Khai thác tiềm năng phát triển thủy sản ở Hòa Bình

Hòa Bình là tỉnh miền núi thuộc khu vực Tây Bắc nhưng có nhiều tiềm năng phát triển thủy sản, với hơn 14.560 ha mặt nước ao, hồ, hồ chứa thủy lợi, thủy điện. Ngoài ra, còn có hệ thống sông, suối lớn có thể tận dụng để nuôi trồng phát triển nguồn lợi cho khai thác tự nhiên.

Hợp tác xã nông, lâm nghiệp xã Thống Nhất (TP Hòa Bình) phát triển nghề nuôi cá lồng trên vùng hồ Hòa Bình, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều xã viên. Ảnh: ÐÌNH THẮNG
Hợp tác xã nông, lâm nghiệp xã Thống Nhất (TP Hòa Bình) phát triển nghề nuôi cá lồng trên vùng hồ Hòa Bình, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều xã viên. Ảnh: ÐÌNH THẮNG

Nghề nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Hòa Bình trong thời gian qua đã phát triển nhanh ở tất cả các loại hình mặt nước, từ các diện tích ao hồ nhỏ, ruộng trũng trồng lúa kém hiệu quả, đến các hồ chứa thủy lợi, thủy điện và diện tích mặt nước các sông, suối. Năm 2015, giá trị sản xuất ngành thủy sản chiếm tỷ trọng 3,1% trong cơ cấu toàn ngành; tốc độ tăng đạt 10,2%, diện tích nuôi trồng thủy sản là 2.450 ha, số lượng lồng bè nuôi cá 2.700 lồng, tổng sản lượng thủy sản đạt hơn 6.000 tấn. Ðến nay cả tỉnh có gần 4.100 lồng nuôi cá các loại. Công nghệ nuôi cá ao của người dân chủ yếu theo hình thức quảng canh cải tiến và bán thâm canh với các loài cá truyền thống. Còn việc nuôi cá lồng được đầu tư khá bài bản, với hệ thống lồng bè nuôi công nghệ tiên tiến, khung sắt, lồng lưới có thể tích từ 50 đến 100 m3, cá nuôi chủ yếu theo hình thức thâm canh, trong đó có các loài cá cho giá trị kinh tế cao như cá trắm đen, cá bỗng, cá ngạnh, cá chiên, cá lăng chấm, cá tầm, cá hồi.

Ðể khai thác lợi thế vị trí địa lý của 19 xã trong tỉnh sở hữu hơn 8.900 ha trong tổng số 16.800 ha mặt nước hồ thủy điện Hòa Bình, với dung tích hơn 9 tỷ m3 nước, ngày 13-6-2014, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình đã ban hành Nghị quyết số 12 NQ/BTV về phát triển nuôi cá lồng bè vùng hồ thủy điện Hòa Bình giai đoạn 2014-2020. Năm 2015, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 10/QÐ-UBND ngày 27-4-2015, quy định một số chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển nuôi cá lồng vùng hồ thủy điện Hòa Bình giai đoạn 2015 - 2020. Ðây là việc làm hết sức cần thiết, vừa khai thác được kho tàng quý báu về thủy sinh vật và nguồn lợi thủy sản đặc trưng của vùng Tây Bắc trong lòng hồ thủy điện để phát triển kinh tế - xã hội vừa bảo vệ được nguồn lợi thủy sản, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống, ổn định dân cư các xã ven hồ.

Đến nay sau hơn ba năm tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 12 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Quyết định số 10 của UBND tỉnh, phong trào nuôi cá lồng trên vùng hồ được ưu tiên phát triển mạnh thành các vùng chuyên canh, tập trung, quy mô lớn theo hình thức tổ hợp tác, hợp tác xã, với số lồng cá nuôi được tăng lên cả về số lượng và chất lượng. Ðã có gần 40 doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, chủ trang trại đầu tư vào nuôi cá lồng trên vùng hồ, với tổng số vốn ước đạt hơn 200 tỷ đồng. Phần lớn các lồng nuôi cá đều làm theo công nghệ mới, lồng lưới khung sắt đã thay thế dần các lồng bương tre, đáp ứng yêu cầu quy chuẩn kỹ thuật, quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm. Ðối tượng nuôi hầu hết là loài có giá trị cao như: Cá chiên, cá lăng, cá bỗng, cá trắm đen, cá rô phi, cá tầm, cá lóc, cá vược… Tiêu biểu như Công ty cổ phần cá sạch sông Ðà đầu tư gần 180 lồng nuôi các loại cá tại xã Thung Nai và Vầy Nưa, mỗi tháng cung cấp cho thị trường Hà Nội hơn 35 tấn cá thịt.

Ðể bảo đảm đầu ra cho sản phẩm đã có hàng chục doanh nghiệp, hợp tác xã ký kết với các hộ, nhóm hộ triển khai liên kết chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị như Công ty Cá sạch sông Ðà, các công ty Việt Ðức, Minh Phú, Hải Ðăng... Bên cạnh đó, các cơ quan chuyên môn của tỉnh Hòa Bình đang xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm cá Sông Ðà Hòa Bình, tiến tới xây dựng thương hiệu cá hồ Hòa Bình, nhằm quảng bá thương hiệu, ổn định thị trường trong tiêu thụ sản phẩm, tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho hơn 5.000 lao động.

Về lâu dài, để bảo đảm phát triển thủy sản bền vững, tỉnh Hòa Bình chủ trương đẩy mạnh kết nối sản xuất nông nghiệp với công nghiệp chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; đổi mới và phát triển hệ thống quản lý và hệ thống tổ chức sản xuất, kinh doanh, nhằm giảm thiểu cường độ khai thác cá tự nhiên trên hồ, tăng hiệu quả quản lý và sử dụng các nguồn tài nguyên nước, cũng như hạn chế rủi ro cho người nuôi cá khi xảy ra thiên tai.