Tìm giải pháp để phát triển những nhà máy thông minh

Ngày 28/8, Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh (HUBA) đã phối hợp Sở Công thương, Sở Khoa học và Công nghệ, Hội Tin học Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo với chủ đề “Giải pháp cho nhà máy thông minh”.
0:00 / 0:00
0:00
PGS,TS Thoại Nam (Trường đại học Bách Khoa Thành phố Hồ Chí Minh) trình bày tham luận tại hội thảo.
PGS,TS Thoại Nam (Trường đại học Bách Khoa Thành phố Hồ Chí Minh) trình bày tham luận tại hội thảo.

Hội thảo nhằm giới thiệu, cung cấp cho cộng đồng doanh nghiệp những thông tin mới nhất về thực trạng, giải pháp, chính sách hỗ trợ…. liên quan vấn đề xây dựng và phát triển các mô hình nhà máy thông minh trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo PGS,TS Thoại Nam (Trường đại học Bách Khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), nhà máy thông minh là một hệ thống tích hợp kết hợp công nghệ vật lý và kỹ thuật số để tạo ra một môi trường sản xuất được kết nối và thông minh. Nhờ vậy, quá trình sản xuất cho phép giám sát theo thời gian thực, ra quyết định dựa trên dữ liệu và sản xuất tự chủ…

Thị trường sản xuất thông minh toàn cầu dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ hơn 13%/năm trong 7 năm tới, đạt tổng trị giá khoảng 658,41 tỷ USD vào năm 2030.

Theo một số cuộc khảo sát, phần lớn ý kiến đều tin rằng công nghệ thông minh sẽ tăng khả năng cạnh tranh cho tổ chức của họ. Trước đây, những doanh nghiệp lớn mới có thể đủ điều kiện tiếp cận hoặc hưởng lợi từ công nghệ thông minh, nhưng sản xuất thông minh đã trở nên dễ tiếp cận hơn đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong những năm gần đây.

Tìm giải pháp để phát triển những nhà máy thông minh ảnh 2

Chủ tịch HUBA Nguyễn Ngọc Hòa phát biểu tại hội thảo.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng đã cung cấp nhiều thông tin mới về sản xuất thông minh. Theo các chuyên gia, xu thế chủ đạo của sản xuất công nghiệp trên thế giới hiện nay và trong thời gian tới là Công nghiệp 5.0.

Nếu Công nghiệp 4.0 dựa trên sự kết nối giữa máy móc và hệ thống công nghệ thông tin, thì Công nghiệp 5.0 tập trung vào sự cộng tác giữa con người và máy móc trong các nhiệm vụ đòi hỏi sự sáng tạo, ra quyết định phức tạp và kỹ năng cảm xúc.

Trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ năm, yếu tố con người ngày càng nổi bật và được đặt ở vị trí trung tâm của quá trình sản xuất. Công nghiệp 5.0 chú trọng nhiều hơn đến việc sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo và thiết kế các hệ thống tiết kiệm năng lượng để đạt được sản xuất bền vững hơn và giảm lượng khí thải carbon.

Các chuyên gia đã đề xuất nhiều giải pháp để phát triển các mô hình nhà máy thông minh, như: Lan tỏa mạnh mẽ những mô hình nhà máy thông minh cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa; tổ chức các triển lãm, khảo sát, chia sẻ các bài học thành công của các nhà máy thông minh; xây dựng tiêu chuẩn và chứng nhận các nhà máy thông minh; đầu tư mạnh cho công tác nghiên cứu và phát triển các mô hình nhà máy thông minh; tăng cường công tác đào tạo và huấn luyện về nhà máy thông minh, nhất là ở các trường đại học….

Đồng thời, thành phố cần sớm xây dựng chính sách và các các chương trình hỗ trợ phát triển nhà máy thông minh hiệu quả hơn nữa.