Tìm kiếm nguồn nguyên liệu cho làng nghề

Nguyên liệu đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển bền vững của các làng nghề. Tuy nhiên hiện nay nguồn nguyên liệu tự nhiên đang bị suy giảm, khiến các làng nghề trên địa bàn Hà Nội đối mặt với những thách thức.
Hoạt động sản xuất tại làng nghề mây, tre đan Phú Vinh, huyện Chương Mỹ.
Hoạt động sản xuất tại làng nghề mây, tre đan Phú Vinh, huyện Chương Mỹ.

Hà Nội có 1.350 làng có nghề, trong đó, riêng doanh thu của 327 làng nghề, làng nghề truyền thống được thành phố công nhận năm 2023 ước đạt hơn 24.000 tỷ đồng. Các làng nghề tạo nhiều giá trị lớn về kinh tế, văn hóa và xã hội. Tuy nhiên, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội Vương Đình Thanh cho biết, tình trạng thiếu hụt nguyên liệu diễn ra trên diện rộng trong những năm gần đây đã tác động tiêu cực đến các làng nghề. Nhu cầu sản xuất, chế biến sản phẩm tăng cao, trong khi các vùng nguyên liệu ngày càng bị thu hẹp.

Theo số liệu khảo sát mới nhất của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội (Sở Công thương Hà Nội), trung bình một năm các làng nghề mây tre đan Hà Nội tiêu thụ khoảng 6.800 tấn nguyên liệu các loại mây, tre, luồng, nứa, vầu, bèo, cỏ tế, chít... Các làng nghề gốm sứ tiêu thụ khoảng 620.000 tấn nguyên liệu, chủ yếu là đất sét và cao lanh. Các làng nghề sơn mài tiêu thụ khoảng 4.000 tấn nguyên liệu các loại. Làng nghề gỗ khoảng hơn 1.000.000 m³

gỗ… Nghệ nhân Nguyễn Văn Trung, làng nghề mây, tre đan Phú Vinh (xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ) cho biết, hiện nguyên liệu mây, tre, lá cỏ ở địa bàn Hà Nội chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu nguyên liệu của thị trường. Ngành mây, tre xuất khẩu hiện nay phải hoạt động cầm chừng, nhiều cơ sở thiếu nguyên liệu sản xuất vì không chủ động được nguyên liệu đầu vào.

Với nguyên liệu gỗ, đây là nhóm phải nhập khẩu nhiều nhất do thiếu trầm trọng nguồn nguyên liệu trong nước. Nguồn gỗ nhập khẩu thì không ổn định, hoặc có chi phí vận chuyển quá cao làm cho giá thành nguyên liệu tăng, giảm sức cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam. Tổng Thư ký Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam Lê Bá Ngọc phân tích, nguồn nguyên liệu ngày càng khan hiếm và giá nguyên liệu tăng nhanh trong khi giá xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ lại khó tăng. Thí dụ trong ngành gốm sứ, giá đất sét tăng 90% trong 5 năm gần đây, giá cao lanh cũng tăng 75%... Do giá nguyên liệu tăng cao, nhưng giá bán tăng ít, cho nên lợi nhuận của các doanh nghiệp gốm sứ ngày càng giảm.

Nguyên nhân của tình trạng này là do các vùng nguyên liệu nuôi trồng tập trung thiếu quy hoạch, bị thu hẹp do phải cạnh tranh với các loại cây trồng khác và chịu áp lực về đất đai của quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa. Nhiều năm gần đây, một số tỉnh, thành phố đã và đang tiến hành lập quy hoạch vùng nguyên liệu. Tuy nhiên, các quy hoạch chỉ tiến hành cho từng tỉnh, từng địa phương, mà chưa gắn kết quy mô vùng nhằm tận dụng tối đa lợi thế vùng miền trên cả nước. Hầu hết các làng nghề đều thiếu nguyên liệu tại chỗ, phải thu mua từ nơi khác hoặc nhập khẩu, khiến giá thành sản phẩm tăng, sức cạnh tranh giảm, gây khó khăn cho doanh nghiệp và người sản xuất.

Theo Kế hoạch hành động thực hiện chiến lược xuất, nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030, thành phố Hà Nội đặt mục tiêu có từ sáu đến mười nhóm hàng thủ công mỹ nghệ của các làng nghề Hà Nội được xuất khẩu trực tiếp sang các thị trường nước ngoài; đồng thời, nâng tỷ trọng xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ chiếm 3-5% trong tỷ trọng xuất khẩu của thành phố. Để ngành thủ công mỹ nghệ phát triển bền vững và đạt mục tiêu này thì bên cạnh công tác phát triển sản phẩm, xúc tiến thương mại…, việc phát triển vùng nguyên liệu bền vững là vấn đề mang tính quyết định.

Để khắc phục tình trạng thiếu nguồn nguyên liệu, các chuyên gia cho rằng, các cấp, ngành chức năng cần hoàn thiện các chính sách về đất đai, vùng nguyên liệu như khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân trong việc cho thuê đất, tích tụ đất đai để phát triển vùng nguyên liệu tập trung phục vụ sản xuất. Bên cạnh đó, định hướng phát triển vùng nguyên liệu, đầu tư phát triển các vùng nguyên liệu tập trung, ổn định để cung cấp nguyên liệu cho các làng nghề; hỗ trợ phát triển nguồn nguyên liệu có chứng chỉ bền vững, phù hợp với chuẩn quốc tế và nguồn nguyên liệu thích ứng, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Công tác kết nối, hợp tác cung cấp nguyên liệu đầu vào cho các làng nghề, tạo chuỗi liên kết phát triển và tiêu thụ sản phẩm... cũng cần được chú trọng hơn. Ngoài ra, cũng có thể phối hợp với các nước bạn để phát triển vùng nguyên liệu. Chuyên gia thủ công mỹ nghệ Vũ Huy Thiều cho rằng, hiện Lào có quỹ đất lớn, tập trung, rất thuận tiện cho việc sản xuất nông nghiệp, công nghiệp quy mô lớn, nhiều tiềm năng trong phát triển vùng nguyên liệu. Do đó, có thể tăng cường liên kết đầu tư phát triển vùng nguyên liệu tại đây để phục vụ cho sản xuất trong nước ■