Việt Nam kiên cường thực hiện mục tiêu kép

Bài 1: Thực hiện tốt hai nhiệm vụ cấp bách

NDO -

Từ đầu năm 2021 đến nay, dịch Covid-19 liên tục tấn công nhiều tỉnh, thành phố ở nước ta, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống kinh tế - xã hội. Trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Chính phủ, các địa phương đã huy động toàn bộ hệ thống chính trị, lực lượng vũ trang, các tầng lớp cùng vào cuộc, đoàn kết một lòng, từng bước khống chế, kiểm soát dịch bệnh, kiên cường thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch, vừa duy trì phát triển kinh tế. 

Người dân trong khu vực phong tỏa đi bỏ phiếu trong ngày bầu cử. (Ảnh: Ngô Quang Dũng).
Người dân trong khu vực phong tỏa đi bỏ phiếu trong ngày bầu cử. (Ảnh: Ngô Quang Dũng).

Làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát tại các tỉnh, thành phố phía bắc đúng vào thời điểm chuẩn bị cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.  

Hệ thống chính trị của các địa phương vừa căng sức nhằm khống chế, ngăn ngừa sự lây lan dịch bệnh, vừa tích cực chuẩn bị công tác bầu cử. Nhờ lên kịch bản kỹ càng, nêu cao trách nhiệm người đứng đầu, làm tốt công tác tuyên truyền, cuộc bầu cử diễn ra an toàn, thành công.

Nỗ lực “khóa chặt” nguồn lây

Bài 1: Thực hiện tốt hai nhiệm vụ cấp bách -0
 Chốt kiểm dịch y tế tại xã Việt Hùng, huyện Đông Anh. Ảnh: Đăng Anh.

Theo nhận định của các chuyên gia, với biến thể mới của virus SARS-CoV-2, tính chất, diễn biến của làn sóng dịch Covid-19 lần này nguy hiểm và phức tạp hơn những lần trước. Vì vậy, cùng với nỗ lực của ngành y tế, đòi hỏi các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể tại các địa phương phải chủ động, quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch kịp thời, hiệu quả, phù hợp với diễn biến dịch bệnh.

Tại Hà Nội, tinh thần chỉ đạo, quyết tâm chính trị của Thành ủy Hà Nội về “mục tiêu kép” được các cấp ủy Đảng, đặc biệt là cấp ủy của 30 quận, huyện, thị xã nhận thức sâu sắc, nghiêm túc triển khai, tổ chức thực hiện. Đến thời điểm này, phòng, chống dịch Covid-19 là ưu tiên số một, nhưng phát triển kinh tế - xã hội vẫn đang được duy trì tốt.

Cuối tháng 4, khi làn sóng dịch Covid-19 tấn công Hà Nội, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng yêu cầu cán bộ chủ chốt, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong thời gian này không rời khỏi địa bàn, duy trì trực và liên lạc 24/24 giờ để tập trung phòng, chống dịch.

Tinh thần ấy đã được lan tỏa từ thành phố đến cơ sở. Trong khó khăn, nhiều cấp ủy, chính quyền đã có những cách làm sáng tạo, hiệu quả cao, như mô hình cách ly “ba lớp” của huyện Đông Anh đã được Thủ tướng khen thưởng và nhân rộng. Theo Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Lỗ Giao (xã Việt Hùng, huyện Đông Anh) Nguyễn Hữu Phan, là địa bàn bị phong tỏa, nhưng mọi hoạt động sản xuất của địa phương không bị gián đoạn.

Bằng kinh nghiệm của công tác chống dịch những đợt trước và nỗ lực vượt bậc của cả hệ thống chính trị, nhất là của các lực lượng tuyến đầu như bác sĩ, nhân viên y tế, công an, quân đội, hàng nghìn tổ Covid-19 cộng đồng, sự chung sức, chung lòng của nhân dân trong phòng, chống dịch, tình hình dịch trên địa bàn thành phố được kiểm soát. Đến nay,16 chùm ca bệnh trên địa bàn Hà Nội đã được khống chế và kiểm soát. 97 điểm phong tỏa trong tổng số 106 điểm phong toả đã được gỡ bỏ.

Trong đợt dịch thứ ba, Hải Dương là tâm dịch của toàn quốc với 726 người mắc Covid-19. Vừa thoát khỏi đợt dịch thứ ba được một tháng, Hải Dương lại “chiến đấu” với đợt dịch thứ tư. Cuối tháng 4, đầu tháng 5-2021, khi bắt đầu xuất hiện một số ca nhiểm Covid-19 ở hai tỉnh giáp ranh Bắc Ninh, Bắc Giang, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương đã kích hoạt hệ thống làm công tác chống dịch ở mức cảnh báo cao nhất và đặt Hải Dương vào tình trạng khẩn cấp đối với nguy cơ dịch bệnh.

Tỉnh yêu cầu tất cả tất cả công dân ở địa phương khác về tỉnh phải thực hiện khai báo y tế nghiêm túc, các trường hợp từ vùng dịch thì phải cách ly y tế theo quy định. Kịp thời phát hiện, áp dụng ngay các biện pháp cách ly, lấy mẫu xét nghiệm với những trường hợp F1, F2. Cách ly tập trung đủ 21 ngày đối với những trường hợp F1 và chỉ giải phóng trường hợp F2 khi F1 thật sự an toàn. Từ ngày 13 đến ngày 22/6, TP Hải Dương đã triển khai và cơ bản hoàn thành việc ký cam kết phòng, chống dịch Covd-19 với gần 92 nghìn  hộ dân ở 25 xã, phường trên địa bàn.

Với quyết tâm giữ địa bàn an toàn, tỉnh Quảng Ninh luôn xác định nhiệm vụ phòng dịch phải được ưu tiên hàng đầu. Tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương chủ động từ xa, từ sớm, từ cơ sở trong công tác phòng, chống dịch. Cùng với đó kiên trì thực hiện chiến lược: Ngăn chặn, phát hiện, truy vết, cách ly, khoanh vùng, dập dịch, nhanh chóng ổn định tình hình; thực hiện triệt để phương châm “3 trước, 4 tại chỗ”, phòng hơn chống, lấy người dân làm trung tâm, là chủ thể trong phòng, chống dịch.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký cho biết, tỉnh chủ động dừng các cuộc họp không cần thiết, dành thời gian tối đa để xuống cơ sở phòng, chống dịch, giữ địa bàn an toàn, ổn định phát triển và chuẩn bị cho cuộc bầu cử. Trước yêu cầu đòi hỏi “mục tiêu kép” trong trạng thái bình thường mới, để chăm lo bảo vệ sức khỏe nhân dân, đáp ứng yêu cầu của người dân và doanh nghiệp. Nếu nơi nào để xảy ra dịch, khẩn trương điều tra làm rõ nguyên nhân, căn cứ hậu quả xảy ra, xem xét thực hiện ngay việc đình chỉ công tác để kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, xử lý theo quy định với tinh thần khách quan, công bằng, nghiêm minh.

Đến nay Quảng Ninh đã kiểm soát hoàn toàn các trường hợp có yếu tố dịch tế liên quan đến các ổ dịch. Ngoài một ca F0 tại TP Hạ Long liên quan đến Bệnh viện K cơ sở Tân Triều đã được khóa chặt, Quảng Ninh chưa ghi nhận ca mắc mới và vẫn là địa bàn an toàn, tiếp tục củng cố thêm niềm tin trong nhân dân.

Hạ nhiệt các điểm nóng

Bài 1: Thực hiện tốt hai nhiệm vụ cấp bách -0
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng kiếm tra công tác bầu cử và công tác phòng chống dịch Covid-19 tại điểm bỏ phiếu xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội. Ảnh: Đăng Anh. 

Làn sóng thứ tư của dịch Covid-19 tấn công trực diện vào các khu công nghiệp lớn của các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, nơi có hơn hàng trăm nghìn công nhân tập trung lao động. Có thời điểm, sản xuất hai địa bàn này rơi vào tình trạng “đóng băng”, cuộc sống người dân ngưng trệ, giao thương đình đốn...

Vượt qua những thời điểm bối rối ban đầu, các cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương đã kiên cường, bản lĩnh lãnh đạo, chỉ đạo công tác dập dịch khẩn trương, nhanh chóng, tạo điểm tựa vững chắc cho người dân trong cuộc chiến chống SARS-CoV-2.

Trong tháng 5 diễn biến dịch Covid 19 tại Bắc Giang rất phức tạp, mỗi ngày có tới hàng trăm ca F0 được phát hiện. Từ một điểm dịch tại công ty TNHH Shin Young khu công nghiệp Vân Trung (huyện Việt Yên) dịch đã bùng phát sang khu công nghiệp Quang Châu gần đó, tạo ra ổ dịch tại Công ty TNHH Hosiden Việt Nam. Đến ngày 20-6, Bắc Giang đã có 5.406 trường hợp F0, 26.657 trường hợp F1; 97.257 trường hợp F2. Trước diễn biến trên, các cấp đảng, chính quyền tập trung cao điểm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch với tinh thần quyết liệt, thần tốc; huy động sự vào cuộc mạnh mẽ của hệ thống chính trị và toàn dân để nhanh chóng kiểm soát tình hình, đẩy lùi dịch bệnh.

Ngay từ những ngày đầu phát hiện ổ dịch tại Bắc Giang, Chính phủ đã có những chỉ đạo sâu sát, kịp thời huy động các bộ, ngành vào cuộc giúp tỉnh dập dịch. Bộ Y tế cử đoàn công tác chuyên trách do Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn dẫn đầu, cắm chốt tại Bắc Giang chỉ đạo công tác phòng, chống dịch; huy động hơn hai nghìn bác sĩ, cán bộ y tế ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước về tăng cường cho Bắc Giang.

Bộ Quốc phòng, Bộ Công an cũng tăng cường hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ về tâm dịch Bắc Giang phối hợp khống chế dịch. Công tác xét nghiệm, truy vết, khoang vùng cách ly y tế, thu dung điều trị bệnh nhân Covid được triển khai quyết liệt.

Đến ngày 16/6, tỉnh Bắc Giang thực hiện cách ly y tế 129 thôn, tổ dân phố; giãn cách xã hội 35 xã, phường, thị trấn, 46 thôn, tổ dân phố; cách ly xã hội ba huyện; giãn cách xã hội năm huyện, tổ chức và vận hành 270 khu cách ly tập trung với tổng số người 15.170 người. Từ đây tình hình dịch bệnh được kiểm soát. Đến ngày 25/6, tỉnh đã thẩm định và chấp thuận cho 183 doanh nghiệp với gần 30 nghìn lao động đủ điều kiện sản xuất an toàn được phép hoạt động trở lại.

Ngày 5/5, tỉnh Bắc Ninh ghi nhận những ca mắc Covid-19 đầu tiên, tất cả các ca bệnh đều liên quan đến ổ dịch Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư cơ sở 2. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn cho biết, ngay trong đêm 5/5, Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 của tỉnh đã tổ chức họp khẩn để kịp thời chỉ đạo truy vết, khoanh vùng, phong tỏa và kích hoạt các khu cách ly tập trung đã được thành lập từ các đợt dịch lần trước. Thực hiện phương châm khoanh vùng rộng, phong tỏa hẹp, tỉnh đã kịp thời ra các quyết định cách ly y tế đối với các địa bàn có dịch để chặn nguồn lây lan, bảo đảm an toàn cuộc sống của người dân. Lãnh đạo tỉnh trực tiếp xuống tâm dịch để nắm bắt tình hình.

Trong hơn một tháng ròng rã chống dịch, cả bộ máy chính trị đã vào cuộc rất quyết liệt, khẩn trương. Nhiều cuộc họp kéo dài tới hai đến ba giờ sáng. Chỉ tính trong 10 ngày sau khi xuất hiện dịch, tỉnh Bắc Ninh đã ban hành hơn một trăm văn bản chỉ đạo, điều hành công tác chống dịch. Tỉnh chỉ đạo thực hiện công tác sàng lọc, lấy mẫu xét nghiệm truy vết tại doanh nghiệp trong các khu công nghiệp một cách quyết liệt, triệt để đối với từng trường hợp nghi nhiễm, ở từng doanh nghiệp. Nhờ đó, đến ngày 24/6, tình hình đã được kiểm soát, tỉnh đã cho phép tất cả các doanh nghiệp trên địa bàn được hoạt động trở lại, trừ những doanh nghiệp có ca F0 và không đáp ứng được yêu cầu phòng, chống dịch.

Tổ chức thành công cuộc bầu cử

Bài 1: Thực hiện tốt hai nhiệm vụ cấp bách -0
 Phun hóa chất khử khuẩn, tiêu độc tại Hà Nội. Ảnh: Đăng Anh.

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra trong bối cảnh đặc biệt, khi nước ta đối mặt làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư. Việc vừa lo kiểm soát các ổ dịch, ngăn chặn không cho dịch lây lan trong cộng đồng, vừa tiến hành công tác bầu cử là nhiệm vụ nặng nề đặt ra đối với hệ thống chính trị. Nhưng với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của người dân, công tác bầu cử tại các địa bàn xảy ra dịch Covid-19 được thực hiện nghiêm túc, kịp thời, đúng quy trình, tiến độ. Các khu vực cách ly, thực hiện giãn cách đều có kịch bản ứng phó, bảo đảm việc bầu cử được tiến hành đạt kết quả cao.

Tại Hà Nội, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng quán triệt tinh thần chỉ đạo đối với cả hệ thống chính trị thành phố: “Trong mọi tình huống, phải bảo đảm an toàn cho từng khu vực, từng điểm bỏ phiếu và tổ chức thành công cuộc bầu cử. Các khu cách ly cũng phải có đầy đủ phương án tổ chức tốt bầu cử, bảo đảm quyền lợi của cử tri”.

Ngành y tế Hà Nội đã phối hợp các sở, ban, ngành và 30 quận, huyện, thị xã và từng xã, phường, thị trấn xây dựng phương án phòng, chống dịch Covid-19 cho từng khu vực, từng điểm bỏ phiếu. Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội tổ chức các cuộc tiếp xúc cử tri để những người ứng cử vận động bầu cử theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, được cử tri ghi nhận và đánh giá cao.

Tại đơn vị bầu cử số 1, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV thành phố Hà Nội đã tiếp xúc cử tri theo hình thức trực tuyến từ quận Ba Đình tới hơn 50 điểm cầu của các quận Đống Đa, Hai Bà Trưng và 53 phường của ba quận, thu hút sự tham gia của 2.420 cử tri.

Cử tri Nguyễn Thị Hiền, phường Láng Hạ, quận Đống Đa nhận xét, việc tiếp xúc với cử tri qua trực tuyến là hình thức mới mẻ, nhưng hiệu quả và phù hợp tình hình thực tế. Cử tri vẫn được nghe, được xem tường tận về chương trình hành động của các ứng cử viên; được phát biểu, bày tỏ quan điểm của mình với ứng cử viên như khi được tiếp xúc trực tiếp, mà vẫn bảo đảm công tác phòng dịch.

Bài 1: Thực hiện tốt hai nhiệm vụ cấp bách -0
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kiểm tra công tác phòng chống dịch tại tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Quang Thọ. 

Do làm tốt công tác tuyên truyền, tổ chức, mặc dù đến ngày bầu cử, Hà Nội còn gần 50 điểm bị phong tỏa, nhưng tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu đạt 99,16%. Công tác bầu cử tại khu vực cách ly y tế do dịch được triển khai nghiêm túc, bảo đảm quyền công dân trong mọi hoàn cảnh. Đơn cử như tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2 (xã Kim Chung, huyện Đông Anh), 705 cử tri là nhân viên y tế, bệnh nhân đang phải cách ly y tế ở đây đã tham gia bỏ phiếu đầy đủ, trách nhiệm.

Các khu vực bỏ phiếu trong điều kiện cách ly tại các xã Tô Hiệu, Hiền Giang, Dũng Tiến (huyện Thường Tín), xã Kim Sơn (huyện Gia Lâm), xã Hiệp Thuận (huyện Phúc Thọ)… diễn ra theo đúng kế hoạch trong điều kiện phòng dịch cao độ. Ngay tại một số địa bàn phát hiện trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 ngay trước giờ khai mạc bầu cử, công tác bầu cử vẫn được bảo đảm, như trường hợp ở tòa chung cư Park 9 và Park 11 khu đô thị Vinhomes Times City, phường Mai Động (quận Hoàng Mai).

Tại tỉnh Bắc Giang, đến trước ngày bầu cử danh sách cử tri tăng thêm hơn 12,6 nghìn cử tri, trong đó, có hơn 1,3 nghìn cán bộ lực lượng vũ trang, nhân viên y tế; hơn 11 nghìn lao động tại huyện Việt Yên, Yên Dũng.

Số lượng cử tri thuộc diện F1 được cách ly y tế tập trung là hơn 10,6 nghìn; cử tri thuộc diện F2 cách ly tại hộ gia đình là hơn 47 nghìn trường hợp. Uỷ ban Bầu cử của tỉnh đã in bổ sung 160 nghìn phiếu bầu cử. UBBC cấp huyện, xã đã chủ động rà soát, thay thế các thành viên tổ bầu cử do đi cách ly y tế tập trung hoặc cách ly tại nhà; bổ sung thêm thành viên; thành lập tổ giúp việc, tổ y tế.

Các đơn vị chủ động bổ sung thêm 2.333 hòm phiếu lưu động để đi vào khu cách ly, hộ gia đình cách ly, bổ sung thiết bị, vật tư y tế phục vụ công tác phòng dịch cho các tổ bầu cử. Do làm tốt công tác chuẩn bị bầu cử với cách làm sáng tạo là đưa hòm phiếu đến từng nhà, từng phòng trong trong khu phong tỏa, cách ly y tế để mọi công dân đều có quyền thực hiện quyền bỏ phiếu, tỉnh Bắc Giang đã hoàn thành công tác bầu cử với gần 99% số cử tri đi bỏ phiếu.

Theo Ủy ban Bầu cử tỉnh Bắc Ninh, tỉnh có 833.859 cử tri đi bầu cử, đạt tỷ lệ 99,07%. Các khu vực bỏ phiếu đã thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Đào Hồng Lan nhận định, cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, kịch bản trên mọi phương diện đã được điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế. Tỉnh đã chủ động, linh hoạt các phương án bảo đảm cuộc bầu cử diễn ra thành công và đúng luật. Trong đó, đã tổ chức tiếp xúc cử tri vận động bầu cử theo hình thức trực tuyến, in và cấp phát tiểu sử các ứng cử viên đến từng hộ gia đình, đồng thời đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức xét nghiệm Covid-19 cho toàn bộ ứng cử viên và lực lượng làm nhiệm vụ bầu cử… Xã Mão Điền (huyện Thuận Thành) tổ chức bầu cử trong điều kiện đang bị cách ly, phong tỏa với bộn bề khó khăn. Nhưng với sự nỗ lực, quyết tâm chống dịch của cả hệ thống chính trị, cùng với sự chuẩn bị các kịch bản một cách kỹ lưỡng, chu đáo của ủy ban bầu cử các cấp, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp diễn ra tốt đẹp, an toàn.

Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Uỷ ban bầu cử Vũ Văn Mạnh cho biết, xã có 9.697 cử tri, chia làm tám khu vực bỏ phiếu tại tám thôn. Để bảo đảm an toàn trong phòng, chống dịch, các thành viên của các Tổ bầu cử gọi điện thoại cho từng hộ dân lần lượt đến bỏ phiếu. Đối với trường hợp F1 chưa kịp đưa đi cách ly tập trung, các thành viên trong tổ bầu cử đã mang hòm phiếu phụ đến từng hộ gia đình để các cử tri thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân. Đối với hơn 1.000 cử tri là đối tượng F2, xã vận động các cử tri đi bầu cử và tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch.

Đánh giá về kết quả cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, đồng chí Bùi Văn Cường, Ủy viên T.Ư Đảng, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia (HĐBCQG) nhấn mạnh: diễn ra trong bối cảnh đặc biệt, tuy nhiên, cuộc bầu cử đã thành công rất tốt đẹp, được bảo đảm an toàn về mọi mặt, tỷ lệ cử tri đi bầu cử cao (đạt hơn 99%). Có được kết quả quan trọng này là nhờ công tác chuẩn bị chu đáo, tổ chức triển khai bầu cử phù hợp với tình hình thực tiễn và đặc biệt là nhờ sự chung sức, đồng lòng của toàn thể nhân dân.

(Còn nữa)