Tìm hướng phát triển hệ thống thư viện công cộng

Để phát triển văn hóa đọc, việc xây dựng một hệ thống thư viện công cộng vươn xa đến các xã, phường, thị trấn, thậm chí là tổ dân phố, thôn làng là hết sức cần thiết. Song hiện nay, tại nhiều quận, huyện trên địa bàn Hà Nội, hoạt động còn thiếu và yếu.
0:00 / 0:00
0:00
Hoạt động trưng bày, giới thiệu sách tại Thư viện Hà Nội.
Hoạt động trưng bày, giới thiệu sách tại Thư viện Hà Nội.

Ngày 14/10, tại Thư viện Hà Nội (số 47, phố Bà Triệu, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức tọa đàm “Cách làm và kinh nghiệm trong xây dựng và phát triển hệ thống thư viện công cộng thành phố Hà Nội”.

Ngoài thư viện cấp thành phố, hệ thống thư viện công cộng trên địa bàn Hà Nội còn bao gồm: 29 thư viện cấp huyện (trong tổng số 30 quận, huyện, thị xã); 54 thư viện cấp xã, phường; hơn 1.000 thư viện, phòng đọc tại các thôn, làng, tổ dân phố. Đây là những mắt xích quan trọng để cung cấp thông tin, tri thức đến người dân. Tuy nhiên, hiện nay, bên cạnh một số thư viện hoạt động hiệu quả, thường xuyên có các hoạt động phong phú như Thư viện quận Tây Hồ, Thư viện quận Hoàn Kiếm… thì nhiều thư viện còn gặp khó khăn do chưa có trụ sở hoạt động độc lập, thư viện không bảo đảm diện tích, bố trí ở các địa điểm thuận lợi cho hoạt động. Điển hình như tại các địa bàn: Gia Lâm, Đông Anh, Ứng Hòa, Long Biên…

Tại hội thảo, đại diện các thư viện đã thảo luận, đề xuất những giải pháp để phát triển hệ thống thư viện công cộng trên địa bàn thành phố. Thí dụ như để thu hút độc giả, việc xây dựng hệ thống thư viện điện tử, tận dụng sức lan tỏa của mạng xã hội (Facebook, Youtube…) nhằm giới thiệu những cuốn sách mới, sách hay, thu hút độc giả tìm đọc sách đang được các thư viện hướng tới; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thư viện; xây dựng hệ thống tư liệu chung để có thể luân chuyển giữa các địa phương, tạo điều kiện cho độc giả tiếp cận nhiều loại sách.

Các đại biểu cũng đề xuất chính quyền địa phương cần quan tâm hơn đến phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, thông qua đầu tư hạ tầng, xây dựng cơ chế hỗ trợ cho các thủ thư, trao giải thưởng cho các cá nhân, tổ chức tích cực trong hoạt động thư viện cơ sở…