Vừa qua, gia đình anh Hoàng Văn Trọng, chị Lục Thị Thu, ở xóm Bó Chia, xã Quang Long, huyện Hạ Lang vinh dự được nhận giấy khen của Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam vì có thành tích 20 năm sử dụng nguồn vốn tín dụng ưu đãi đúng mục đích, có hiệu quả. Cùng ngồi uống nước trong căn nhà cấp 4 khang trang, có đầy đủ ti-vi, tủ lạnh, xe máy… anh Hoàng Văn Trọng phấn khởi nói: "Nếu không có nguồn vốn tín dụng chính sách, gia đình tôi không có cuộc sống như ngày hôm nay". Từ lúc vay 7 triệu đồng vào năm 2003 để đầu tư mua trâu, bò vỗ béo, rồi quay vòng đồng vốn, tiếp tục tích lũy, đến năm 2019, anh Trọng vay thêm 25 triệu đồng theo chương trình cho vay nhà ở, hoàn thiện xây dựng căn nhà cấp 4 khang trang. Bên cạnh đó, gia đình anh còn vay 65 triệu đồng theo chương trình cho vay hộ cận nghèo đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại, nuôi năm con trâu sinh sản và 10 con lợn.
Ðến thăm mô hình làm kinh tế giỏi tại xóm Kỳ Lạc, xã Quang Long, chúng tôi khá bất ngờ khi thấy, cạnh gầm sàn nhà có một chiếc ô-tô giá trị đang đỗ ngay ngắn. Chủ nhà là cựu chiến binh, nông dân làm kinh tế giỏi Nông Ðức Hạnh, chỉ vào chiếc ô-tô cho biết, mua chiếc xe với giá hơn 700 triệu đồng từ tiền lãi bán quýt và thanh long. Hiện tại, ông Hạnh đang sở hữu khu vườn cây ăn quả có 600 cây quýt và 100 gốc thanh long. Thu nhập của gia đình từ bán trái cây khoảng 150 triệu đồng/năm. Ðiều đáng nói là đầu những năm 2000, gia đình ông Hạnh là hộ nghèo, sau khi tiếp thu chính sách và quyết tâm thoát nghèo ông đã vay tín dụng ưu đãi mua trâu, bò vỗ béo, nuôi dê. Tích lũy dần dần rồi gia đình ông chuyển sang phát triển mô hình trồng cây ăn quả đem lại hiệu quả kinh tế bền vững. Quá trình phát triển kinh tế gia đình, thoát nghèo, trở nên khá giả của gia đình ông Hạnh "gắn chặt" với nguồn vốn tín dụng ưu đãi. Hiện gia đình ông vẫn đang vay 78 triệu đồng theo chương trình cho vay giải quyết việc làm; đồng thời thụ hưởng nhiều chính sách cho vay tín dụng ưu đãi khác như: Cho vay hộ nghèo, cho vay học sinh, sinh viên để ông chu cấp cho hai con đi học cao đẳng. Ðánh giá cao tính ưu việt của tín dụng ưu đãi, ông Hạnh chia sẻ thêm, nếu không có chương trình cho vay học sinh, sinh viên, thời điểm đó, gia đình ông không đủ khả năng chu cấp cho hai con đi học. Hiện, một đứa con của ông đã ra trường và công tác ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Cao Bằng.
Bí thư Huyện ủy Hạ Lang Vũ Khắc Quang khẳng định, tín dụng chính sách xã hội là điểm tựa và động lực giúp kinh tế-xã hội ở huyện nghèo Hạ Lang khởi sắc. Nhất là ở những khu vực biên giới, vùng khó khăn tại địa phương, nguồn lực đầu tư phát triển sản xuất hạn hẹp, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã như "bà đỡ", giúp người dân có vốn đầu tư và phát triển.
Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Hạ Lang Ðàm Thị Thu chia sẻ, đơn vị phát huy sức mạnh tổng hợp trong thực hiện tín dụng chính sách xã hội không vì lợi nhuận, linh hoạt và sáng tạo phải đưa nguồn vốn đến đúng đối tượng. Thí dụ, xã biên giới Thị Hoa, huyện Hạ Lang, sau khi đạt chuẩn nông thôn mới, nguồn vốn cho vay hộ nghèo và cận nghèo trên địa bàn giảm, Phòng Giao dịch đã linh hoạt phân bổ, tăng nguồn vốn giải quyết việc làm, giúp đồng bào khu vực biên giới ổn định vốn vay ưu đãi, từ đó, đầu tư sinh lời, phát triển sản xuất…
Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam tỉnh Cao Bằng Nguyễn Thị Phương cho biết, đến nay, tổng dư nợ 19 chương trình cho vay là gần 3.230 tỷ đồng, đúng đối tượng và người cần thụ hưởng, trong đó, nợ xấu bằng 0,1% tổng dư nợ. Hàng nghìn hộ dân đã thoát nghèo, trở nên khá giả là minh chứng rõ rệt cho hiệu quả của các chương trình chính sách tín dụng ưu đãi. Thời gian tới, Chi nhánh sẽ tăng cường phối hợp các đoàn thể và tổ chức xã hội triển khai các biện pháp sử dụng nguồn vốn tín dụng ưu đãi đúng mục đích và hiệu quả ■
Bài và ảnh: MINH TUẤN