Hướng đi mới cho công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh

Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những trung tâm lớn về công nghiệp, đóng góp quan trọng vào phát triển công nghiệp của cả nước. Tuy nhiên, thời gian qua, phát triển công nghiệp của địa phương này đang chững lại.
0:00 / 0:00
0:00
Hoạt động sản xuất của Công ty cổ phần Tập đoàn bút bi Thiên Long, Khu công nghiệp Tân Tạo, quận Tân Bình. (Ảnh: THẾ ANH)
Hoạt động sản xuất của Công ty cổ phần Tập đoàn bút bi Thiên Long, Khu công nghiệp Tân Tạo, quận Tân Bình. (Ảnh: THẾ ANH)

Cụ thể, giai đoạn 2010-2015, công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh tăng trưởng bình quân 5,87%/năm, trong khi cả nước tăng bình quân 7,39%; giai đoạn 2016-2022, công nghiệp của thành phố tăng trưởng 2,67%/năm thì công nghiệp cả nước tăng trưởng 6,8%/năm. Tính cả thời kỳ 2010-2022, công nghiệp của Thành phố Hồ Chí Minh chỉ tăng 4,11%, còn công nghiệp cả nước tăng bình quân hơn 7,07%/năm.

Hiện, công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh đang đối diện với bốn thách thức lớn: Tỷ trọng công nghiệp trong GRDP có xu hướng giảm và chững lại; quy mô toàn ngành công nghiệp đang mất dần vị trí đứng đầu trong vùng Đông Nam Bộ và cả nước; tốc độ giá trị tăng thêm của toàn ngành công nghiệp luôn thấp hơn tốc độ tăng GRDP của Thành phố Hồ Chí Minh; diện tích đất dành cho công nghiệp khá hạn chế nên khó thu hút các dự án đầu tư quy mô lớn. Ngoài ra, xu hướng chuyển dịch sản xuất ra các tỉnh lân cận có xu hướng tăng, cũng như việc ứng dụng công nghệ trong sản xuất của các doanh nghiệp còn nhiều hạn chế, ảnh hưởng đến phát triển công nghiệp của địa phương này. Mặc dù xét về quy mô, công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh vẫn dẫn đầu cả nước với tổng giá trị sản phẩm trên địa bàn năm 2023 đạt khoảng 300 nghìn tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng một triệu lao động, nhưng xét về tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu công nghiệp cả nước có xu hướng giảm dần.

Thành phố Hồ Chí Minh có rất nhiều ngành công nghiệp nhưng chưa có những “sếu đầu đàn” trong từng ngành, chưa định hình được nền tảng phát triển để mang tính dẫn dắt. Kể cả ngành công nghiệp điện tử là ngành công nghiệp chủ lực của thành phố, chiếm khoảng 70% số lượng doanh nghiệp điện tử của toàn Vùng kinh tế trọng điểm phía nam, nhưng cũng chưa để lại dấu ấn rõ nét.

Trong số khoảng 620 doanh nghiệp hoạt động trong ngành điện tử trên địa bàn thành phố, phần lớn là doanh nghiệp trong nước có quy mô vốn vừa và nhỏ. Số liệu thống kê gần đây cho thấy, doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài quy mô vốn bình quân cao gấp 52 lần so với quy mô vốn bình quân của loại hình công ty TNHH tư nhân; gấp 122 lần so với loại hình công ty cổ phần trong nước; gấp 163 lần so với công ty TNHH 100% vốn nhà nước.

Điều này cho thấy, sự phát triển của khu vực doanh nghiệp điện tử Thành phố Hồ Chí Minh phụ thuộc chủ yếu vào các doanh nghiệp FDI. Doanh nghiệp điện tử tư nhân dù chiếm phần lớn, song đóng góp rất hạn chế trong sự phát triển của ngành điện tử thành phố về giá trị đầu ra; thiếu tính liên kết với các doanh nghiệp FDI; số doanh nghiệp tham gia vào chuỗi liên kết ngành điện tử rất ít, chưa đáp ứng được yêu cầu đồng bộ về tiêu chuẩn kỹ thuật, linh kiện...

Đến nay, phát triển công nghiệp của Thành phố Hồ Chí Minh đang ở giai đoạn bão hòa, cần định hình hướng đi mới, chu kỳ phát triển mới bởi công nghiệp của thành phố có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm phía nam và cả nước. Từ thực trạng phát triển công nghiệp của thành phố đặt ra yêu cầu cần phải tái cơ cấu lại chiến lược phát triển công nghiệp nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của toàn cầu.

Việc tái cơ cấu cần chú trọng đến việc khai thác những tiềm năng và lợi thế của thành phố để làm đòn bẩy cho phát triển công nghiệp theo hướng gia tăng giá trị cao, phát triển xanh và bền vững. Để làm được điều này, thành phố nên phát triển công nghiệp theo hướng thâm dụng tri thức; phát triển công nghiệp dựa trên các thế mạnh về nhân lực, khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo; ứng dụng những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả các ngành, sản phẩm công nghiệp; phát triển công nghiệp phải đặt trong chuỗi liên kết vùng. Đồng thời, thành phố cần thu hút các nhà đầu tư có thể giúp xây dựng được hệ sinh thái xoay quanh nó, mở được “cánh cửa” cho doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.