Hội thảo nằm trong các hoạt động nhằm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 23/11/2022 của Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW. Hội thảo có sự tham dự của hơn 100 đại biểu là đại diện các sở, ban, ngành thuộc 6 tỉnh và thành phố nằm trong vùng Đông Nam Bộ, các học giả, nhà khoa học và chuyên gia kinh tế…
Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận, chia sẻ kết quả nghiên cứu, đề xuất các khuyến nghị về xây dựng chính sách, cơ chế, giải pháp chiến lược để phát triển Đông Nam Bộ trở thành vùng phát triển năng động, bền vững, cũng như thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 154/NQ-CP Chính phủ. Trong đó, các ý kiến tập trung vào các chủ đề phát triển kinh tế, xã hội và bảo đảm an ninh, quốc phòng vùng Đông Nam Bộ; với mục tiêu để vùng Đông Nam Bộ phát triển thành trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, dịch vụ, giáo dục, đào tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số hàng đầu cả nước và khu vực Đông Nam Á.
Vùng Đông Nam Bộ bao gồm Thành phố Hồ Chí Minh và năm tỉnh lân cận là Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh. Đây là vùng có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng, an ninh của cả nước. Vùng Đông Nam Bộ đóng vai trò quan trọng trong giao thương với cả nước và quốc tế thông qua mạng lưới giao thông và cảng biển của vùng.
Nhiều ý kiến tại hội thảo chỉ rõ cơ sở hạ tầng giao thông của vùng chưa được phát triển đồng bộ, dẫn đến chuỗi cung ứng nội vùng và ngoại vùng bị quá tải, giảm tính kết nối, làm tăng chi phí vận chuyển và lưu thông hàng hóa, ảnh hưởng đến kết quả hoạt động của doanh nghiệp.
GS, TS Andreas Stoffers-Giám đốc quốc gia Quỹ Friedrich Naumann Foundation tại Việt Nam phát biểu tại hội thảo. |
Bên cạnh đó, tỷ lệ đô thị hóa cao của vùng với phần lớn lao động nhập cư đang đặt ra rất nhiều thách thức về cơ sở hạ tầng trong bối cảnh thiếu hụt nguồn vốn đầu tư công và khó khăn trong quá trình triển khai công tác giải phóng mặt bằng. Song song đó, trình độ công nghệ của các địa phương trong vùng, hoạt động đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học-công nghệ trong thời gian qua mặc dù đã được nâng lên nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển và chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của vùng.
Dù có vị trí địa lý mang tính chiến lược đối với kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước, nhưng vùng lại là địa bàn tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp liên quan đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Tuy đóng góp đáng kể vào sự phát triển của đất nước, nhưng vùng Đông Nam Bộ vẫn tồn tại những điểm nghẽn như: Thiếu lao động có kỹ năng và trình độ cao, thiếu sự liên kết vùng trong sản xuất và tiêu thụ do cơ chế pháp lý chưa cụ thể, quản lý theo địa giới hành chính gây chia cắt chuỗi cung ứng…
Dịp này, UEH đã ra mắt Viện Nghiên cứu và Tư vấn phát triển vùng (Institute for Regional Development Research and Consulting, IRDRC), đơn vị trực thuộc UEH. Viện IRDRC thực hiện các nghiên cứu ứng dụng và cung cấp dịch vụ tư vấn (bao gồm tư vấn chính sách, chiến lược, và nghiệp vụ chuyên môn), nhằm góp phần giúp các địa phương tiếp cận những xu hướng mới trong việc thiết kế và vận hành chính sách; giúp địa phương, tổ chức nghề nghiệp, và doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, gia tăng hiệu quả hoạt động, nâng cao hiệu suất công việc, phát triển bền vững và tăng cường khả năng thích nghi của địa phương và doanh nghiệp trước những biến đổi khó lường của nền kinh tế thị trường.
UEH cũng ra mắt Chương trình “UEH Đông Nam Bộ 2030” - chương trình đào tạo nguồn nhân lực dành riêng cho 6 tỉnh, thành phố trong vùng Đông Nam Bộ. Chương trình này sẽ cung cấp nguồn đội ngũ cán bộ quản lý trung, cao cấp có chất lượng cao.