên phối hợp hơn 11 nghìn giáo viên luân phiên hỗ trợ lực lượng quân đội làm công tác hậu cần, cung cấp suất ăn cho các khu cách ly tập trung; cơ sở thu dung điều trị ban đầu cho bệnh nhân mắc Covid-19.
Các cấp bộ đoàn của tỉnh thành lập 574 đội thanh niên tình nguyện “Phòng tuyến áo xanh”, với sự tham gia của hơn 7,3 nghìn tình nguyện viên tại các địa phương thực hiện các nhiệm vụ phục vụ hậu cần cho lực lượng tuyến đầu chống dịch. Ngay tại tâm dịch, tinh thần sẻ chia, đùm bọc, giúp đỡ nhau trong hoạn nạn bừng sáng. Người dân san sẻ cho nhau từng mớ rau, con cá, lạng thịt. Có nhiều gia đình tổ chức nấu cơm phát miễn phí cho công nhân.
Như chị Thân Thị Hải ở tổ dân phố My Điền 1, thị trấn Nếnh, huyện Việt Yên kêu gọi được hàng chục tấn lương thực, thực phẩm và đồ dùng thiết yếu để giúp đỡ công nhân. Các chị Ngọc Hằng, Đặng Dung, Dương Hiền hằng ngày nấu từ 300 đến 500 suất cơm để phát miễn phí đến những công nhân nghèo… Càng trong gian khó, tinh thần đoàn kết của đồng bào ta càng tỏa sáng, tạo nên “sức mạnh mềm” để toàn dân tộc vững vàng vượt qua khó khăn.
(Còn nữa)