Lo ngại nguy cơ căng thẳng nguồn cung, giá dầu thô tăng mạnh
Giá dầu thô quay trở lại xu hướng tăng trong phiên giao dịch ngày 21/11, sau khi trải qua nhịp điều chỉnh kéo dài trong hai phiên trước đó. Với việc tình hình chiến sự tại Ukraine có dấu hiệu leo thang nguy hiểm, lực mua đã chiếm ưu thế áp đảo đối với mặt hàng này trong phần lớn thời gian của phiên hôm qua và giúp giá quay trở lại ngưỡng 70 USD/thùng.
Cụ thể, giá dầu thô WTI tăng gần 2% lên mức 70,1 USD/thùng. Giá dầu thô Brent cũng tăng gần 2% lên hơn 74 USD/thùng.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Nga đã phóng một tên lửa đạn đạo tầm trung siêu thanh vào một cơ sở quân sự của Ukraine vào ngày hôm qua. Đây được xem như một lời cảnh báo đối với Kiev và phương Tây, sau khi Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa của Mỹ và Anh để tấn công các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Nga, bất chấp những cảnh báo của Moscow rằng đây là hành động leo thang nguy hiểm.
Ông Putin cáo buộc phương Tây đang leo thang xung đột ở Ukraine bằng cách cho phép Kiev tấn công Nga bằng tên lửa tầm xa, khiến cuộc chiến trở thành một cuộc xung đột toàn cầu. Tổng thống Nga cũng cảnh báo rằng nước này có thể tấn công các cơ sở quân sự của bất kỳ quốc gia nào cung cấp vũ khí cho Ukraine để chống lại nước này. Động thái tấn công lẫn nhau bằng tên lửa tầm xa giữa Nga và Ukraine đã đẩy cuộc chiến leo thang lên mức độ nguy hiểm mới, đe dọa làm gián đoạn dòng chảy dầu thô từ nhà xuất khẩu lớn thứ 2 thế giới và hỗ trợ giá dầu.
Bên cạnh đó, thị trường cũng đang dành sự quan tâm tới cuộc họp chính sách tháng 12 của OPEC+. Các nhà phân tích đánh giá, OPEC+ sẽ gặp nhiều khó khăn trong cuộc họp vào đầu tháng sau, khi phải lựa chọn giữa việc tăng sản lượng trong bối cảnh nhu cầu yếu, hoặc tiếp tục duy trì mức hạn ngạch sản lượng bất chấp nhiều thành viên muốn sản xuất dầu nhiều hơn. Sự chậm lại trong tăng trưởng nhu cầu dầu thế giới - dẫn đầu bởi Trung Quốc - sẽ gây ra nguy cơ khiến giá suy yếu nếu OPEC+ nới lỏng chính sách sản lượng. Tuy nhiên, một số quốc gia thành viên như Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất đã bày tỏ sự bất mãn khi phải cắt giảm sản lượng trong thời gian dài, ảnh hưởng đến việc cân đối ngân sách.
Giá cà-phê tăng nhờ lo ngại nguồn cung
Theo MXV, mặc dù sắc đỏ chiếm ưu thế trên bảng giá các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp, hai mặt hàng cà-phê vẫn ghi nhận diễn biến tích cực khi mở cửa với mức gapup, phản ánh những lo ngại về nguồn cung tại các thị trường xuất khẩu chính.
Sau giai đoạn tăng mạnh, lực bán đã nhanh chóng quay trở lại thị trường, khiến giá cà-phê Robusta kết phiên giảm nhẹ 0,23% xuống gần 4.800 USD/tấn, trong khi cà-phê Arabica vẫn duy trì được mức tăng hơn 1% lên hơn 6.500 USD/tấn so với mức tham chiếu.
Tại Việt Nam, theo chia sẻ với Reuters, một thương nhân cho biết nguồn cung vẫn ở mức thấp trong khi nhu cầu đang tăng lên. Đáng chú ý, không như những vụ trước khi nông dân thường bán sớm để trang trải chi phí sản xuất, năm nay họ không vội đẩy mạnh bán cà-phê nhờ tài chính ổn định hơn từ việc bán sầu riêng và tiêu trước đó.
Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) tại Brazil đã hạ dự báo tổng sản lượng cà-phê niên vụ 2024-2025 xuống còn 66,4 triệu bao, giảm 3,5 triệu bao so với báo cáo từ USDA trụ sở tại Mỹ, nhưng vẫn tăng nhẹ 0,2% so với niên vụ 2023-2024. Theo đó, sản lượng giảm kéo theo xuất khẩu dự kiến chỉ đạt hơn 44 triệu bao, giảm 5% so với dự đoán trước và thấp hơn 2,5 triệu bao so với niên vụ trước.
Ngoài ra, USDA tại Brazil cũng điều chỉnh giảm mạnh dự báo tồn kho cà-phê. Cụ thể, tồn kho cuối niên vụ 2023-2024 bị cắt từ 2,88 triệu bao xuống còn 1,68 triệu bao, trong khi tồn kho cuối niên vụ 2024-2025 được dự báo chỉ còn 1,24 triệu bao, giảm 65% so với báo cáo trước. Nguyên nhân chính đến từ việc lượng xuất khẩu giảm nhẹ hơn mức giảm của sản lượng trong khi tiêu thụ gần như không đổi.
Tại thị trường nội địa, giá cà-phê tại Tây Nguyên và Đông Nam Bộ trong sáng nay (22/11) ghi nhận ở mức 114.400-115.100 đồng/kg, giảm nhẹ 100 đồng/kg so với ngày hôm qua. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm ngoái khi giá chỉ dao động trong khoảng 57.100-57.800 đồng/kg, giá cà-phê hiện đã tăng gần gấp đôi.
Ở một diễn biến khác, thị trường đường tiếp tục đối mặt với áp lực giảm giá khi mặt hàng đường số 11 đánh mất hơn 1% trong phiên hôm qua, phiên giảm thứ ba liên tiếp trong tuần này. Diễn biến này phản ánh phản ứng của thị trường trước thông tin nguồn cung được cải thiện từ báo cáo mới nhất của Tổ chức Đường thế giới (ISO).
Theo đó, ISO đã cắt giảm dự báo thâm hụt đường toàn cầu niên vụ 2024 - 2025 xuống còn 2,51 triệu tấn, giảm khoảng 1 triệu tấn so với dự đoán trước đó. Đồng thời, tổ chức này cũng điều chỉnh ước tính cán cân cung-cầu đường toàn cầu niên vụ 2023-2024 từ thâm hụt 200.000 tấn sang thặng dư 1,31 triệu tấn. ISO giải thích sự thay đổi này chủ yếu do tiêu thụ giảm, với mức tiêu thụ toàn cầu niên vụ 2023-2024 được điều chỉnh từ 181,5 triệu tấn xuống còn hơn 180 triệu tấn.