Tìm giải pháp phát triển nuôi trồng thủy sản hồ chứa

NDO - Chiều 27/10, tại Hòa Bình, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình tổ chức Hội nghị thủy sản toàn quốc với chủ đề "Phát triển nuôi trồng thủy sản hồ chứa". Qua đó, nhằm tìm ra giải pháp phát triển nuôi trồng thủy sản hồ chứa theo hướng hiệu quả, bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu.
0:00 / 0:00
0:00
Hội nghị thu hút đông đảo các đại biểu tham gia.
Hội nghị thu hút đông đảo các đại biểu tham gia.

Dự hội nghị có lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đại diện một số bộ, ngành, đơn vị trực thuộc, cùng hơn 20 Chi cục Thủy sản các tỉnh có hồ chứa trong cả nước.

Với tiềm năng nuôi cá hồ chứa ở Việt Nam có nhiều thuận lợi, cả nước có 23 tỉnh có tiềm năng phát triển thủy sản hồ chứa, với hơn 29.000 lồng nuôi trên sông, hồ chứa. Trong 9 tháng năm 2023, sản lượng nuôi trồng thuỷ sản hồ chứa đạt hơn 36,4 nghìn tấn, với các loài cá nuôi phổ biến như: Nheo Mỹ, chiên, lăng, diêu hồng, trắm đen, ngạnh, tầm, rô phi… Những năm qua, để thúc đẩy phát triển thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã ban hành 5 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương và người nuôi về mùa vụ, quản lý sản xuất, phòng, chống nắng nóng, mưa bão; hướng dẫn công tác quản lý nuôi trồng thủy sản lồng, bè.

Đồng thời, tổ chức các đoàn công tác nắm tình hình nuôi trồng thủy sản tại các địa phương; cấp 621 giấy đăng ký xác nhận cơ sở nuôi cá lồng bè. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn vướng mắc trong phát triển thủy sản trên hồ chứa, như: Công tác tuyên truyền, hướng dẫn đăng ký của chính quyền một số địa phương còn chậm. Số cơ sở nuôi nhỏ lẻ còn chiếm đa số; nhiều cơ sở đã dùng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để thế chấp cho ngân hàng vay vốn sản xuất nên gặp khó khăn trong thực hiện chuyển đổi mục đích chuyển đổi đất; nhiều cơ sở nuôi trồng thủy sản chưa có hợp đồng cho thuê đất mặt nước để nuôi trồng thủy sản theo quy định.

Tại hội nghị, nhiều ý kiến tham luận được đưa ra như: Tổng quan về hiện trạng và giải pháp phát triển nuôi trồng thủy sản hồ chứa; Giải pháp tổng thể phát triển kinh tế thủy sản hồ chứa; Giải pháp kỹ thuật, công nghệ trong sản xuất giống và phát triển nuôi trồng thủy sản hồ chứa; Đánh giá công tác quản lý, khai thác và sử dụng mặt nước cho nuôi trồng thủy sản tại các hồ chứa, tồn tại và giải pháp; Nguồn lợi thủy sản khu vực hồ Hòa Bình: tiềm năng và giải pháp bảo vệ, tái tạo gắn với khai thác và phát triển du lịch sinh thái; Phát triển du lịch trên lòng hồ gắn với kinh tế thủy sản; Hiện trạng, tiềm năng và giải pháp phát triển nuôi trồng thủy sản trên hồ Hòa Bình...

Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến đề nghị tỉnh Hòa Bình khẩn trương phê duyệt Đề án phát triển thủy sản hồ chứa thủy điện Hòa Bình gắn với du lịch năm 2030 và triển khai hiệu quả đề án.

Đồng thời ưu tiên nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng các vùng nuôi cá lồng, bè tập trung trên hồ Hòa Bình. Ngành nông nghiệp các tỉnh tập trung chỉ đạo doanh nghiệp, người dân thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật hiện hành về điều kiện sản xuất, đăng ký cấp mã số, cấp chứng nhận an toàn thực phẩm đối với cơ sở nuôi lồng bè.

Vận động các doanh nghiệp chế biến thủy sản quan tâm xây dựng các vùng nuôi liên kết chặt chẽ, gắn kết với cơ sở nuôi thông qua hợp đồng bao tiêu sản phẩm có đầu tư, hỗ trợ kinh phí, cùng có trách nhiệm trong việc giám sát theo dõi quá trình sản xuất.