Thông tin kinh tế

Bà Rịa-Vũng Tàu - Trung tâm logistics của vùng Đông Nam Bộ

Với những dự án trọng điểm, có tính liên kết vùng, đang triển khai, như cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, cầu Phước An...; với hệ thống cảng nước sâu Cái Mép-Thị Vải, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu hội tụ đầy đủ lợi thế để phát triển thành trung tâm logistics của vùng Đông Nam Bộ và cả nước.
0:00 / 0:00
0:00
Ngay sau khi đi vào hoạt động, Cảng Gemalink (thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) trở thành bến cảng lớn nhất trong cụm cảng nước sâu Cái Mép-Thị Vải, góp phần hoàn thiện chuỗi cung ứng dịch vụ logistics của Tập đoàn Gemadept.
Ngay sau khi đi vào hoạt động, Cảng Gemalink (thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) trở thành bến cảng lớn nhất trong cụm cảng nước sâu Cái Mép-Thị Vải, góp phần hoàn thiện chuỗi cung ứng dịch vụ logistics của Tập đoàn Gemadept.

Tại Hội nghị triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” vừa diễn ra tại TP Vũng Tàu, những lợi thế đó lại một lần nữa được khơi gợi, nhằm sớm đưa Bà Rịa-Vũng Tàu trở thành trung tâm.

Hoàn thiện hệ thống giao thông vùng

Từ lâu, hệ thống giao thông kết nối vùng đã bộc lộ nhiều hạn chế, tập trung chủ yếu vào giao thông đường bộ vốn đã quá tải, chưa kết nối hiệu quả giữa đường bộ và đường thủy, thiếu sự liên kết giữa các phương thức vận tải có sức chuyên chở lớn và giá cả cạnh tranh như đường sắt, đường thủy nội địa...

Tại Hội nghị triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” diễn ra tại TP Vũng Tàu mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ ra những mâu thuẫn, hạn chế, như lợi thế, tiềm năng lớn nhưng các chính sách phát triển của vùng còn hạn hẹp, chưa tương xứng với quy mô phát triển; hệ thống hạ tầng kết nối chưa đồng bộ, chưa có tính chiến lược, toàn diện; nguồn lực phát triển vẫn chủ yếu dựa vào Nhà nước, các cơ chế hợp tác công-tư chưa thật hiệu quả, chưa khai thác được các nguồn lực xã hội khác.

Thủ tướng đặt câu hỏi, vì sao một vùng kinh tế trọng điểm, năng động như vùng Đông Nam Bộ lại chỉ có 50km đường cao tốc? Điều đó cho thấy việc phát huy các nguồn lực của vùng chưa tương xứng với sự phát triển.

Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ cho biết, quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt, theo đó, cảng biển Bà Rịa-Vũng Tàu thuộc nhóm cảng biển đặc biệt, với chức năng cảng cửa ngõ, trung chuyển quốc tế, có bến container, tổng hợp, hàng rời, hàng lỏng/khí, tiếp nhận tàu đến 250.000 tấn. Tuy nhiên, hiện nay hệ thống Cảng Cái Mép-Thị Vải chưa đủ điều kiện để trở thành cảng trung chuyển quốc tế, chưa thu hút được các hãng tàu lớn và mất đi tính cạnh tranh với các cảng nước sâu trong khu vực.

Bà Rịa-Vũng Tàu - Trung tâm logistics của vùng Đông Nam Bộ ảnh 1

Ngay sau khi đi vào hoạt động, Cảng Gemalink (thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) trở thành bến cảng lớn nhất trong cụm cảng nước sâu Cái Mép-Thị Vải, góp phần hoàn thiện chuỗi cung ứng dịch vụ logistics của Tập đoàn Gemadept.

Thực tế tại Bà Rịa-Vũng Tàu, với gần 50 dự án cảng biển đã đi vào hoạt động, công suất quy hoạch hơn 155 triệu tấn hàng hóa mỗi năm, tuyến quốc lộ 51 nối Bà Rịa-Vũng Tàu với TP Hồ Chí Minh và các tỉnh trong vùng đã nhanh chóng quá tải.

Ông Nguyễn Văn Thọ cho biết, tỉnh xác định phải chú trọng đầu tư hạ tầng kết nối giao thông liên cảng, liên vùng; Tập trung triển khai các dự án như đường 991B, cầu Phước An, đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, đường Long Sơn-Cái Mép, Phước Hòa-Cái Mép, đường sau cảng Mỹ Xuân-Thị Vải; Xúc tiến các thủ tục để khởi động xây dựng đường sắt kết nối cảng, Trung tâm logistics Cái Mép Hạ; Thúc đẩy phát triển các dự án cảng thủy nội địa...

Tỉnh cũng sẽ xem xét để sớm có phương án triển khai nạo vét tuyến luồng hàng hải và nâng cấp toàn bộ tuyến luồng theo quy hoạch, bảo đảm độ sâu an toàn cho các tàu lớn ra vào cảng. Tăng cường cải cách các thủ tục, tạo thuận lợi cho hàng hóa xuất nhập khẩu tại cảng.

Hình thành Khu thương mại tự do Cái Mép Hạ

Sáng kiến hình thành khu thương mại tự do Cái Mép Hạ không phải là một cơ chế ưu đãi dành riêng cho Bà Rịa-Vũng Tàu mà là cơ chế đặc thù cho cả Vùng Đông Nam Bộ.

Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ cho biết: Việc lựa chọn vị trí hình thành khu thương mại tự do ở khu vực Cái Mép Hạ theo Nghị quyết 24 dựa trên những luận cứ mang tính khoa học và thực tiễn trong nước và quốc tế, dựa trên các đánh giá khách quan về các lợi thế tự nhiên. Cảng biển nước sâu Cái Mép-Thị Vải là một trong 20 cảng lớn trên thế giới, có thể tiếp cận các siêu tàu container lớn nhất thế giới hiện nay.

Đây cũng là cụm cảng duy nhất ở miền nam Việt Nam có những chuyến tàu đi thẳng đến châu Mỹ, châu Âu. Cảng Cái Mép-Thị Vải được xếp hạng thứ 11 trên tổng số 370 cảng container hoạt động hiệu quả nhất thế giới năm 2021 theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới. Cái Mép Hạ hội đủ các điều kiện để có thể hiện thực hóa sáng kiến hình thành khu thương mại tự do thế hệ mới của vùng.

Để chuẩn bị sẵn sàng cho việc hình thành khu thương mại tự do Cái Mép Hạ, trong thời gian vừa qua, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã chủ động triển khai một số công việc, như: Cập nhật chủ trương phát triển khu thương mại tự do vào Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tổ chức lập quy hoạch Trung tâm logistic Cái Mép Hạ với diện tích 1.686,73ha, lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án để trình cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư. Triển khai đầu tư các công trình giao thông kết nối liên cảng và liên vùng; đặc biệt là kết nối hệ thống cảng Thị Vải-Cái Mép với Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Trung tâm tài chính quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh, các trung tâm công nghiệp, đô thị trong vùng...

Cũng theo ông Nguyễn Văn Thọ, trong thời gian tới, tỉnh sẽ khẩn trương triển khai việc xác định vị trí, quy mô khu thương mại tự do, xác định cụ thể diện tích, địa điểm xây dựng khu thương mại tự do với tọa độ địa lý, ranh giới cụ thể, bảo đảm phù hợp với quy hoạch tỉnh và nhu cầu sử dụng đất và mặt nước tại khu vực; ưu tiên nguồn lực để đầu tư, nâng cấp và hoàn thiện kết cấu hạ tầng theo quy hoạch và định hướng đề ra tại Nghị quyết 24, trong đó yêu cầu tập trung nguồn lực để sớm hoàn thành các dự án giao thông có tính liên kết vùng, đặc biệt là tuyến cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, tuyến kết nối Cảng hàng không quốc tế Long Thành, hệ thống đường ven biển qua Bà Rịa-Vũng Tàu, Cảng hàng không Côn Đảo...